Chuyên gia Nhật 'hiến kế' phát triển giao thông thông minh tại Việt Nam

Chuyên gia Nhật 'hiến kế' phát triển giao thông thông minh tại Việt Nam
11 giờ trướcBài gốc
Số hóa dữ liệu vé - "chìa khóa" tối ưu vận hành metro
Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát triển giao thông công cộng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường, việc áp dụng hệ thống thẻ vé tự động không chỉ là một giải pháp công nghệ, mà còn là bước chuyển đổi mang tính chiến lược.
Ông Fukuda Chihiro - Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam - cho biết, JICA đã và đang hỗ trợ xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại các nước: Thái Lan, Philippines, Indonesia, Bangladesh. Tại Việt Nam với dự án ở TP. Hồ Chí Minh, hệ thống thu soát vé tự động (AFC) đã được triển khai.
"TP. Hà Nội hiện đang đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng là một yêu cầu cấp thiết", ông Fukuda nói.
Ông Fukuda Chihiro - Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam và ông Satoru Horiuchi - Tổng giám đốc Công ty Tokyo Metro Việt Nam. Ảnh: VGP/Dương Tuấn
Theo đại diện JICA, hệ thống AFC có 3 ưu điểm đáng chú ý. Thứ nhất, hệ thống này giúp nâng cao hiệu quả và minh bạch trong vận hành. Việc số hóa dữ liệu doanh thu cho phép quản lý thu phí theo thời gian thực, giảm áp lực công việc cho nhân viên thu phí, đồng thời hạn chế bỏ sót và các hành vi gian lận.
Thứ hai, AFC tăng tính thuận tiện cho người sử dụng bằng cách hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, từ đó nâng cao mức độ hài lòng của hành khách và khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng lâu dài.
Thứ ba, dữ liệu thu được từ hệ thống AFC có thể hỗ trợ hoạch định chính sách giao thông và kế hoạch vận hành. Cụ thể, dữ liệu này giúp cơ quan quản lý nắm bắt tình hình lưu lượng tại các tuyến, các khung giờ cao điểm để điều chỉnh lịch trình tàu, thiết kế tuyến đường sắt và xây dựng chiến lược thu phí phù hợp.
Ông Fukuda cho biết, hiện Việt Nam đã xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị và có kế hoạch mở rộng thêm trong thời gian tới.
"Chúng tôi cho rằng, việc áp dụng hệ thống AFC là rất cần thiết để phát huy hiệu quả và tính bền vững của hệ thống giao thông công cộng", ông Fukuda nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, ông Satoru Horiuchi, Tổng giám đốc Công ty Tokyo Metro Việt Nam, cho biết, hệ thống metro tại Tokyo đã có gần 100 năm kinh nghiệm vận hành, trong đó việc ứng dụng công nghệ AFC đóng vai trò quan trọng trong quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
"Chúng tôi đã áp dụng hệ thống AFC để nâng cao sự thuận tiện cho hành khách cũng như công tác quản lý và vận hành", ông Horiuchi nói.
Theo đại diện Tokyo Metro, hiện nay thẻ vé thông minh đã được sử dụng thống nhất trên toàn hệ thống giao thông công cộng tại Nhật Bản. Việc này được thực hiện thông qua đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại, đồng bộ, giúp hành khách có thể di chuyển linh hoạt giữa các loại hình vận tải khác nhau mà không cần thay đổi phương thức thanh toán.
Ông Horiuchi cho biết, Tokyo Metro đã và đang hỗ trợ kỹ thuật để có thể đưa hệ thống thẻ vé tự động vào sử dụng tại Việt Nam.
Phát triển mô hình đầu - cuối
Việt Nam đã có những bước chuẩn bị quan trọng về chính sách và công nghệ. Tuy nhiên, ông Fukuda Chihiro cho rằng, cần sớm xây dựng một cơ chế điều phối hiệu quả nhằm đảm bảo tính đồng bộ khi hệ thống được mở rộng.
"Việc mở rộng mạng lưới sẽ kéo theo sự gia tăng số lượng chủ thể tham gia, do đó rất cần một cơ chế sử dụng hệ thống và nền tảng chung một cách thống nhất", ông Fukuda Chihiro nói và nhấn mạnh vai trò điều phối của Chính phủ trong quá trình triển khai AFC, đặc biệt ở 3 phương diện.
Thứ nhất, cần định hướng xây dựng một hệ thống có khả năng tích hợp đa phương tiện, không chỉ dành cho đường sắt mà còn cho xe buýt, điểm bán hàng, bãi đỗ xe… Việc xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật thống nhất từ đầu là điều cần thiết để đảm bảo khả năng vận hành liên thông.
Hành khách mua vé metro Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) tại quầy bán vé tự động. Ảnh minh họa
Thứ hai, vì hệ thống AFC xử lý thông tin cá nhân của hành khách, cần có các biện pháp an ninh mạnh nhằm phòng chống gian lận và bảo vệ dữ liệu. Chính phủ cần sớm ban hành quy định pháp lý cụ thể về an toàn thông tin và quyền riêng tư cho người dùng.
Thứ ba, hệ thống AFC đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn, không nên giao toàn bộ việc triển khai cho khu vực tư nhân. Thay vào đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính và pháp lý phù hợp để thúc đẩy quá trình triển khai và mở rộng hệ thống.
Ngoài 3 vai trò trên, Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho rằng cần đảm bảo tính kết nối giữa AFC và các phương tiện giao thông công cộng khác.
Ông dẫn ví dụ về Hà Nội, nơi có 2 tuyến metro đang triển khai. Nếu hành khách có thể sử dụng cùng một loại thẻ AFC để di chuyển liên thông qua các phương tiện khác nhau, việc sử dụng phương tiện công cộng sẽ trở nên thuận tiện hơn.
"Khả năng kết nối giữa nhà ga và điểm đến cuối cùng cũng rất quan trọng. Tại TP. Hồ Chí Minh, hệ thống xe buýt đang được triển khai để kết nối các nhà ga metro với khu dân cư và trung tâm thương mại. Đây là mô hình mà Hà Nội có thể nghiên cứu áp dụng", ông nói và gọi đây là mô hình kết nối đầu - cuối giúp hành khách di chuyển thuận tiện trong toàn bộ hành trình.
Hệ thống AFC liên thông được quản lý bằng công nghệ tiên tiến, tạo thuận lợi tối đa cho hành khách, đáp ứng nhu cầu về quản lý, vận hành, đầu tư và cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Hệ thống liên thông, liên kết được nhiều chủ thể (Nhà nước, đơn vị vận hành, nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng).
Nguyên Thảo
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/chuyen-gia-nhat-hien-ke-phat-trien-giao-thong-thong-minh-tai-viet-nam-388428.html