Chuyện về một 'gia đình đảng viên' Dầu khí đặc biệt - Tiếp theo và hết

Chuyện về một 'gia đình đảng viên' Dầu khí đặc biệt - Tiếp theo và hết
8 giờ trướcBài gốc
Anh Nguyễn Hùng Sơn trong Lễ kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ PVEP bên Algieria
Từ nhỏ Hùng Sơn đã tỏ ra là một cậu bé hiếu học, ham đọc sách, mê ngành nghệ thuật. Cấp 3, Sơn thi đỗ vào Trường Bưởi (Chu Văn An), hệ chuyên Văn, học tiếng Pháp. Sơn cũng không thể nghĩ được rằng, vốn ngoại ngữ học từ trường phổ thông đã trở nên rất “đắc dụng” cho công việc sau này của anh.
Kỳ thi đại học, Sơn muốn thử sức với thương trường nên đã đăng ký thi khối A vào Trường Đại học Thương mại. Tốt nghiệp, Sơn làm cho một công ty liên doanh nước ngoài, sau đó cùng nhóm bạn hùn vốn khởi nghiệp, thậm chí mở cả một gallery tranh. Tuy nhiên, nhiều biến cố xảy đến khiến sự nghiệp anh rẽ sang một con đường khác.
Đó là vào khoảng năm 2006, sau khi đã lập gia đình và có con gái đầu lòng, Sơn quyết định ứng tuyển vào ngành Dầu khí. Vượt qua vòng phỏng vấn, Sơn được nhận vào Công ty Đầu tư Phát triển Dầu khí (PIDC), sau này là Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP). Trước đó 3 năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có chủ trương đầu tư, hợp tác tìm dầu ở nước ngoài, trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước đã ủng hộ Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh như Algeria, Iraq, Cuba, Venezuela, Uzbekistan… Và đất nước Algeria ở châu Phi xa xôi trở thành địa bàn đầu tiên.
Về công tác tại PIDC một thời gian, Sơn được điều động đến Algeria, tham gia dự án tìm kiếm dầu khí nước ngoài đầu tiên của Việt Nam tại quốc gia xinh đẹp nằm bên bờ Địa Trung Hải. Đội ngũ cán bộ biệt phái thời đó do đích thân Giám đốc dự án lựa chọn. Để có thể đứng trong đội hình, ngoài yếu tố năng lực chuyên môn thì lý lịch cũng cần được xem xét rất kỹ. Algeria là quốc gia trong cộng đồng Pháp ngữ, nói tiếng Pháp và tiếng Arập. Do có vốn liếng từ thời trung học, nên khi công tác tại đây, Sơn có điều kiện rèn thêm ngoại ngữ để có thể vận dụng, hỗ trợ tốt cho công việc.
Anh Hùng Sơn (ngoài cùng bên trái) cùng với các cán bộ biệt phái trong lần thăm Đại lộHồ Chí Minh ở Algeria
Phải nói thêm rằng, cho đến thời điểm năm 2006, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại nước bạn vẫn rất phức tạp. Mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda có chi nhánh tại đất nước Hồi giáo này thường xuyên tiến hành các vụ khủng bố, đánh bom liều chết nhằm vào các cơ quan quốc tế và cả với người nước ngoài tại đây.
“Sau chuyến bay từ Hà Nội (hoặc TP HCM) sang Pháp, một số người chúng tôi được nối chuyến sang thủ đô Alger, là nơi đặt trụ sở chính trong giai đoạn thăm dò, một số phải thêm một chuyến nữa mới đến được căn cứ của dự án đặt ở Hassi Messaoud. Có nhiều lúc điều kiện an ninh không thuận lợi, chúng tôi đi công tác trong địa bàn phải di chuyển bằng xe ôtô với lực lượng cảnh sát và quân đội hộ tống suốt quãng đường mấy chục cây số” - Sơn nhớ lại.
Lúc mới sang, anh em Việt Nam thuê trụ sở và nơi ở gần Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan ngoại giao quốc tế, đồn cảnh sát, trụ sở Liên Hợp Quốc… với ý nghĩ ở đó sẽ được an toàn. Song tình hình leo thang ngoài dự kiến. Vụ đánh bom “kép” bằng xe ôtô vào ngày 11-12-2007 đã đánh sập một phần mặt tiền trụ sở Liên Hợp Quốc, làm chết nhiều người nước ngoài. Trước đó, một vụ tương tự đã diễn ra vào tháng 4, giữa ban ngày ban mặt, khiến cho nhiều người sợ hãi. Dù Chính phủ Algeria đã tăng cường an ninh để bảo vệ công dân nước ngoài, mà thi thoảng những anh em cán bộ biệt phái cũng phải “toát mồ hôi hột” vì những tình huống ngoài dự kiến.
Liên tiếp các vụ khủng bố đẫm máu xảy ra do tổ chức Al-Qaeda đứng sau khiến tinh thần của một số cán bộ hoang mang. Đã có người nằng nặc xin về nước. Ban Giám đốc liên doanh cũng nhiều lần phải động viên anh em giữ vững tinh thần và kiên trì từng bước vượt qua khó khăn.
Anh Hùng Sơn chụp ảnh lưu niệm với đồng nghiệp Amar Belkessa bên Algeria
Lo sợ cho tính mạng con em mình, một số người thân trong gia đình khuyên Sơn cũng nên tìm cách trở về. Song anh nhớ lại truyền thống gia đình, nhớ lại người ông, người cha, người chú liệt sĩ đã bao ngày chiến đấu dưới mưa bom bão đạn. Vậy thì, mấy vụ việc ở đây đã nhằm nhò gì!
“Không sợ đạn bom, vậy nỗi sợ của anh là gì?” - tôi hỏi.
Trầm ngâm một lúc, anh mới trả lời: “Thực ra không phải là tôi không sợ, mà “sợ ít” hơn mọi người”.
Đặc biệt, sau những phấn chấn của tuổi trẻ khi lần đầu ra nước ngoài công tác, anh mới thấm thía cảnh cô đơn tại nơi “đất khách quê người”, may mà còn có đồng đội anh em, có “Đảng - Chính - Công - Thanh” làm điểm tựa mà phấn đấu.
Làm sao diễn tả được hết nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ vợ con, không được mỗi ngày cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng nuôi nấng, chăm sóc những đứa trẻ. Rồi thót tim mỗi lần vợ nhắn tin con ốm, hay bố mẹ đau... mà không tài nào có mặt kịp (do chưa đến đợt nghỉ, mà nhanh cũng phải mất vài ngày mới về được đến Hà Nội).
Nỗi sợ thứ hai, là sợ không hoàn thành nhiệm vụ do cấp trên giao. Bởi đó là dự án đầu tiên “đem chuông đi đánh xứ người”, với biết bao kỳ vọng của Tập đoàn, cá nhân Sơn và anh em biệt phái đều cố gắng vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, mong ngóng dự án sẽ sớm thu được “trái ngọt”.
Song phải đến năm 2015, nghĩa là 4 năm sau khi Hùng Sơn đã rời Algeria để đến nhận công tác tại một miền đất mới, thì First Oil (dòng dầu đầu tiên) từ dự án này mới phun trào. Nhận được tin này khi đang công tác tại một dự án trên đất Campuchia, Sơn cảm thấy hết sức xúc động, tự hào vì đã góp một phần công sức nhỏ bé cho sự thành công của dự án.
Cũng chính trong quãng thời gian “vừa làm vừa sợ” đó, Sơn đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của những người Cộng sản. Anh xúc động nhớ lại: “Từ khi sang Algeria tôi được tổ chức quan tâm, cử đồng chí Bí thư Chi bộ Hoàng Kim Nguyên trực tiếp dìu dắt. Sau gần 2 năm, ngày 23-11-2008, tôi được chi bộ tổ chức kết nạp. Đồng chí Hồ Huy Nhân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy PVEP sang tận Algeria dự và trao quyết định cho tôi. Đây cũng là trường hợp duy nhất đảng viên kết nạp tại nước ngoài mà có sự góp mặt của lãnh đạo Đảng ủy”.
Hoạt động khai thác dầu khí tại Algeria
2. Trò chuyện với Sơn, tôi bỗng nhớ lại cái lần gặp bà nội anh và được những người hàng xóm của bà kể lại gia cảnh rất xúc động của các cụ.
Thấm nhuần lời thề với Đảng, với nhân dân, vợ chồng Trung tướng Vương Thừa Vũ sống hết sức cần kiệm, liêm khiết. Sau khi Trung tướng Vũ qua đời, bà Hợp đề xuất với tổ chức, xin trao trả lại ngôi nhà tại 36 phố Hoàng Diệu để chuyển đến một chỗ ở nhỏ hơn. Bởi bà nghĩ rằng, đây là ngôi nhà của Nhà nước cấp cho ông, khi còn sống ông cần nó để tiếp khách, nay ông đã mất rồi, bà không có lý do gì để tiếp tục sử dụng. Trước sự kiên quyết ấy, tổ chức đành chấp nhận và cấp cho bà một căn nhà nhỏ hơn ở phố Liễu Giai.
Hôm chuyển nhà giúp bà, những người có mặt tại đó ai nấy đều cảm thấy bùi ngùi và ái ngại. Bởi tất cả gia tài của ông bà khi ấy chỉ vỏn vẹn một chiếc tủ sách cũ, một chiếc tủ đựng quần áo của hai ông bà, một tivi 21 inch, một bộ bàn ghế gỗ và một chiếc giường khi nhấc lên có chân đã bị rời ra, thậm chí phải kê chèn bằng những viên gạch!
Cũng ít ai biết rằng, căn nhà trên phố Liễu Giai hằng năm vẫn phải nộp thuế cho Nhà nước. Nhưng có những thời điểm chỉ còn mình cụ bà sống tại đó, nghèo đến mức không có tiền để đóng thuế. Cuối cùng, căn nhà này đã được chính quyền sở tại chuyển thành nhà tình nghĩa, vì cụ bà từng được trao tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Một số người hàng xóm kể lại, dù là vợ tướng thì bà Hợp vẫn không chịu để tay chân yên phút nào. Ngày ngày, người ta vẫn thấy bà đạp chiếc xe cọc cạch ra chợ Hàng Da, vừa để mua thức ăn, vừa tranh thủ nhặt những lá rau héo và đồ ăn thừa về nuôi lợn để tăng gia. Bà cứ nuôi như thế, đợi đến Tết lại thịt. Mỗi lần như thế, bà vẫn thường dành một phần cho các chú cần vụ, bảo vệ chồng, coi như một món quà Tết để các chú mang về cho vợ con. Số tiền bán lợn, bà chẳng dám tiêu gì, để dành dụm cho các con.
Năm 1994, muốn con cái có vốn làm ăn, bà đã chia những đồng tiền mà mình tích góp được suốt bao năm. 12 con, cả dâu lẫn rể, bà chia đều cho mỗi gia đình một triệu đồng, cộng với một chỉ vàng. Riêng hai người con dâu có chồng hy sinh, bà chia thêm cho mỗi người một chỉ vì đã có công nuôi cháu nội cho bà.
Cô Nguyễn Thị Vân, mẹ Hùng Sơn - một trong hai người con dâu của bà Hợp có chồng hy sinh - thỉnh thoảng lại kể cho mấy chị em Sơn những kỷ niệm về người bà tuyệt vời, về niềm mong mỏi của bà để các con phấn đấu:
“Nhiều năm sau khi ông nội mất, mẹ vẫn nhiều lần chứng kiến bà nội tôi thắp hương, trò chuyện với di ảnh của ông, không khác gì khi ông còn sống. Bà giữ thói quen đó rất nhiều năm trời. Mỗi khi gia đình có chuyện gì, bà lại thắp hương kể với ông. Khi thì bà bảo ông ơi, con mình vừa sinh cháu. Khi thì bà thông báo: “Ông ơi, Tết năm nay, con cái sẽ tụ họp cả về đây ăn Tết” hay “Ông ơi, con mình được kết nạp Đảng”.
“Lúc bà còn sống, bà đã luôn mơ ước một điều rằng tất cả các con mình sẽ trở thành đảng viên. Thương bà, tất cả các anh chị em trong nhà đều phấn đấu để ước mơ của bà thành sự thật. Mỗi lần thông báo cho ông tin về một người con, người cháu mới được kết nạp Đảng, mẹ biết đó là mỗi lần bà rất vui!”.
Trao đổi với một số cán bộ tại PVEP, chúng tôi mới biết gia đình Hồng Sơn có khá nhiều thành viên đã và đang công tác trong ngành. Ngoài hai vợ chồng anh, thì vợ chồng cô em gái cũng đang là “người dầu khí”. Rồi cả nhạc phụ, nhạc mẫu, chị vợ, em vợ, dâu rể bên nhà vợ anh cũng đều công tác, gắn bó với ngành.
Một điểm đặc biệt nữa, là gia đình Sơn hiện có 4 đời là đảng viên. Ông nội (Trung tướng Vương Thừa Vũ), ông ngoại và bố Căng, bố Thủy đều là đảng viên - quân nhân thì đã hẳn. Bà nội anh cũng từng giữ vị trí Bí thư Đảng ủy xã. Bốn anh chị em, dâu rể của gia đình đều là đảng viên. Con gái anh, cô bé ngày nào khi Sơn nhận nhiệm vụ tại dự án Algeria mới tròn 4 tuổi, giờ cũng đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi đang học đại học.
“Bên cạnh truyền thống của gia đình, thì từ khi vào công tác tại Petrovietnam, bản thân tôi và các anh chị em... đều nhận được sự quan tâm, chỉ bảo của các đồng chí đảng viên, Bí thư Chi bộ và Đảng ủy Tập đoàn. Cũng từ đó mà chúng tôi có điều kiện phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp với tập thể, với ngành Dầu khí...” - Sơn tâm sự.
Quả thật, vợ chồng Trung tướng Vương Thừa Vũ đã sống một cuộc đời khiến người ta phải cúi đầu kính trọng, nể phục. Chính những phẩm chất tốt đẹp đó đã lan tỏa cho các thế hệ cháu con.
“Sinh ra, lớn lên trong nếp nhà đó, chúng tôi luôn luôn có ý thức giữ gìn, phát huy phẩm chất người đảng viên, tận tâm tận lực tận hiến cho ngành Dầu khí, cho đất nước, với tinh thần “Dĩ công vi thượng”, “Quân lệnh như sơn”...” - Hùng Sơn nói khi bắt tay tạm biệt tôi.
Cái siết tay thật chặt và ấm!
Thêm một chuyện đặc biệt nữa mà ít người biết, là mấy chục năm nay gia đình Hùng Sơn vẫn chăm lo mộ phần cho hai liệt sĩ cùng tên Vương Thiết Căng.
Chuyện là thời điểm năm 1972, liệt sĩ Vương Thiết Căng sau khi hy sinh được đơn vị an táng tại Khe Sanh, Quảng Trị. Ít năm sau, khi Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng, theo nguyện vọng của gia đình, Trung tướng Vương Thừa Vũ đã cho “bốc” ngôi mộ đó về rồi đem mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội). Suốt bao nhiêu năm, cứ ngày Rằm, mùng Một, hay tiết Thanh Minh, ngày tết, Hùng Sơn cùng với gia đình lại đi tảo mộ cho bố Căng.
Bất ngờ, khoảng những năm 90 của thế kỷ XX, một người dân tộc Pa Cô đi rừng phát hiện một ngôi mộ tại khu vực gần cửa khẩu Lao Bảo có tấm bia đã ghi là Vương Thiết Căng. Tin báo ra Bộ tổng Tham mưu, ông Nguyễn Sinh Thủy khi đó đang công tác ở Cục Quân huấn đã lập tức vào tận nơi xác minh. Khi khai quật, nhiều giấy tờ, đồ vật cá nhân, thậm chí có cả lọ penicillin ruột có ghi tên… đã chứng minh đây mới là hài cốt thật của liệt sĩ Vương Thiết Căng. Và ông Thủy đã trực tiếp cùng tổ chức đưa bộ hài cốt ấy ra Hà Nội. Gia đình cũng đã tiến hành quy tập và mai táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Vĩnh Quỳnh. Và từ đó cho đến nay, gia đình Sơn vẫn chăm lo hương khói cho cả hai ngôi mộ cùng mang tên liệt sĩ Vương Thiết Căng!
Minh Tiến
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/chuyen-ve-mot-gia-dinh-dang-vien-dau-khi-dac-biet-tiep-theo-va-het-718693.html