Khu vực Chân Mây có điều kiện phát triển điện khí
Dự phần lớn trong hệ thống điện năng
Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) là cơ sở để TP. Huế triển khai các quy hoạch phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo (NLTT).
Quy hoạch cũng chỉ rõ phương án phát triển dựa trên nguồn điện từ NLTT (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của NLTT trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất. Trong đó, ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu, ưu tiên tối đa khí trong nước cho phát điện.
Cơ cấu nguồn điện tại quy hoạch cho thấy, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước (không bao gồm xuất khẩu) là 183.291 - 236.363MW. Trong đó, điện gió trên bờ và gần bờ 20.066 - 38.029MW, chiếm tỷ lệ 14,2% -16,1%; điện gió ngoài khơi 6.000 - 17.032MW đưa vào vận hành giai đoạn 2030 - 2035, có thể đẩy sớm tiến độ nếu điều kiện thuận lợi và giá thành phù hợp. Đối với điện mặt trời (điện mặt trời tập trung và điện mặt trời mái nhà, không bao gồm các nguồn điện mặt trời theo khoản 5 Điều 10 Luật Điện lực số 61/2024/QH15) 46.459 - 73.416MW, chiếm tỷ lệ 25,3 - 31,1%. Điện sinh khối 1.523 - 2.699MW, điện sản xuất từ rác 1.441 - 2.137MW, điện địa nhiệt và năng lượng mới khác khoảng 45 MW; đồng thời có thể phát triển quy mô lớn hơn nếu đủ nguồn nguyên liệu, hiệu quả sử dụng đất đai, có nhu cầu xử lý môi trường, hạ tầng lưới điện cho phép, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý...
Về thủy điện sẽ là 33.294 - 34.667 MW, chiếm tỷ lệ 14,7 - 18,2%, nhưng có thể phát triển cao hơn nếu bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh nguồn nước…
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Theo đề án này, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo thuận lợi thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng. Triển khai các dự án (DA) thí điểm chuyển đổi năng lượng công bằng và hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại các khu vực có nhiều tiềm năng. Phát triển năng lượng tái tạo đạt tỷ lệ 47% năng lượng sơ cấp. Sau năm 2030, đưa việc sử dụng năng lượng sạch trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng; không xây mới và loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than, phát triển năng lượng tái tạo đạt khoảng 80 - 85% năng lượng sơ cấp.
Trung tâm năng lượng khu vực
Trong các hội nghị, hội thảo liên quan phát triển nguồn NLTT cấp vùng, khu vực, thì TP. Huế được các chuyên gia đánh giá là địa phương có tiềm năng lớn trong việc phát triển các nguồn NLTT, như thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, nhờ địa hình đa dạng, nhiều vùng có bờ biển dài, nhiều giờ nắng, tốc độ gió ổn định và hệ thống diện tích mặt nước rộng…
Thời gian gần đây, TP. Huế đã ưu tiên xây dựng các chính sách ưu đãi trong phát triển NLTT; tiến hành khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển thủy điện, điện gió, mặt trời…, góp phần xây dựng Huế trở thành trung tâm năng lượng khu vực.
Hiện, toàn thành phố có 13 nhà máy thủy điện, tổng công suất 459,3MW, bình quân mỗi năm đóng góp cho lưới điện quốc gia trên 1 tỷ kWh; 2 dự án điện năng lượng mặt trời tại TX. Phong Điền, tổng công suất 77 MW; 1 nhà máy điện rác tại Phú Sơn, TX. Hương Thủy, công suất 12MW và hệ thống điện mặt trời mái nhà gồm 511 hệ thống, với tổng công suất 61 MW… đã phát điện với tổng sản lượng bình quân hàng năm khoảng 1.800 - 2000 triệu kWh; trong đó năm 2024 đạt 2.014 triệu kWh.
Theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Công thương, với hiện trạng các nguồn điện đã có, cũng như theo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trong giai đoạn 2025 - 2030, tại TP. Huế, tổng công suất tăng thêm trong hệ thống thủy điện nhỏ là 31MW; điện mặt trời tập trung 397MW; điện mặt trời mái nhà 50MW; điện gió 100MW… Đây sẽ là những nguồn lực mới tạo thêm nguồn điện dồi dào phục vụ cho việc phát triển KT-XH và nhu cầu sinh hoạt của người dân địa phương.
Hiện nay, Sở Công thương đang tham mưu cho UBND thành phố phát triển ngành công nghiệp bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Trong đó, xây dựng các chính sách ưu đãi trong phát triển NLTT; khảo sát, đánh giá tiềm năng điện mặt trời, mặt nước, điện gió... Từ đó, có cơ sở để tiếp tục đầu tư, bổ sung vào nguồn năng lượng quốc gia, xây dựng nền công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phát triển nguồn NLTT cho sản xuất điện đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Điển hình như các DA điện mặt trời thường phụ thuộc vào thời tiết, môi trường nên hoạt động phát điện không liên tục và không ổn định; cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời hiện chưa thuận lợi…
Để tháo gỡ những vấn đề này, lãnh đạo thành phố và các đại biểu Quốc hội thành phố cần tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành liên quan xem xét điều chỉnh Quy hoạch điện VIII về các dự án điện mặt trời, điện gió, điện khí triển khai sau năm 2030 tại khu vực Chân Mây; TX. Phong Điền, Hương Thủy… không ngoài mục đích tối ưu hóa trong quá trình triển khai, đầu tư để góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Bài, ảnh: Song Minh