Nhiều kỹ thuật hiện đại được ứng dụng trong phẫu thuật để điều trị ung thư. Ảnh: Đức Trân.
Tự rút ngắn cơ hội sống vì định kiến sai lầm
Tại các cơ sở điều trị ung thư, không hiếm gặp những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng muộn - khi khối u đã lan rộng, sức khỏe suy kiệt và các phương pháp điều trị chỉ còn mang tính hỗ trợ. Một bộ phận trong số đó đều từng được chẩn đoán sớm, có chỉ định can thiệp kịp thời, song đã từ chối điều trị chính thống ngay từ đầu.
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí mới đây tiếp nhận một trường hợp ung thư dạ dày ở giai đoạn biến chứng hẹp môn vị, người bệnh nhập viện trong tình trạng đau bụng kéo dài, suy nhược và nôn ói liên tục. Trước đó 5 năm, bệnh nhân từng được chẩn đoán ung thư dạ dày sau một đợt khám định kỳ, nhưng đã từ chối phẫu thuật vì “sợ mổ” và lựa chọn điều trị bằng thuốc nam tại nhà. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân mới nhập viện trong bối cảnh tuổi cao, nhiều bệnh lý nền, phẫu thuật phức tạp và tiên lượng phục hồi hạn chế.
Một trường hợp khác là người đàn ông (46 tuổi tại Long An) được chẩn đoán ung thư tinh hoàn từ một năm trước, song không đồng ý phẫu thuật vì lo ngại mất khả năng sinh sản. Đến khi tái khám, khối u đã phát triển bằng quả cam, gây đau đớn, vướng víu và ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày. May mắn, ung thư chưa di căn nên vẫn còn khả năng can thiệp ngoại khoa triệt căn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục trì hoãn, hậu quả có thể đã vượt khỏi ngưỡng điều trị hiệu quả.
GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, Trưởng Bộ môn Ung thư Đại học Y Hà Nội cho biết, định kiến rằng mắc ung thư đồng nghĩa với “án tử” vẫn tồn tại dai dẳng trong không ít người dân, kể cả người có trình độ học vấn. Hệ quả là nhiều người chọn cách “để kệ”, từ chối phẫu thuật hoặc hóa trị, không tuân thủ phác đồ và dễ rơi vào vòng luẩn quẩn của lo âu, trì hoãn rồi chậm trễ trong điều trị.
Một quan điểm sai lệch phổ biến khác là cho rằng “đụng dao kéo sẽ khiến ung thư lan nhanh hơn”. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, hiện không ít người đang cổ xúy, lan truyền thông tin: phẫu thuật có thể làm vỡ u, giải phóng các tế bào ung thư vào máu hoặc hệ bạch huyết, thúc đẩy di căn nhanh hơn. Khiến tâm lý hoang mang trong cộng đồng ngày càng gia tăng.
Thực tế, theo BSCKII Nguyễn Quốc Thái - Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM), điều này chỉ có thể xảy ra nếu bệnh đã ở giai đoạn muộn và tổn thương di căn rộng không thể kiểm soát. Còn ở giai đoạn sớm, phẫu thuật đúng chỉ định không những không làm ung thư lan nhanh mà còn là phương pháp chủ lực giúp lấy trọn khối u, giảm nguy cơ tái phát và cải thiện tỷ lệ sống còn.
Bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị đúng
Trong nhiều năm trở lại đây, ngành ung bướu tại Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt cả về chẩn đoán sớm lẫn điều trị cá thể hóa. Đối với một số loại ung thư thường gặp, như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư tinh hoàn…, tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm nếu phát hiện ở giai đoạn sớm có thể vượt quá 90%.
Những con số này không còn là lý thuyết, mà đã trở thành thực tế. GS.TS Lê Văn Quảng khẳng định: Bệnh viện K có nhiều bệnh nhân ung thư đã chữa trị ổn định 10 năm, 20 năm, 30 năm.
Một trong những yếu tố then chốt quyết định hiệu quả điều trị là thời điểm phát hiện bệnh. Với sự phát triển của nội soi, sinh thiết, xét nghiệm dấu ấn ung thư và các kỹ thuật hình ảnh cao cấp, nhiều tổn thương ác tính đã được phát hiện khi còn ở kích thước nhỏ, chưa di căn. Trong những trường hợp như vậy, phẫu thuật thường được chỉ định sớm và đơn thuần, không cần kết hợp hóa trị hoặc xạ trị sau mổ.
BS Nguyễn Quốc Thái cho biết, mỗi tuần đơn vị này thực hiện nhiều ca phẫu thuật thành công cho bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa giai đoạn sớm - phần lớn là nhờ người bệnh tầm soát chủ động hoặc phát hiện khi triệu chứng mới khởi phát.
Không những vậy, các phương pháp điều trị hiện nay ngày càng ít xâm lấn, giảm thiểu tác dụng phụ, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Với ung thư dạ dày, các kỹ thuật cắt hớt niêm mạc qua nội soi có thể loại bỏ hoàn toàn khối u mà không cần cắt bỏ dạ dày. Với ung thư tinh hoàn, người bệnh sau khi phẫu thuật một bên vẫn có khả năng sinh sản và hoạt động nội tiết bình thường. Trong một số trường hợp, việc điều trị chỉ cần thực hiện một lần, không kéo dài, không để lại di chứng đáng kể - điều mà không ít người bệnh trước đây chưa từng hình dung.
Trái lại, với những bệnh nhân nhập viện trong giai đoạn muộn, khi ung thư đã di căn hoặc gây biến chứng, quá trình điều trị trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi kết hợp đa mô thức: hóa trị, xạ trị, miễn dịch, chăm sóc giảm nhẹ. Chi phí điều trị tăng cao, thời gian kéo dài, và tiên lượng sống thường không khả quan như ở giai đoạn đầu. Điều này một lần nữa cho thấy: điều trị ung thư không chỉ là chuyện của bác sĩ, mà là quyết định của chính người bệnh - quyết định phải đến sớm, thay vì bị trì hoãn bởi sợ hãi hoặc thông tin sai lệch.
Các chuyên gia y tế cho rằng, để thay đổi định kiến về ung thư trong cộng đồng, cần đồng thời thực hiện 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất, tăng cường truyền thông chính thống về hiệu quả điều trị ung thư hiện nay, với minh chứng cụ thể và ngôn ngữ gần gũi. Thứ hai, khuyến khích người dân chủ động tầm soát sức khỏe định kỳ - không đợi có biểu hiện bất thường mới đi khám. Và cuối cùng, củng cố niềm tin vào y học hiện đại bằng cách xây dựng mối quan hệ minh bạch, tin cậy giữa thầy thuốc và người bệnh.
Đức Trân