Cơ hội lớn khai thác thương mại quanh metro

Cơ hội lớn khai thác thương mại quanh metro
2 ngày trướcBài gốc
Sau hơn 4 tháng chính thức vận hành metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), nhiều doanh nghiệp (DN) đang chen chân tìm cơ hội đầu tư kinh doanh, bán lẻ tại các nhà ga tàu điện cao tốc này.
Nhiều thương hiệu bán lẻ "xí chỗ"
Vừa qua, Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 TP HCM (HURC1) và Tổng Công ty Thương mại TP HCM (SATRA) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2025-2028.
Theo kế hoạch, SATRA sẽ phối hợp với HURC xây dựng, triển khai phương án phát hành vé tham gia giao thông tuyến metro số 1 tại các địa điểm kinh doanh thuộc hệ thống bán lẻ của mình gồm: 3 trung tâm thương mại Centre Mall, 4 siêu thị tự chọn Satramart, hơn 172 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods. SATRA cũng sẽ triển khai các máy bán hàng tự động tại nhà ga của HURC1. "Đến nay, chúng tôi đã triển khai 24 máy bán nước uống tự động tại 14 trạm metro. Hiệu quả rất tích cực, sau 2 tháng lắp đặt, doanh số hơn 200 triệu đồng" - đại diện SATRA thông tin.
Trong kế hoạch dài hơi, SATRA đang nghiên cứu phát triển thêm các giải pháp bán lẻ hiện đại tại hệ thống metro, hướng đến các cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng lưu động và hệ thống thức ăn nhanh.
Các điểm bán nước tự động tại ga metro của SATRA có doanh thu tốt trong 2 tháng đầu triển khai. Ảnh: QUANG LIÊM
Trước SATRA, hồi tháng 2-2025, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đã bắt tay với HURC1 để phát triển hệ thống bán lẻ, cửa hàng tiện lợi theo các nhà ga; khai thác các giải pháp thanh toán không tiền mặt, tích hợp thẻ metro vào hệ thống thanh toán…
Ông Nguyễn Anh Khoa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho hay: "Saigon Co.op có rất nhiều mô hình có thể cùng hợp tác với Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM nói chung và HURC1 nói riêng. Đây cũng là hình thức hợp tác kiểu mẫu trong phát triển tích hợp giữa hạ tầng giao thông hiện đại và phát triển thương mại bán lẻ hiện đại".
Sau thỏa thuận hợp tác trên, Saigon Co.op đang nghiên cứu mô hình kinh doanh để gắn kết với các mô hình đường sắt đô thị hiện đại, không chỉ metro số 1, mà tại các tuyến metro khác của TP HCM và các điểm bán lẻ vật lý do Saigon Co.op phát triển.
Còn nhiều dư địa phát triển
Tuyến metro số 1 được đưa vào vận hành đã tạo ra không khí mới cho bộ mặt giao thông công cộng của TP HCM. Với chiều dài 19,7 km, sau 3 tháng vận hành thương mại, tuyến đường sắt đô thị này đã thu hút 6,3 triệu khách tham gia giao thông, trung bình khoảng 200 chuyến/ngày.
Tuy nhiên, trên gần 20 km tuyến metro số 1 với 14 nhà ga, hiện chỉ có ga An Phú là nơi hành khách có thể trải nghiệm mua sắm, ăn uống tại Trung tâm Thương mại Vincom Mega Mall Thảo Điền (TP Thủ Đức). Nhờ "ăn theo" nhà ga, trung tâm thương mại này trở nên sầm uất hơn rất nhiều lần.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều DN bán lẻ, DN ngành thực phẩm và đồ uống và cả ngành hàng tiêu dùng đều bày tỏ mong muốn tham gia "sân chơi" mới tại các nhà ga metro lẫn các khu đô thị dọc tuyến metro (TOD). Đại diện một hệ thống bán lẻ ngoại tại TP HCM đánh giá việc hiện diện tại các nhà ga metro sẽ là lợi thế lớn để DN quảng bá thương hiệu đến đông đảo khách hàng. "Nếu được tham gia, chúng tôi sẽ mở cửa hàng tiện lợi và ưu tiên kinh doanh những mặt hàng gắn với nhu cầu tiêu dùng nhanh" - đại diện này cho biết.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết cuối năm nay, TP HCM sẽ khởi công tuyến metro số 2, sau đó sẽ đẩy nhanh tiến độ khởi công các tuyến khác; mục tiêu đến năm 2035 có 355 km tuyến đường sắt đô thị và đến năm 2045 sẽ có trên 500 km. Trong tương lai, TP HCM mở rộng sẽ kéo theo nhu cầu mở rộng hệ thống đường sắt đô thị. Khả năng sẽ hình thành tuyến metro đi từ Suối Tiên đến Bình Dương hoặc từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Long Thành, từ trung tâm TP HCM về Cần Giờ… Khi hệ thống metro được mở rộng, hoạt động thương mại bán lẻ hiện đại cho các tuyến đường sắt đô thị này cũng cần được chuẩn bị phù hợp nhằm khai thác tối đa hệ sinh thái kinh tế xung quanh nó.
"Việc khai thác hạ tầng ngầm theo quy hoạch hiện nay còn nhiều dư địa để khai thác kinh tế. Trong tương lai, khi gắn với các tuyến metro, tiềm năng này còn lớn hơn nữa" - ông Nguyễn Văn Dũng nói thêm và nhấn mạnh TP HCM cần một chiến lược tổng thể để tận dụng tối đa giá trị kinh tế mà metro mang lại.
Đại diện HURC1 cho hay đơn vị không chỉ được giao nhiệm vụ vận hành tuyến metro số 1 mà còn phát triển hệ sinh thái thương mại phục vụ hành khách trên tuyến này. Đơn vị đã trình đề án khai thác thương mại xung quanh tuyến metro số 1, chờ hướng dẫn cụ thể để triển khai đấu giá. "Quan trọng nhất là cung cấp trải nghiệm nhiều nhất, tối ưu nhất cho hành khách nên ngay khi có hướng dẫn cụ thể, chúng tôi sẽ triển khai ngay" - đại diện HURC1 nói.
Ông DANNY VÕ, cố vấn Đối ngoại Thương mại Quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài - TP HCM:
Chọn lọc kỹ nhà đầu tư
Tiềm năng phát triển các trung tâm thương mại dọc các tuyến metro rất lớn. Để các trung tâm này phát triển theo đúng tiềm năng vốn có của TP HCM - một siêu đô thị đang phát triển - cần có những đơn vị tổ chức thẩm định các dự án, từ đó chọn lọc những nhà đầu tư có năng lực thật; tránh tình trạng nhà đầu tư "xí phần" rồi sang nhượng dự án.
Ông HOÀNG TÙNG, Chủ tịch F&B Investment & FoodEdu Academy:
Bảo đảm an toàn cho metro
Để phát triển và nhân rộng mô hình kinh doanh bán lẻ theo metro, cơ quan quản lý cần tính toán mật độ phù hợp, tránh thương mại hóa quá nhiều, ảnh hưởng tới cảnh quan của hệ thống đường sắt đô thị.
Đặc biệt, một trong những lưu ý quan trọng nhất là bảo đảm an toàn trong vận hành tuyến metro. Theo đó, những mặt hàng tiện ích nhanh, gọn và an toàn nên ưu tiên triển khai; ngược lại, những quán đồ ăn như lẩu, buffet, đồ nướng… nên cân nhắc. Bên cạnh đó là phải bảo đảm điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, nếp kinh doanh văn minh…
Kỹ sư cầu đường TRẦN VĂN TƯỜNG:
Cần có quy hoạch tổng thể
Việc khai thác không gian xung quanh metro không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần thu hút hành khách sử dụng metro thông qua các tiện ích như thanh toán, mua sắm, giải trí...
Tại nhiều đô thị trên thế giới, không gian metro được quy hoạch theo từng phân khu, sau đó giao cho tư nhân khai thác. TP HCM cần có một quy hoạch tổng thể do cơ quan chuyên trách như Sở Giao thông Công chánh thực hiện trước tiên. Sau đó, các không gian thương mại tại metro nên được xã hội hóa thông qua hình thức đấu thầu, giúp nhà đầu tư có thể chủ động tính toán phương án kinh doanh hợp lý.
T.Nhân - L.Thúy - N.Quý ghi
Metro Singapore: Cần gì cũng có
Hệ thống metro của Singapore (gọi tắt là MRT) không chỉ giúp tối ưu hóa di chuyển mà còn tạo ra các cơ hội kinh tế thông qua việc kết nối khu vực và hỗ trợ các ngành công nghiệp phụ trợ.
Cư dân sống gần nhà ga MRT được bao quanh bởi rất nhiều tiện ích đáp ứng mọi nhu cầu, từ trung tâm mua sắm đến các cơ sở dịch vụ, giải trí.
Vào năm ngoái, theo tờ The Straits Times, một loạt cửa hàng và doanh nghiệp đã đi vào hoạt động tại nhà ga Dhoby Ghaut để đáp ứng nhu cầu về sức khỏe và ẩm thực của người dân, trong đó có phòng khám, phòng gym và quán ăn. Ngoài ra, nơi này còn có không gian làm việc chung, tổ chức chợ phiên cuối tuần... Các cửa hàng và dịch vụ này là một phần của mô hình bán lẻ theo chủ đề mới được ra mắt hồi tháng 7-2024 bởi Stellar Lifestyle - bộ phận bán lẻ của nhà điều hành giao thông MRT.
Trong những năm gần đây, Stellar Lifestyle đã đa dạng hóa các dịch vụ và tiện ích bán lẻ tại các ga MRT, như ra mắt không gian làm việc chung tại các ga Marsiling, Paya Lebar và Woodlands; đưa vào hoạt động trung tâm bán lẻ theo chủ đề...
Hoàng Phương
THANH NHÂN
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/co-hoi-lon-khai-thac-thuong-mai-quanh-metro-196250329204619108.htm