Có doanh nghiệp thực sự mạnh, Việt Nam sẽ đột phá trong chuyển đổi số và xanh

Có doanh nghiệp thực sự mạnh, Việt Nam sẽ đột phá trong chuyển đổi số và xanh
3 giờ trướcBài gốc
Trong cuộc trò chuyện về việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, rất nhiều lần PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, việc thực hiện Nghị quyết 57 đòi hỏi những tư duy, cách làm đột phá và không hề dễ dàng.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
“Công cuộc Đổi mới năm 1986 của Việt Nam là một cuộc vật lộn vượt qua bản thân mình sau thời kỳ khá khốc liệt, nền kinh tế khủng hoảng, nghèo đó. Nghị quyết 57 cũng là kết quả của những vật lộn như vậy”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhìn nhận.
Thưa ông, lần này, tâm thế "vượt qua chính mình" trong Nghị quyết 57 là gì?
Sau Đổi mới khoảng 20 năm, chúng ta xác định tiến vào quỹ đạo kinh tế trí thức. Có thể nói, Việt Nam nhận diện cơ hội, xu thế sớm và đúng. Nhưng, rất tiếc chưa thực hiện được. Thêm 10 năm nữa, thế giới bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta cũng đã có những nhận thức đầy đủ hơn về kinh tế trí thức.
Một là, Việt Nam mở cửa rất rộng, nên phải tìm cách để đuổi kịp với các thế giới. Thế giới này khác với trước rất nhiều, đó là thế giới đang chuyển sang công nghệ cao, sang kinh tế số với tốc độ cao.
Hai là, yếu tố mang tính thế giới và thời đại buộc chúng ta phải nhận thức mạnh về thực lực, vị trí của mình. Hay nói một cách khác, áp lực thời đại buộc chúng ta phải đặt mình vào cuộc chơi chung như một sự tất yếu.
Song từ đó đến nay, 10 năm nữa đã trôi qua, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, mục tiêu quan trọng chúng ta đặt ra 40 năm trước vẫn chưa hoàn tất, đó là chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại. Trong khi đó, sự phát triển của thế giới cho thấy, phải qua kinh tế thị trường, phát triển công nghiệp trên nền tảng thị trường, đạt đến đỉnh cao công nghiệp cơ khí thì mới chuyển sang được công nghiệp công nghệ cao.
Tâm thế vượt lên chính mình ở thời điểm này chính là vừa phải giải bài toán kinh tế thị trường theo đúng nghĩa hiệu quả, vừa thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh theo xu thế phát triển. Thị trường chậm hoàn thiện thì chuyển đổi số, xanh, cũng sẽ khó.
Có thể gọi đây là điểm tích nén của quá trình chuyển đổi, cũng là điểm tương đồng giữa thời điểm Đổi mới vào năm 1986 và thời điểm này - năm 2025 – năm bắt đầu quá trình chuyển đổi mới.
Nếu năm 1986 là thay đổi toàn bộ tư duy, từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp và tự cấp, tự túc sang hệ thống kinh tế thị trường - một bước nhảy mang tính cơ cấu hoàn toàn mới, thì năm 2025, với Nghị quyết 57, sự chuyển đổi từ hệ thống kinh tế vật thể tầm thấp vượt sang thời đại khác hẳn - có thể chưa đầy đủ, đó là theo hướng công nghệ, sáng tạo.
Có thể hiểu là vào thời điểm này, chúng ta phải thực hiện đồng thời 2 mục tiêu lớn, đó là vừa chuyển đổi sang kinh tế thị trường và chuyển đổi số, chuyển xanh, thưa ông?
Cũng phải làm rõ, chuyển đổi số không phải chỉ là xu hướng ta phải theo trong thế giới đã chuyển dịch, mà xác định đây là một cơ hội, điều kiện tiên quyết để chúng ta giải quyết vấn đề phát triển của chính mình, với khát vọng tiến kịp và sánh vai với năm châu, chứ không chỉ là tiến lên theo nghĩa so ta với ta.
Nhận thực rõ thời cơ như vậy để có sự tập trung ưu tiên, dù việc chọn lựa ưu tiên không phải dễ khi thực trạng công nghệ của Việt Nam vẫn ở tầm thấp.
Nền kinh tế số càng cần một hệ thống kinh tế thị trường hiện đại, năng lực kinh tế thị trường đủ sức cạnh tranh, đủ sức hội nhập.
Mấy năm vừa qua, Chính phủ đã ráo riết chuẩn bị những điều kiện cho công cuộc phát triển kinh tế số và công nghệ cao. Đầu tiên là hạ tầng dữ liệu, hạ tầng số. Thứ hai là cơ sở năng lượng, năng lượng sạch. Bây giờ đang triển khai phát triển nguồn nhân lực với kế hoạch đào tạo hàng chục nghìn kỹ sư phần mềm, kỹ sư bán dẫn, thiết kế chip. Đây là nhân lực cho cả một cái xã hội số, một xã hội đổi mới sáng tạo.
Việc chuẩn bị nguồn vốn, giải quyết nút thắt hạ tầng như hàng không, đường sắt, cảng biển lớn - những dự án có tính xoay chuyển, thay đổi chân dung nền kinh tế rất lớn cũng như nguyên tắc chọn đối tác dựa trên xu hướng phát triển, để giải quyết vấn đề phát triển của đất nước mình... đang được tập trung triển khai.
Rất nhiều thử nghiệm phát triển cũng đang hướng tới một nền kinh tế số công nghệ cao.
Nhưng, chúng ta cũng không thể lơi là giải quyết các vấn đề thể chế kinh tế thị trường. Nền kinh tế số càng cần một hệ thống kinh tế thị trường hiện đại, năng lực kinh tế thị trường đủ sức cạnh tranh, đủ sức hội nhập. Thể chế mà không tốt, không hội nhập được, không cạnh tranh được.
Tôi muốn nhấn mạnh là cần thể chế thị trường hiện đại, đi cùng với thế giới thì mới có thể có chuyển đổi số, có công nghệ cao, có nguồn nhân lực chất lượng cao. Ví dụ Bộ Luật Lao động phải thúc đẩy lao động trí tuệ, sáng tạo, có thể làm việc hăng say không giờ giấc chứ không chỉ đề cập đến thời gian làm ngoài giờ ít hay nhiều... Tương tự, các vấn đề pháp lý cho tài sản số, tài sản trí tuệ. Ngay cả các quy định về định giá cũng phải rất khác, khi mà tốc độ tăng giá có thể từ không lên có, và từ có về không rất nhanh...
Đặc biệt, Nghị quyết 57 đặt ra mục tiêu rất cao, theo nghĩa là hiện thực hóa chân dung của nền khoa học công nghệ, nền kinh tế công nghệ cao, nền kinh tế số của Việt Nam. Tính đổi mới, cải cách trong Nghị quyết 57 rất mạnh, mở đột phá về chính sách, như chấp nhận rủi ro, tạo điều kiện cho chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại, không quy kết, khuyến khích mạo hiểm. Điểm này rất quan trọng trong thiết kế thể chế tới đây.
Nghị quyết đã bàn về tính khả thi chứ không phải đưa ra những mục tiêu đơn thuần. Như là xác định trách nhiệm của Nhà nước ở trọng trách mở đường, dẫn dắt về mặt tầm nhìn. Tầm nhìn này không phải là Nhà nước nghĩ ra mà là yêu cầu của thời đại, nhưng Nhà nước định hình thành đường lối, định hình thành chiến lược, chính sách để hành động, tạo điều kiện cho các chủ thể khác trong nền kinh tế cùng cộng hưởng sức mạnh, nhất là khai thác năng lực của khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Không có cộng hưởng sức mạnh, các doanh nghiệp sẽ khó lớn...
Nếu chưa giải quyết rốt ráo hay nếu sao nhãng mục tiêu chuyển đổi sang kinh tế thị trường thì sao, thưa ông?
Nếu không có thị trường thì làm gì có doanh nghiệp! Thực tế nền kinh tế Việt Nam đang chuyển sang cơ chế thị trường, nhiều cái được, có những việc chưa hoàn thiện, nhưng nhờ vậy, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã phát triển, dù còn yếu và chưa xứng đáng với kinh tế thị trường.
Điều tôi muốn nói là chuyển đổi số phải trên nền tảng có doanh nghiệp - ở đây là doanh nghiệp Việt thực sự mạnh mẽ. Tại sao tôi nói vậy?
Quá trình sang kinh tế thị trường của Việt Nam đang được tiếp tục. Thị trường vốn, thị trường đất đai, lao động... vẫn chưa thông mạch, còn méo mó, thiếu liên kết. Thị trường doanh nghiệp - với góc nhìn doanh nghiệp là một tài sản - như thị trường mua bán doanh nghiệp, thị trường chứng khoán... còn nhiều tồn tại, chưa thực sự được vận hành theo hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí hiện đại…
Vì vậy, tôi vẫn phải khẳng định rằng, chuyển đổi số rất tuyệt vời nhưng cần được thực hiện song song với nền kinh tế thị trường có hệ thống thể chế hiện đại, cấu trúc thể chế đảm bảo cho doanh nghiệp số, doanh nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo phát triển.
Thậm chí, trong thể chế này, doanh nghiệp truyền thống cũng phải được thúc đẩy "thay máu", cũng phải số, phải xanh, phải làm được nhiều việc khác thường để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển trong thời đại mới.
Một thể chế thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo là điều tôi kỳ vọng ở Nghị quyết mới về phát triển kinh tế tư nhân mà Bộ Chính trị sẽ ban hành tới đây.
Điều cốt lõi nhất mà ông chờ đợi ở Nghị quyết mới về phát triển kinh tế tư nhân tới đây là gì, thưa ông?
Đó là tháo bỏ hết ràng buộc, gỡ vòng kim cô, thiết lập thể chế để doanh nghiệp “thay máu”, để doanh nghiệp xanh, số phát triển được. Trong cơ chế xin – cho, các doanh nghiệp này không phát huy được năng lực.
Phải có những doanh nghiệp Việt đầu chuỗi, vậy chọn chuỗi nào, khung chính sách ra sao để có cả doanh nghiệp đầu chuỗi và một đạo quận doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng đi; khung khổ chính sách để doanh nghiệp Việt kết nối với doanh nghiệp nước ngoài, kết nối với nguồn lực người Việt ở nước ngoài...
Các tập đoàn lớn của thế giới đang vươn lên rất nhanh. Có những tập đoàn chỉ cần 15 năm, thậm chí là 10 năm để có mặt trong tốp đầu thế giới. Nền tảng để đạt được điều đó, cùng với năng lực của doanh nghiệp là nền tảng quốc gia, những điều kiện về thể chế, thị trường mà doanh nghiệp không thể tự hô quyết tâm mà có được.
Phải có cơ chế để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án, công trình lớn của quốc gia, kể cả công nghiệp quốc phòng; cơ chế để tham gia vào phát triển thị trường khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực...
Việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng phải được nhìn nhận lại, kể cả việc doanh nghiệp nhà nước làm những gì doanh nghiệp tư nhân chưa làm được, hay chưa muốn làm thì cũng cần theo nghĩa là doanh nghiệp nhà nước sẵn sàng lui lại khi doanh nghiệp tư nhân đủ sức....
Phải nhắc lại, những tập đoàn lớn của thế giới đang vươn lên rất nhanh. Có những tập đoàn chỉ cần 15 năm, thậm chí là 10 năm để có mặt trong tốp đầu thế giới. Nền tảng để đạt được điều đó, cùng với năng lực của doanh nghiệp là nền tảng quốc gia, những điều kiện về thể chế, thị trường mà doanh nghiệp không thể tự hô quyết tâm mà có được.
Hiện tại, Việt Nam đang rất quyết tâm thay đổi thể chế. Tôi tin rằng, với đà này, Việt Nam sẽ có doanh nghiệp mạnh, có thể vào top 1000, hay cả 500 của thế giới. Đừng ai chê các mục tiêu ngang tầm thế giới là hoang tưởng. Đây là đặt mục tiêu cao có những điều kiện thực tế và dành phần nỗ lực phấn đấu của con người.
Người Việt có lịch sử là đặt mục tiêu càng cao thì khả năng đạt được cũng càng lớn, vì xác định rõ đặt mục tiêu cao là để dốc sức bàn làm, không bàn lùi.
Khánh Linh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/co-doanh-nghiep-thuc-su-manh-viet-nam-se-dot-pha-trong-chuyen-doi-so-va-xanh-d276647.html