Cần Thơ là một trong những tỉnh thành hằng năm tổ chức nhiều cuộc họp về chuyển đổi số - Ảnh: V.K.K
Thời cơ chuyển đổi số
Bà Nguyễn Thị Mai, chủ tiệp tạp hóa ở huyện Tam Bình cho biết trước đây 5 năm bà không quan tâm tới việc chuyển đổi số và kinh doanh online, nhưng giờ đây mọi việc đã khác. Nhập liệu hàng hóa, chuyển tiền nhận tiền từ bán hàng… và sắp tới ngành thuế yêu cầu tiệm thí điểm bán hàng phải thống kê doanh số và nộp thuế theo phương thức mới… Tất cả bắt buộc người kinh doanh phải thích hợp với sự thay đổi nếu muốn phát triển, tồn tại.
Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng thực tế cho thấy chuyển đổi số (CĐS) đã đi sâu vào đời sống người dân trong vùng. Số người dùng mạng internet, điện thoại thông minh không ngừng tăng. Thanh toán số, tiêu dùng số trở nên thông dụng; giáo dục số, y tế số đã phần nào xóa dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Đến nay, tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh ở ĐBSCL đạt rất cao. Tỷ lệ thuê bao băng thông rộng và tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet băng thông rộng tăng liên tục những năm qua. Tỷ lệ doanh nghiệp có kết nối internet băng thông rộng trong vùng tiếp tục tăng, đã đạt gần 100%, nhiều nơi 100%.
Giám đốc Sở KH-CN Cần Thơ, TS Ngô Anh Tín phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: SKHCN
Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND TP.Cần Thơ đã ban hành văn bản chỉ đạo về xây dựng kế hoạch để triển khai chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các tỉnh khác trong vùng cũng thực hiện các bước đi tương tự. Những quyết tâm chính trị của các địa phương vùng ĐBSCL đã góp phần rất quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện chuyển đổi số trong vùng.
Trong các năm qua, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã tích cực tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp về CĐS, trong đó chú trọng đào tạo về kỹ năng CĐS, thương mại điện tử, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm, nền tảng số cho cán bộ, công chức, người công tác tại các tổ chức đoàn thể các cấp và người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, 100% cổng thông tin điện tử các tỉnh thành ở ĐBSCL đều có chuyên mục CĐS, có địa phương đã xây dựng cổng thông tin riêng về CĐS để cung cấp, cập nhật thông tin về chuyển số của địa phương mình, kinh nghiệm của các địa phương khác và thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách về CĐS.
Bên cạnh đó, trình độ dân trí ở ĐBSCL tiếp tục được nâng cao trong những năm qua, trong đó 100% tỉnh thành phố có trường đại học, cao đẳng, nhiều trường đại học đào tạo ngành công nghệ thông tin để phục vụ đào tạo nhân lực trong vùng, với hàng trăm sinh viên tốt nghiệp mỗi năm. Các cơ quan nhà nước ở ĐBSCL đều có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin - truyền thông.
TS Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Cần Thơ cho biết đến nay 100% các hoạt động hành chính ở Cần Thơ đã áp dụng CĐS. Về chuyển đổi số trong dân, theo ước tính có hơn 65% dân trên địa bàn đã áp dụng CĐS xuất phát từ thực tế cuộc sống.
Các địa phương ở ĐBSCL đều cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho người dân và doanh nghiệp. Các cấp chính quyền đẩy mạnh ứng dụng cộng nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước; chữ ký số chuyên dùng đã được tích hợp vào hệ thống phần mềm quản lý văn bản tại các cơ quan, đơn vị và được triển khai phục vụ thực hiện trong ứng dụng quản lý văn bản với Kho bạc nhà nước, khai báo thuế, bảo hiểm xã hội và ngành thuế…
Về kinh tế số, hầu hết các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp CĐS, trong đó kinh tế số của một số địa phương thu được những kết quả bước đầu. Cụ thể, tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, mới thành lập sử dụng phần mềm AMIS kế toán; phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên Sàn giao dịch thương mại điện tử POSTMART.vn. TP.Cần Thơ xây dựng sàn thương mại điện tử tại địa chỉ: www.chonongsancantho.vn, hiện có 17.800 hộ sản xuất nông nghiệp giới thiệu 200 sản phẩm nông nghiệp (lương thực, rau củ quả, thủy sản, thịt gia súc, gia cầm, dược liệu, sản phẩm chế biến…) lên sàn. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt trong vùng đạt khoảng 90%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%.
Hội thảo về CĐS ở ĐBSCL - Ảnh: Internet
Tại tỉnh Đồng Tháp, các tổ công nghệ số cộng đồng tổ chức hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm phản ánh hiện trường e-Dongthap; sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt... Kết quả, 1.003 đã người cài đặt ứng dụng e-Dongthap; 1.782 người cài đặt và sử dụng các loại ví điện tử, mobile money; 71 cửa hàng chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 16 hộ sản xuất tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử; hơn 600 người được hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tỉnh Hậu Giang có 525 tổ công nghệ số cộng đồng ấp, khu vực được thành lập với 3.470 thành viên. Đây là “cánh tay nối dài” của các ban chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh đến huyện, huyện đến xã, phường, thị trấn và ấp, với mục tiêu đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân.
Thách thức từ chuyển đổi số
Cũng theo ông Nguyễn Thực Hiện, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình chuyển đổi số trong vùng, cụ thể mức độ tham gia của người dân vào quá trình chuyển đổi số chưa cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công chưa đem lại hiệu quả cao. Người dân còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng trên môi trường số hiện nay. Người dân, doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e ngại, chưa có thói quen giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số, chưa có thói quen sử dụng các ứng dụng số trong giao tiếp với chính quyền các cấp. Điều kiện tiếp cận công nghệ số, kỹ năng số của bộ phận người dân vùng nông thôn còn hạn chế, nhất là việc tiếp cận sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước...
Nhận thức về tầm quan trọng của CĐS ở các sở ngành, địa phương vùng ĐBSCL tuy có chuyển biến nhưng chưa thật sự sâu sắc. Hạ tầng số tại nhiều đơn vị chưa được trang bị đồng bộ. Vẫn còn một số cơ quan, đơn vị xử lý văn bản giấy song song với văn bản điện tử; công tác đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, chuyển đổi số còn hạn chế, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, nguồn lực.
Tọa đàm về KH-CN ở Cần Thơ - Ảnh: SKHCN
Theo TS Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH-CN TP.Cần Thơ, để thúc đẩy quá trình CĐS, chính quyền ở ĐBSCL cần tiếp tục đổi mới tư duy để đề ra những cơ chế, chính sách phù hợp hơn, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động nhằm đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp, sát với thực tiễn.
Để thực hiện chính sách về CĐS, các địa phương ĐBSCL cần có sự phối hợp; chú trọng khuyến khích doanh nghiệp tạo ra các nền tảng công nghệ để người dân tiếp cận một cách thuận lợi nhất, đưa người dân từ đối tượng được thụ hưởng thụ động thành người tham gia, chung tay, hợp lực với chính quyền, doanh nghiệp để thực hiện thành công các giải pháp CĐS.
Chính phủ cần hỗ trợ việc thành lập trung tâm CĐS để kết nối các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; xây dựng sàn thương mại điện tử nông sản đặc trưng của vùng, từ đó kết nối với sàn thương mại điện tử quốc gia; tăng cường đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin để thích ứng với CĐS, kinh tế số, xã hội số; hướng dẫn các địa phương cách xác định hàm lượng gắn với việc đóng góp của CĐS, kinh tế số vào tỷ trọng cơ cấu GDP để các tỉnh thành trong vùng; xác định được vị trí và đưa ra các biện pháp, giải pháp thực hiện CĐS phù hợp hơn...
Văn Kim Khanh