Bạn đọc Huỳnh Anh Tài, phường An Lạc, TP HCM hỏi: Vừa qua, tôi thấy nhiều trường hợp bị khởi tố do không chịu hoàn trả số tiền người khác chuyển nhầm. Vậy cho tôi hỏi cụ thể nếu cố tình chiếm đoạt tiền chuyển nhầm thì sẽ bị xử lý như thế nào? Người chuyển nhầm tiền cần làm gì để lấy lại số tiền đã chuyển?
Các cơ quan chức năng khuyến cáo không nên cố tình trì hoãn khi nhận tiền chuyển nhầm
Trả lời: Khi chuyển nhầm tiền cho người khác, người dân cần gọi điện ngay cho ngân hàng để có hướng giải quyết kịp thời, đúng quy định. Khi nhận được thông báo của người chuyển nhầm, ngân hàng có trách nhiệm thông báo cho người nhận để làm các thủ tục hoàn trả cho người chuyển.
Trong trường hợp người nhận có ý định chiếm đoạt hoặc dây dưa không chuyển trả thì người chuyển nhầm cần làm một số bước sau:
Người chuyển nhầm tiền làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1, điều 2, Luật Tố cáo năm 2018.
Cụ thể, người chuyển nhầm tiền tố cáo tới cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan tổ chức khác. Tố cáo gửi đến cơ quan công an nơi người thụ hưởng cư trú với hình thức thực hiện bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan.
Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo. Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.
Bên cạnh việc tố cáo thì người chuyển nhầm tiền có thể đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin của chủ tài khoản này để khởi kiện yêu cầu trả lại số tiền trên theo quy định.
Nếu cố tình chiếm hữu, sử dụng, không trả lại tiền cho người chuyển nhầm sau khi đã nhận được thông báo từ phía ngân hàng và người chuyển nhầm tiền thì người cố tình chiếm hữu, sử dụng trái phép số tiền trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 176, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Điều luật này quy định người chiếm đoạt tài sản từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sẽ bị xem xét xử lý. Do đó, người cố tình chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tiền hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ)