Cô gái 23 tuổi suýt liệt chân vì điều trị thoát vị đĩa đệm sai cách

Cô gái 23 tuổi suýt liệt chân vì điều trị thoát vị đĩa đệm sai cách
6 giờ trướcBài gốc
Suốt một năm nay, chị N.Đ.A.V (23 tuổi, ở Củ Chi, TP.HCM) thường xuyên bị đau vùng thắt lưng, cơn đau lặp đi lặp lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.
Đi khám tại một cơ sở y tế gần nhà, cô được chẩn đoán căng cơ và được chỉ định điều trị nội khoa. Tuy nhiên, những triệu chứng đau không những không thuyên giảm mà còn ngày càng nặng hơn: đau thắt lưng lan xuống chân, tê cứng đùi phải, cảm giác nặng chân khi đứng, thậm chí cô đã bắt đầu bị bí tiểu, tiểu tiện khó khăn.
Hình ảnh MRI cho thấy tình trạng thoát vị đĩa đệm chèn ép nặng ống sống và rễ thần kinh. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm có nguy cơ liệt vĩnh viễn rất cao
Đỉnh điểm là khi V. nhập viện cấp cứu tại BVĐK Xuyên Á. Thời điểm này, V. đã rơi vào tình trạng đau dữ dội, tê cứng vùng mông – đùi phải, mất cảm giác đi tiểu, phải rặn mới ra nước tiểu – dấu hiệu báo động đỏ của hội chứng chùm đuôi ngựa, một biến chứng hiếm nhưng cực kỳ nguy hiểm.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ tại Khoa Sọ Não Cột Sống 2 đã tiến hành chụp MRI và phát hiện một khối thoát vị lớn chèn ép nặng ống sống và rễ thần kinh, thủ phạm chính gây ra cơn đau đớn vùng lưng, mông đùi phải cho người bệnh. Ngay lập tức, êkip quyết định phẫu thuật nội soi lấy thoát vị đĩa đệm – một kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, cho phép tiếp cận chính xác khối thoát vị mà vẫn bảo tồn tối đa các mô xung quanh.
“Bệnh nhân nhập viện khi tổn thương thần kinh đã ảnh hưởng đến chức năng vận động và tiểu tiện. Nếu chậm trễ, nguy cơ liệt vĩnh viễn là rất cao. Bên cạnh đó, bệnh nhân đã xuất hiện tình trạng bí tiểu, nếu để lâu quá 72 giờ mà chưa can thiệp mổ thì tỷ lệ phục hồi là dưới 25%. Nhờ can thiệp kịp thời bằng phương pháp nội soi hiện đại, người bệnh phục hồi nhanh chóng và có thể đi lại chỉ vài giờ sau mổ.”
Sau mổ, bệnh nhân V. đã cải thiện cơn đau tê chân và vận động chân, không còn đau lưng. Người bệnh được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để phục hồi khả năng tiểu tự kiểm soát.
Hình ảnh bác sĩ thăm khám bệnh cho bệnh nhân 23 tuổi bị thoát vị đĩa đệm. Ảnh: BVCC
Ai có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm
Từng được coi là bệnh của tuổi trung niên hay người lao động nặng, nhưng hiện nay, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa đáng báo động. Tại đây, hàng tuần các bác sĩ đã tiếp nhận và điều trị cho không ít ca bệnh ghi nhận ở tuổi 16, 18 hay ngoài 20. Các nguyên nhân thường gặp gây ra bệnh lý này ở người trẻ gồm:
Ngồi học/làm việc sai tư thế trong thời gian dài
Ít vận động, lười tập thể dục
Sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều
Mang vác vật nặng sai cách
Thừa cân, béo phì.
Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm
Bệnh lý thoát vị đĩa đệm thường dễ phát hiện và điều trị với những triệu chứng đau vùng lưng khá điển hình. Tuy nhiên, đáng tiếc là nhiều bạn trẻ còn chủ quan với những cơn đau lưng âm ỉ, cho đến khi triệu chứng trở nặng và gây biến chứng nguy hiểm mới chịu đi khám.
Bác sĩ khuyến cáo, người trẻ cần chú ý tư thế khi ngồi, tăng cường vận động thể chất và giữ cân nặng hợp lý. Khi có dấu hiệu đau lưng kéo dài, lan xuống chân, yếu cơ hoặc rối loạn tiểu tiện, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
M.H (th)
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/co-gai-23-tuoi-suyt-liet-chan-vi-dieu-tri-thoat-vi-dia-dem-sai-cach-172250721173434866.htm