Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quang Hạnh, sinh năm 1941, tại xã Hải Đường, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) trong một gia đình theo Công giáo, với tên thánh là Phê-rô Nguyễn Quang Hạnh. Với tình yêu dành cho quê hương cùng sự nhiệt huyết, năng động của tuổi trẻ, trước khi nhập ngũ, ông từng được bà con trong xóm và cấp trên giao giữ các chức vụ xóm trưởng và đội trưởng đội sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp Vũ Đệ (xã Hải Đường, huyện Hải Hậu).
Tháng 5 năm 1965, ông Nguyễn Quang Hạnh được gọi nhập ngũ. Đó là niềm vui và mong ước của ông. “Ngày tôi nhập ngũ, con trai đầu lòng mới 3 tháng tuổi, sức khỏe của cháu yếu, tôi thương lắm. Trên đường hành quân, hình ảnh vợ tôi bế con nhỏ luôn khiến tôi canh cánh trong lòng”, ông Hạnh bồi hồi nhớ lại.
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quang Hạnh chia sẻ kỷ niệm tại đường Trường Sơn với cán bộ Ban CHQS huyện Hải Hậu.
Gác lại niềm riêng, với quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trong 3 tháng đầu huấn luyện, ông Nguyễn Quang Hạnh đạt thành tích xuất sắc, đứng tốp đầu trong kiểm tra bắn súng tiểu liên AK. Cái duyên với nghề lái xe của ông Hạnh cũng bắt đầu sau đó khi ông Nguyễn Quang Hạnh đề xuất và được cử đi học lớp lái xe 6 tháng. Ông tốt nghiệp xếp thứ 3 trong khóa và được biên chế về đội lái xe Sư đoàn 312. Tháng 7-1967, ông Nguyễn Quang Hạnh về Đoàn 559, vào Binh trạm 35, trên con đường chiến lược ngã ba Nam sông Bạc, hạ Lào.
Ngay khi vào chiến trường, ông Hạnh được giao nhiệm vụ lái xe chở hàng vượt dốc Pô Phiên, đây là một trong những con dốc hiểm trở bậc nhất trên cung đường. Với bản lĩnh, sự bình tĩnh, quả cảm, ông xử lý các tình huống mau lẹ, chính xác, đưa chiếc xe dã chiến đi đầu vượt dốc Pô Phiên thành công. Ông Hạnh tâm sự: “Người lái xe mặt trận không chỉ bình tĩnh vững vàng trong buồng lái, mà cần cả mưu lược, linh hoạt trong việc xử lý các tình huống trên thực địa, có khi còn phải biết làm “tham mưu” đề xuất với chỉ huy cấp trên các phương án khai thông khi tắc đường, phải biết hợp đồng tác chiến với công binh, với bộ đội phòng không, phải hiểu rõ thủ đoạn và quy luật hoạt động của kẻ địch trên trời, dưới đất để đưa hàng tới đích”.
Đoàn xe vận tải trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Ảnh tư liệu
Tuyến đường Trường Sơn có vai trò quyết định đến thắng lợi của ta ở chiến trường miền Nam, theo ông Hạnh, quân đội Mỹ đã tập trung các loại vũ khí hiện đại, với nhiều loại khí tài trinh sát, theo dõi, các loại bom đạn có mức sát thương tàn khốc để đánh phá tuyến đường không ngừng nghỉ cả ngày, lẫn đêm, không chỉ tàn phá đường sá, phương tiện mà còn đe dọa tinh thần, bẻ gãy ý chí chiến đấu của quân và dân ta. “Ngày đó, bom đạn tàn phá ác liệt lắm, đêm nào cũng có xe bị bắn cháy. Những quả đồi cháy hết cây, đất đá bị nghiền nát thành bột. Có lần tôi bị bom đánh cả người cả xe hất văng vào vách núi, cây đổ bẹp cả buồng lái”, ông Hạnh tâm sự.
Ông nhớ nhất là sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Minh Châu, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 59. Sau một trận bom của địch, ông Hạnh cùng đồng chí Châu đi kiểm tra hiện trường. Đồng chí Châu đi trước, bị vướng vào bom bi, hy sinh trong tư thế đứng, tựa lưng vào cây. Dù không cầm súng trực tiếp chiến đấu với quân thù nhưng những người lính Trường Sơn luôn đối mặt với hiểm nguy, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.
Đang làm nhiệm vụ tại tiền tuyến, năm 1969, ông Hạnh nhận được tin con trai đầu lòng đã ra đi mãi mãi. Năm 1970, mẹ của ông cũng qua đời. Đối mặt với chiến tranh và sự mất mát từ quê nhà nhưng ông Nguyễn Quang Hạnh vẫn quyết tâm chiến đấu cùng đồng đội, kịp thời cung cấp vũ khí, trang bị, nhu yếu phẩm cho chiến trường miền Nam.
Những đoàn xe vận tải vượt Trường Sơn, tiếp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu
Tóm tắt những chiến công nổi bật của ông, cuốn Chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương biên soạn, ấn hành năm 2000 viết: “Nguyễn Quang Hạnh làm nhiệm vụ vận chuyển trên tuyến đường phía Nam sông Bạc từ năm 1967 đến năm 1972. Trong hai năm 1968, 1970, anh vượt định mức 25% trở lên. Ngày 2-11-1967, trên đường vận chuyển, một xe kéo pháo bị máy bay địch bắn cháy, Nguyễn Quang Hạnh nhanh chóng lao vào dập lửa và cõng hai thương binh đưa về nơi an toàn. Mùa khô năm 1968-1969, trên cung đường vận chuyển dài 120km, anh là người đầu tiên đạt kỷ lục cao nhất của Trung đoàn 35. Mùa khô sau đó, trong 60 ngày đêm tổng công kích của chiến dịch vận chuyển, anh chạy xe liên tục, không nghỉ đêm nào. Ngày 17-3-1969, đoàn xe đơn vị đang chạy thì chiếc đi đầu bị trúng bom, lái xe bị thương. Nguyễn Quang Hạnh xung phong lái chiếc xe đó để thông đường. Khi xe chạy, 6 quả bom nổ chung quanh, anh vẫn chắc tay lái, cả đoàn xe 19 chiếc vượt qua bãi bom an toàn. Ngày 25-11-1972, một chiếc xe chở xăng bốc cháy. Nguyễn Quang Hạnh không quản nguy hiểm, lái chiếc xe này tiến lên trước, đi vào đường tránh, thu hút hỏa lực địch rồi chạy bộ trở lại chỉ huy đoàn xe chở người vượt qua trọng điểm”.
Với thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, ngày 31-12-1973, ông Nguyễn Quang Hạnh được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bài, ảnh: PHẠM QUYẾT