Fanpage giả mạo Bộ Tài chính, vẫn có dấu tick xanh Facebook.
Tối 31/3, trang Thông tin Chính phủ cảnh báo người dân về việc xuất hiện fanpage giả mạo Bộ Tài chính. Đáng nói, tài khoản này có dấu tick xanh, vốn là chứng nhận minh bạch, chính chủ, chống lừa đảo trên nền tảng.
Thực tế, chính sách quản lý lỏng lẻo cùng lỗ hổng xác minh có thể khiến một số trang giả mạo, lừa đảo có thể lấy được dấu xác minh. Người dùng khi sử dụng mạng xã hội cần cảnh giác, không chỉ dựa vào “tick xanh” để hoàn toàn tin tưởng, giao thông tin hay chuyển tiền.
Trang giả mạo Bộ Tài chính, Cục An ninh trên Facebook
Giữa tháng 3, người dùng trong nước nhìn thấy quảng cáo của tài khoản có Cục An ninh - Bộ Công an. Bài đăng với nội dung hướng dẫn nạn nhân lấy lại tiền bị lừa đảo, thu hồi tài sản “kẹt” trên các app chứng khoán, nhiệm vụ Shopee, Lazada. Đáng nói, tài khoản có dấu xác minh chính chủ của Facebook. Do vậy, người dùng dễ dàng tin đây là fanpage chính thức.
Tuy nhiên khi kiểm tra tính minh bạch trang, kết quả trả về cho tháy nó đã được đổi tên. Vị trí của người quản lý cũng ở Campuchia thay vì Việt Nam. Ngày 26/3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đăng bài cảnh báo. Cụ thể, cơ quan chức năng khẳng định trang nói trên là giả mạo, không thuộc đơn vị quản trị.
Bài đăng cảnh báo giả mạo của Cục An ninh.
Facebook đã cấp xác minh cho fanpage từ trước. Sau đó, nó có thể bị bán hoặc chiếm đoạt. Lỗ hổng chính sách nền tảng khiến kẻ gian lợi dụng, đổi tên thành Cục An ninh mà vẫn giữ được tick xanh. Với YouTube, một khi tài khoản chuyển danh tính, đấu xác minh cũng không còn.
Ở trường hợp fanpage Bộ Tài chính, phần thông tin minh bạch trang không ghi nhận lần đổi tên nào. Tuy nhiên, điều này cũng không thể giúp xác nhận chính chủ.
Cụ thể từ đầu 2023, Meta đã chuyển sang cho thuê dấu xác minh, thay vì cấp cho trang, người nổi tiếng. Tuy nhiên, dịch vụ vẫn chưa xuất hiện tại Việt Nam.
“Người có nhu cầu vẫn dễ dàng lên tick xanh bằng cách lập tài khoản trắng, chuyển vùng sang quốc gia đã mở dịch vụ như Australia, Nhật Bản, Mỹ để trả phí. Cách tương tự cũng có thể áp dụng cho fanpage”, ông Mai Thanh Phú, người quản trị nhiều trang Facebook lớn, trả lời Tri Thức - ZNews.
Ở trường hợp giả mạo Bộ Tài chính, vị này cho rằng kẻ gian đã dùng thủ thuật thuê tick xanh. Chi phí hiện rất rẻ, chỉ 12 USD/tháng.
"Tick xanh” chưa chắc chính chủ
Trước thời kỳ Facebook mở bán Meta Verify, dấu tick xanh rất “có giá”. Ngoài chứng minh chính chủ, những trang này còn được quyền quảng cáo cho các buổi livestream. Đây là dịch vụ được những người bán hàng online săn đón, giúp tiếp cận lượng lớn người dùng.
Giai đoạn 2019-2021, nhiều vụ việc hy hữu xảy ra khi trang hàng triệu theo dõi của cựu cầu thủ Chelsea Ivanovic, nghệ sĩ Ba Lan Natalia Szroede, ca sĩ Hàn Quốc Zico, giải đấu bóng đá J.League bị chủ shop online Việt Nam “trưng dụng” để bán quần áo, váy vóc.
Trang có tick xanh của cầu thủ Ivanovic bị người Việt chiếm dụng livestream bán hàng. Ảnh: Trọng Hưng.
Hiện nay, Facebook mở cửa, cho phép tài khoản cá nhân, đã bật chế độ chuyên nghiệp chạy quảng cáo trực tiếp. Do vậy, nhu cầu với fanpage có tick xanh cũng không còn nhiều. Tuy nhiên, những vụ việc giả mạo vẫn tiếp diễn. Trang được nghi giả mạo của diễn viên phim người lớn Nhật Bản Eimi Fukada, cầu thủ Pháp Kylian Mbappe đăng bài gây tranh cãi, lại có quản trị viên người Việt.
Mặt khác, với việc cho thuê dấu xác minh như hiện tại, tick xanh cũng không còn là bảo chứng cho “uy tín” của trang. Cơ quan chứng năng thường xuyên cảnh báo người dùng về các thủ đoạn lừa đảo tinh vi, liên tục thay đổi kịch bản của đối tượng làm việc xuyên biên giới.
Hùng Phi