Vợ chồng bà Nguyễn Thị Nghĩa và ông Phạm Chánh Trực tại chương trình gặp mặt cựu tù cách mạng tiêu biểu ở các tỉnh phía Nam, tháng 2/2025
Tình yêu giữa khói lửa chiến tranh
Hình ảnh vợ chồng bà Nguyễn Thị Nghĩa và ông Phạm Chánh Trực, 2 chiến sĩ cách mạng năm xưa, dìu nhau tham dự chương trình gặp mặt các cựu tù cách mạng tiêu biểu nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước khiến những người tham dự hôm ấy không khỏi ngưỡng mộ.
Dù đã ở "tuổi xưa nay hiếm" nhưng hai ông bà vẫn dành cho nhau những cử chỉ và ánh mắt đầy yêu thương.
Chia sẻ về cơ duyên gắn kết hai người, cựu tù cách mạng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, năm 1964, bà tham gia phong trào học sinh, sinh viên chống Mỹ tại Sài Gòn, sau đó trở thành cán bộ Thành đoàn. Những năm này, ông Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) đã là lãnh đạo Thành đoàn.
Chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968, những chiến sĩ hoạt động trong nội thành liên tục về căn cứ ở Bến Tre để học tập, tập dượt kế hoạch vũ trang giành chính quyền. Họ quen biết nhau từ đây.
"Từ những lần đầu gặp, ông ấy đã có thiện cảm với tôi, còn tôi thì lại ngại ngần, giữ khoảng cách giữa cấp trên và cấp dưới. Sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968, ông ấy được giao phụ trách phong trào học sinh, sinh viên. Quá trình làm việc thường xuyên khiến chúng tôi xích lại gần nhau hơn", bà Nguyễn Thị Nghĩa hồi tưởng.
Năm 1969, sau một thời gian tìm hiểu, hai người xin phép gia đình để về căn cứ làm đám cưới. Nhưng trớ trêu thay, trước khi hôn lễ diễn ra, ông Năm Nghị bị bắt. Ngục tù không giam cầm được ý chí và bản lĩnh của người thanh niên yêu nước.
Năm 1970, ông vượt song sắt của nhà tù ra ngoài nhưng niềm vui đoàn tụ chưa kịp đến thì nhận được tin bà đã bị bắt giam.
Tôi yêu vợ mình không chỉ ở sự hồn nhiên, trong sáng mà còn vì bà ấy đã chọn con đường tranh đấu, cùng đồng bào giải phóng, thống nhất đất nước. Đến nay, khi các con đã trưởng thành, có cháu nội và cháu ngoại, chúng tôi vẫn dành cho nhau tình cảm yêu thương ngọt ngào như thuở ban đầu”.
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM
"Tôi bị giam giữ tại nhiều nhà tù và trải qua nhiều trận đòn roi tra tấn dã man của quân thù. Trong đó, trại giam Phú Tài (Bình Định) là nơi tôi bị giam giữ lâu nhất. Thời điểm đó, mình ốm yếu, lại thường xuyên bị bọn trật tự ác ôn trong nhà tù đánh đập, tra tấn.
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, tôi đã được chị em đùm bọc, nhường nhau từng miếng ăn. Chiến trường ác liệt nhưng không gì có thể giết chết được ý chí kiên cường của những người chiến sĩ cách mạng", bà Nguyễn Thị Nghĩa xúc động chia sẻ.
Tháng 3/1973, bà được trao trả theo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Vừa ra khỏi nhà tù, bà lại tiếp tục lao vào công tác nên phải đến 5 tháng sau, bà mới về tới cơ quan Thành đoàn. Đám cưới của hai người được tổ chức ngay sau đó tại căn cứ ở trong rừng, trong niềm vui chung của đồng chí, đồng đội.
Xung kích trên mặt trận xây dựng kinh tế mới
Sau ngày đất nước thống nhất, hai ông bà bước vào một mặt trận mới - mặt trận xây dựng kinh tế, tái thiết đất nước. Người thủ lĩnh Đoàn Phạm Chánh Trực tiếp tục phất cao ngọn cờ thanh niên xung kích, vận động các tầng lớp thanh niên lên rừng, xuống biển xây dựng kinh tế mới ở các tỉnh phía Nam.
Sau đó, ông tiếp tục đảm nhiệm các chức vụ: Giám đốc Sở Giáo dục TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM…
Còn bà Nguyễn Thị Nghĩa từ một cán bộ làm công tác dân vận chuyển sang lĩnh vực thương nghiệp. Lăn lộn trên thương trường, đi nhiều nước, bà Nghĩa ấp ủ mong muốn xây dựng một hệ thống siêu thị hiện đại tại Việt Nam.
Ước mơ ấy đã thành hiện thực vào năm 1996 khi siêu thị Saigon Co.op Cống Quỳnh, siêu thị đầu tiên của hệ thống Saigon Co.op ra đời, đặt nền móng cho một mạng lưới bán lẻ hiện đại phục vụ cộng đồng.
Sự kiên cường, sắt son của những người cùng chung chí hướng đã giúp ông bà vượt qua mưa bom bão đạn, viết lên câu chuyện thật đẹp về tình yêu Tổ quốc, tình yêu lứa đôi, từ thời chiến đến thời bình.
Đình Hưng - Phạm Thương