Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.
Sáng 5/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đã trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Ông Mãi cho biết trong những tháng đầu năm 2025, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng tích cực; thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đẩy mạnh.
Khu vực FDI vẫn đóng vai trò chủ lực
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế quý I chưa đạt kịch bản đề ra, gây áp lực lên công tác điều hành nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 8% trở lên, ước tính bình quân các quý còn lại của năm 2025 phải tăng trưởng khoảng 8,4%.
Tiêu dùng trong nước tăng chậm, chưa phát huy vai trò động lực, doanh thu bán lẻ hàng hóa nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng khoảng 5,6% trong quý I.
“Khu vực kinh tế tư nhân chưa tạo được đột phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; trung bình mỗi tháng có gần 26.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường”, ông Mãi cho biết.
Đồng thời, tiến độ giải ngân đầu tư công đã có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt kỳ vọng. Tính đến hết tháng 3, số vốn giải ngân đạt 9,53% kế hoạch, thấp hơn so với mức 12,27% của cùng kỳ năm 2024. Ông Mãi nhấn mạnh mục tiêu này cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; khu vực FDI vẫn đóng vai trò chủ lực, cho thấy dư địa để nâng cao năng lực nội sinh còn lớn, mức độ tập trung thương mại của Việt Nam gia tăng. Tính đến hết quý I, 3 thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam chiếm đến 49% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, cao gấp đôi mức 24% của năm 2015.
Các đại biểu Quốc hội lắng nghe báo cáo từ Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: Quochoi.
Đặc biệt, đánh giá thị trường tài chính, tiền tệ và hệ thống ngân hàng cần được theo dõi sát để kịp thời kiểm soát các rủi ro phát sinh, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ báo cáo đầy đủ hơn về nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu để có đánh giá toàn diện về áp lực nợ xấu và có giải pháp phù hợp.
Ngoài ra, giá vàng trong nước tăng cao và có biến động khó lường, công tác quản lý thị trường vàng còn hạn chế, cần tiếp tục được hoàn thiện; áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản lớn, chiếm 64% tổng giá trị đáo hạn năm nay. Thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn, cần giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững và lành mạnh.
Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các vụ việc liên quan đến sữa giả, thuốc giả và giá đỗ ngâm hóa chất.
Quy hoạch để khơi thông dòng vốn tư nhân
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, cần tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, cần triển khai hiệu quả Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, đất đai, quy hoạch để khơi thông dòng vốn đầu tư tư nhân, cũng như tập trung sửa đổi, bổ sung các luật, quy định pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư... để cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, chủ động nghiên cứu và sớm ban hành các chính sách ứng phó với nguy cơ thất nghiệp cơ cấu do tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số; đồng thời hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động chịu tác động.
Chính phủ cũng cần tiếp tục triển khai chủ động, toàn diện công tác đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại kinh tế; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, cần thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và khai thác hiệu quả các động lực mới (chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số).
Một trọng tâm khác là đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, kịp thời phân bổ, giao vốn theo đúng kế hoạch, có giải pháp phù hợp phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch năm, song song đó xử lý triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công.
Chính phủ cũng phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra; có giải pháp giảm chi phí vốn, thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích các ngân hàng chia sẻ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp; đa dạng hóa các kênh huy động vốn; kiểm soát rủi ro trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cuối năm.
Đồng thời, có chính sách thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt Nam, đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, cũng như mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới.
Hồng Nhung