Cơ hội cho đàm phán hòa bình Ukraine

Cơ hội cho đàm phán hòa bình Ukraine
2 ngày trướcBài gốc
Đề xuất của Slovakia
Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Fico diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang gặp rất nhiều khó khăn cả trên phương diện ngoại giao lẫn trên chiến trường khi cuộc xung đột với nước Nga đang sắp bước sang năm thứ 4. Sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine đang giảm bớt đi và ngày càng nhiều quốc gia thành viên EU cũng như NATO, nhất là các nước ở Trung và Đông Âu đang xem xét việc rút lại sự ủng hộ của mình đối với Ukraine và thúc đẩy cho tiến trình đàm phán nhằm sớm chấm dứt chiến tranh.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico (trái) gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm ngày 22/12.
Tại cuộc hội đàm ở Moscow hôm 22/12, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi thẳng thắn liên quan nhiều vấn đề trong quan hệ giữa hai nước cũng như những vấn đề chung của khu vực và thế giới, trong đó vấn đề trọng tâm và cũng là mục đích chuyến đi của ông là thảo luận xung quanh việc Nga tiếp tục cung cấp khí đốt sang châu Âu. Hiện tại, hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu đã hết hạn vào cuối năm 2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố tại cuộc họp với các lãnh đạo EU hôm 19/12 rằng Ukraine sẽ không tiếp tục hợp đồng trung chuyển này. Điều này làm dấy lên lo ngại trong các quốc gia hiện vẫn đang phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga như Slovakia.
Bên cạnh vấn đề khí đốt, hai nhà lãnh đạo Nga-Slovakia cũng thảo luận về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Trong bối cảnh đang có chiều hướng thúc đẩy đàm phán hòa bình, chấm dứt chiến tranh, ông Fico đã đưa ra đề xuất có thể tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình trên đất Slovakia. Thủ tướng Fico là người phản đối thẳng thắn việc Liên minh châu Âu hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Và Slovakia được coi là một trong số ngày càng đông các quốc gia thành viên EU ở Trung và Đông Âu hoài nghi về việc hỗ trợ Ukraine và ủng hộ các cuộc đàm phán với Nga.
“Ngoại giao Slovakia sẵn sàng đóng góp tích cực vào tiến trình hòa bình theo cách này và chúng tôi cũng đã thông báo lựa chọn này cho các đối tác Ukraine”, Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Juraj Blanar phát biểu tại cuộc họp nội các chung vào tháng 10. Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhiều lần chỉ trích Slovakia vì giọng điệu thân thiện mà ông Fico dành cho Nga kể từ khi ông trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2023.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm 26/12 rằng Nga sẵn sàng chấp nhận đề xuất của Slovakia về việc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine để chấm dứt xung đột mà ông cho biết Nga quyết tâm đưa đến hồi kết. Tổng thống Putin đã nhiều lần nói rằng Nga sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột với Kiev, nhưng vẫn sẽ đạt được mục tiêu của mình tại Ukraine. Hôm 26/12, ông gọi việc Slovakia đăng cai hội nghị đối thoại về cuộc xung đột Ukraine mà Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã nói rằng ông có thể chấm dứt sau khi nhậm chức vào tháng 1 là “có thể chấp nhận được”.
Nói về sức mạnh quân sự Nga hiện tại, ông Putin cho biết Nga có thể sử dụng lại tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung mới Oreshnik nhưng không vội vàng làm như vậy. “Chúng tôi không loại trừ khả năng sử dụng nó cả hôm nay và ngày mai, nếu cần thiết”, ông Putin cho biết.
Đáp lại tuyên bố của Nga, ngày 27/12, Slovakia đã xác nhận nước này sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Viễn cảnh đó đã làm dấy lên mối lo ngại ở Kiev rằng một giải pháp có thể được áp dụng theo các điều khoản có lợi cho Moscow, khi Ukraine đang vật lộn trên chiến trường.
Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Blanar cho biết bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải diễn ra “với sự tham gia của tất cả các bên, và do đó cũng có sự tham gia của Nga”, không giống như hội nghị thượng đỉnh trước đó vào tháng 6 tại Thụy Sĩ. “Chúng tôi coi tuyên bố của tổng thống Nga là một tín hiệu tích cực để chấm dứt cuộc chiến này, cuộc đổ máu này và sự tàn phá này càng sớm càng tốt”, ông Blanar nói. Ông cho biết, trước đó Slovakia cũng đã nói với Kiev vào tháng 10 rằng Slovakia sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình.
Thủ tướng Slovakia Fico là một trong số ít nhà lãnh đạo châu Âu vẫn gần gũi với Điện Kremlin. Mặc dù là thành viên của NATO và Liên minh châu Âu, Slovakia đã xích lại gần Nga hơn kể từ khi ông Fico theo chủ nghĩa dân tộc trở lại nắm quyền vào cuối năm 2023. Ông đã dừng mọi viện trợ quân sự cho Ukraine và cáo buộc Kiev gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho đất nước ông, mà ông muốn tiếp tục mua.
Trong bài đăng trên Facebook của mình, ông Fico cáo buộc “bằng cách dừng quá cảnh khí đốt, Tổng thống Zelensky sẽ gây ra thiệt hại hàng tỷ USD cho EU”. “Có vẻ như một số người lớn trong EU không bận tâm. Vấn đề chính là nhân danh mục tiêu phi thực tế là làm suy yếu nước Nga, người Slav sẽ tiếp tục giết hại lẫn nhau”, ông nói tiếp.
Điều kiện nào cho đàm phán hòa bình?
Slovakia không phải là quốc gia đầu tiên đề xuất đăng cai đàm phán hòa bình Ukraine. Trước Slovakia đã có ít nhất từng có 5 nước đã đưa ra sáng kiến đàm phán hòa bình. Đầu tiên phải kể đến Hungary. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Viktor Orbán, Hungary đã tự định vị mình là một bên trung gian tiềm năng nhờ mối quan hệ gần gũi với Nga. Thủ tướng Orbán đã có cuộc hội đàm với cả Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Nga Putin, trong đó ông kêu gọi một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, mâu thuẫn kéo dài giữa Budapest và Kiev khiến Hungary khó có thể được chấp nhận như một trung gian khách quan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan gặp Tổng thống Ukraine Zelensky.
Sau Hungary, Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, Trung Quốc có mối quan hệ quá gần gũi với Nga nên đã không tạo được niềm tin trong cộng đồng thế giới về tính khách quan, trung lập của nước này. Gần đây nhất là Thổ Nhĩ Kỳ. Trong suốt năm 2024, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có nhiều hành động thể hiện thiện chí đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc cxung đột Nga-Ukraine. Ông Erdogan đã đến Moscow gặp Tổng thống Nga Putin cũng như đến Kiev gặp Tổng thống Ukraine Zelensky để đưa ra các ý kiến đề xuất của mình cho một cuộc hòa đàm khả dĩ nhằm chấm dứt cuộc chiến.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã từng đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán ngũ cốc giữa Nga và Ukraine, cho thấy tiềm năng của Ankara trong việc tổ chức và hỗ trợ các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, mối quan hệ phức tạp giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và NATO đã khiến vai trò của họ bị đặt dấu hỏi.
Tháng 1/2025 có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc chiến Ukraine. Ông Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 và sẽ bắt tay vào việc chấm dứt cuộc chiến Ukraine “trong 24 giờ”, như ông đã nhiều lần tuyên bố trong tranh cử cũng như sau bầu cử. Ngay hôm sau cuộc bầu cử tổng thống thắng lợi, vào ngày 6/11/2024, ông Trump đã thực hiện một cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin, tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở tiểu bang Florida. Trong cuộc gọi, ông Trump đã khuyên Tổng thống Nga Putin “không nên leo thang chiến tranh ở Ukraine”.
Theo tờ báo Washington Post, hai lãnh đạo Nga-Mỹ đã thảo luận về mục tiêu hòa bình trên lục địa châu Âu và ông Trump bày tỏ sự quan tâm đến các cuộc trò chuyện tiếp theo để thảo luận về “giải pháp sớm cho cuộc chiến tranh của Ukraine”.
Với định hướng và quyết tâm của ông Trump, châu Âu cũng không thể đứng ngoài cuộc và cũng muốn tìm cho mình một giải pháp đóng góp cho hòa bình ở Ukraine. Một trong những động thái đáng chú ý là việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz (hiện đã bị mất tín nhiệm) có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga Putin kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra. Tuy vẫn giữ quan điểm lên án cuộc chiến, nhưng thái độ và hành động của ông Scholz đã phát đi tín hiệu cho các đồng minh châu Âu rằng “đã đến lúc tính đến việc chấm dứt cuộc chiến Ukraine thông qua con đường đàm phán”.
Một loạt sự kiện gây căng thẳng do Tổng thống Mỹ Joe Biden phát động đã diễn ra liền ngay sau đó, như việc dỡ bỏ lệnh giới hạn, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ bắn vào các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga. Tiếp sau đó nữa là việc Mỹ tăng cường viện trợ quân sự, khí tài cho Ukraine, việc Tổng thống Pháp Macron đưa ra sáng kiến điều binh sĩ NATO đến Ukraine… Các nút thắt này có vẻ làm chậm lại khí thế của tư tưởng đàm phán, vì ai đó trong guồng máy của phương Tây vẫn chưa muốn chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine. Người ta cho rằng Tổng thống Biden đã cố tình tạo ra thế khó để lại cho ông Trump khi ông lên nhậm chức vào ngày 20/1/2025.
Về phía các chủ thể chính của cuộc xung đột, Ukraine dường như đang “xuống thang”, dịu giọng hơn so với vài tháng trước đây. Để đến được bàn đàm phán cần có sự nhượng bộ nhất định của mỗi bên. Trước đây, Tổng thống Ukraine Zelensky luôn cứng giọng tuyên bố “không có đàm phán hòa bình nếu không có Ukraine” và “không đàm phán nếu lãnh thổ Ukraine vẫn bị chiếm”. Ông Zelensky cũng thường xuyên tuyên bố thẳng thừng “Nga phải rút quân toàn bộ khỏi lãnh thổ Ukraine trước khi đàm phán”… Trong một phát biểu vào trung tuần tháng 12/2024, ông Zelenskiy thừa nhận tình hình ở tiền tuyến các mặt trận đang rất khó khăn đối với Ukraine, và Ukraine chấp nhận đàm phán với hiện trạng lãnh thổ.
Về phía Nga, Điện Kremlin đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán hòa bình, nhưng không phải theo các điều kiện do phía Ukraine đặt ra. Trong một cuộc họp báo vào hạ tuần tháng 11/2024, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng đàm phán, chúng tôi sẵn sàng xem xét bất kỳ sáng kiến thực tế, phi chính trị hóa nào”. Tuy nhiên, bà Zakharova cho biết Nga sẽ chỉ xem xét một giải pháp “dựa trên việc tính đến lợi ích của Moscow”. Đó là các điều khoản mà Tổng thống Putin đã nêu ra vào tháng 6/2024 nhằm chấm dứt xung đột bao gồm: Ukraine sẽ phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, rút hết quân đội khỏi toàn bộ lãnh thổ của các khu vực mà Nga tuyên bố chủ quyền. Thời điểm đó, Ukraine quyết liệt phản đối và thẳng thừng từ chối đàm phán.
Trong những ngày gần đây, Ukraine liên tục gặp khó khăn trên chiến trường trong khi Nga đang tiến quân với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu cuộc chiến. Phòng tuyến Ukraine đang trên hướng Pokrovsk có nguy cơ sụp đổ sau nhiều tuần bị quân Nga uy hiếp. Đây là trung tâm hậu cần quan trọng nhất của Ukraine tại chiến trường miền Đông, nếu để mất có thể ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ cục diện cuộc chiến. Trong khi đó, tại vùng Kursk của Nga, diện tích đất Ukraine chiếm giữ cũng đang ngày càng thu hẹp dần, hiện đã mất hơn một nửa so với lúc chiếm giữ ban đầu vào tháng 8/2024.
Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chiến tranh có trụ sở tại Mỹ đưa ra dự báo quân Ukraine có khả năng bị bao vây hoàn toàn tại Kursk trong vòng 1 hoặc 2 tháng tới, nếu các nhà chiến lược Ukraine không kịp thời ra lệnh rút quân.
Trong thế khó khăn đó, việc yêu cầu thêm viện trợ từ các đồng minh phương Tây đối với Ukraine hiện đang rất khó khăn. Thủ tướng Đức Scholz tháng 11 vừa qua đã hứa tăng thêm viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius phản đối việc chuyển giao tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine vì lo ngại leo thang cẳng thẳng với Nga.
Trương Hùng(Tổng hợp)
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/co-hoi-cho-dam-phan-hoa-binh-ukraine-i755404/