Cô gái mất việc vì Story khoe trúng tuyển, cảnh báo 'đỏ' khi chia sẻ thông tin

Cô gái mất việc vì Story khoe trúng tuyển, cảnh báo 'đỏ' khi chia sẻ thông tin
một ngày trướcBài gốc
Vừa nhận việc mới, Hoàng Lan liền chia sẻ niềm vui trên Story Facebook cá nhân để lưu lại cột mốc. Không ngờ, chỉ sau đó ít ngày, cô bị quấy rối bởi bên vay tín dụng vì một khoản nợ mà mình không liên quan. Những cuộc gọi, email liên tục gửi đến công ty mới khiến cô phải đối mặt với nguy cơ mất việc.
Lộ thông tin cá nhân từ thói quen sử dụng mạng xã hội
Hoàng Lan chưa từng vay nợ, danh sách bạn bè cũng giới hạn trong một vòng nhỏ. Cô tin rằng chỉ đăng tải tên công ty mới trên Story sẽ không ảnh hưởng gì, vì nhiều bạn trẻ khác còn công khai cả vị trí công việc lên trang cá nhân hay LinkedIn. Nhưng sự chủ quan này đã khiến cô rơi vào tình huống không ngờ tới.
Một người thân của Hoàng Lan từng vay tiền qua tín dụng đen và bên cho vay đã thu thập thông tin liên quan đến người này từ nhiều nguồn khác nhau. Khi thấy Hoàng Lan chia sẻ thông tin nhận việc, họ nhanh chóng tìm ra công ty mới và liên tục gửi email, gọi điện nhằm gây sức ép.
"Nhận được tin, mình hụt hẫng. Số mình hên lắm mới được xui như vậy đó", H.Lan chia sẻ.
"Ban đầu công ty nghi ngờ, nhưng họ không vội đưa ra quyết định mà mời mình lên làm việc để xác minh. Trong suốt quá trình đó, họ giữ thái độ trung lập, động viên mình rằng nếu trong sạch thì không có gì phải lo. Họ từng gặp trường hợp tương tự nên hiểu rõ cách xử lý", Hoàng Lan kể lại.
Công ty đã kiểm tra email tố cáo gửi đến, liên hệ với công ty cũ để xác minh. Khi xác nhận nội dung không đúng sự thật, họ tiếp tục hỗ trợ bằng cách cung cấp địa chỉ email nặc danh cho Hoàng Lan. Tuy nhiên, khi tình trạng quấy rối kéo dài, gây ảnh hưởng đến công việc chung, công ty buộc phải đưa ra quyết định dừng hợp tác với cô.
Những rủi ro từ việc công khai thông tin trên mạng
Sự việc của Hoàng Lan là lời cảnh báo cho nhiều bạn trẻ về nguy cơ khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Không ít người có thói quen cập nhật công khai nơi làm việc, số điện thoại, địa chỉ email mà không lường trước những rủi ro tiềm ẩn.
Trên thực tế, nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra khi thông tin cá nhân bị kẻ xấu khai thác. Không chỉ bị quấy rối bởi các tổ chức tài chính hoặc các bên đòi nợ, nhiều người còn trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo hoặc bị theo dõi, xâm phạm đời tư.
Dưới bài đăng chia sẻ câu chuyện của Hoàng Lan, nhiều người bày tỏ sự đồng cảm: "Hôm trước vừa thấy bài đăng khoe trúng tuyển, giờ đã vậy. Cố lên nha", "Lần sau đừng công khai những thông tin như vậy nữa, trên mạng nhiều người theo dõi mình mà mình không biết đâu"...
Nhiều người chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ bản thân, như đổi số điện thoại, email, ẩn danh sách bạn bè để tránh bị làm phiền.
Bảo vệ bản thân trên mạng xã hội
Sau sự cố, Hoàng Lan đã thay đổi quan điểm về việc chia sẻ thông tin cá nhân. Cô vẫn để chế độ bạn bè đối với một số thông tin cơ bản như nơi ở, trường học, nhưng cẩn trọng hơn với những dữ liệu nhạy cảm như nơi làm việc, số điện thoại, email.
"Đặc biệt, để tránh ảnh hưởng đến người thân, mình đã ẩn danh sách bạn bè cũng như các tương tác giữa họ và mình. Không ai biết trước được mình có thể bị lợi dụng thông tin vào mục đích gì", Hoàng Lan bộc bạch.
Để bảo vệ quyền riêng tư trên mạng, hãy hạn chế chia sẻ công khai thông tin như nơi làm việc, số điện thoại, email cá nhân. Kiểm tra cài đặt bảo mật thường xuyên, cảnh giác với các yêu cầu cung cấp thông tin từ bên thứ ba. Mỗi thông tin chia sẻ đều có thể trở thành rủi ro nếu rơi vào tay kẻ xấu.
Câu chuyện của Hoàng Lan là lời cảnh báo: Trong thời đại số, việc bảo vệ thông tin cá nhân quan trọng không kém gì việc bảo vệ tài sản. Một dòng trạng thái tưởng chừng vô hại có thể kéo theo những hậu quả khó lường.
Tôn Huy - Ảnh: Tổng hợp
Nguồn HHT : https://hoahoctro.tienphong.vn/co-gai-mat-viec-vi-story-khoe-trung-tuyen-canh-bao-do-khi-chia-se-thong-tin-post1729079.tpo