Trong bối cảnh đô thị hóa, bài toán thoát nước, ngập lụt trong đô thị, xử lý nước thải, các công nghệ xử lý nước sạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp của mỗi quốc gia và của từng thành phố ngày càng trở nên bức thiết.
Phát triển bền vững không thể thiếu nhân lực ngành nước
Trao đổi với phóng viên, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã nhấn mạnh về vai trò và tầm quan trọng của nguồn nước.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh, nước rất cần cho sự sống của muôn loài, cho mọi hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội và là một nội dung cốt lõi trong xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị. Nước giống như mạch máu của một đô thị sống, đô thị muốn "khỏe" thì nguồn nước phải sạch.
Mỗi ngày, những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ hàng triệu mét khối nước. Có thể nhìn vào những công trình lớn để dễ hình dung như các nhà máy nước Sông Đuống, Sông Đà, sông Hồng, các nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Yên Sở ở Hà Nội rồi Bình Hưng, Bình Hòa ở thành phố Hồ Chí Minh và các hệ thống cấp thoát nước trong công trình xây dựng, trong các nhà máy, xí nghiệp và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường ở khắp đất nước.
Theo đó, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường cho rằng, muốn có những hệ thống cấp thoát nước thì cần phải tiến hành quy hoạch, thiết kế, thi công, xây dựng và vận hành. Và để làm được điều đó thì cần phải có nguồn lực lớn những kỹ sư ngành nước.
“Dự báo từ nay đến năm 2030, ước tính cần khoảng 12.000 kỹ sư ngành nước. Trong khi đó ở Việt Nam hiện có khoảng 10 cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành trong lĩnh vực này, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm khoảng 300 - 500 sinh viên, nghĩa là còn ít hơn nhiều so với nhu cầu thực tế”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh thông tin.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: NVCC
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Đức Thường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Trung cũng cho rằng, trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng cao, tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt tối thiểu 45% và đến năm 2030 trên 50% thì số lượng các khu đô thị dự kiến sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Khi đó, với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, diễn biến của khí hậu cực đoan ngày càng phức tạp, làm xuất hiện nhiều vấn đề tại các khu đô thị như ngập lụt đô thị, thiếu nước sạch và ô nhiễm nguồn nước khiến việc quy hoạch và quản lý hệ thống cấp thoát nước càng trở nên cấp thiết.
Chính vì vậy, trong thời gian tới sẽ cần nguồn nhân lực lớn trong lĩnh vực cấp thoát nước, có kiến thức chuyên sâu về thiết kế, thi công, vận hành và bảo trì hệ thống cấp thoát nước trong và ngoài nhà, hệ thống xử lý nước thải…để ứng phó với các thách thức từ môi trường.
Nhiều sinh viên e ngại học ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước vì nghĩ vất vả
Đứng trước thực trạng nhu cầu phát triển đô thị ngày càng gia tăng mạnh mẽ, xã hội càng thêm đòi hỏi lao động có trình độ để giải quyết những bài toán phát sinh trong thực tiễn.
Đánh giá về tiềm năng của ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước, Tiến sĩ Lê Đức Thường cho hay, mặc dù nhu cầu việc làm của ngành này rất cao song các đơn vị đào tạo vẫn gặp khó trong công tác tuyển sinh, thu hút người học vì nhiều lý do.
Một trong những nguyên nhân chính khiến thí sinh e ngại ngành học này là do định kiến về công việc. Theo đó, khi nhắc đến ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước, phần lớn thí sinh sẽ cho rằng đầu ra công việc liên quan đến lĩnh vực môi trường nên sẽ không sạch sẽ và khá nặng nhọc, thu nhập lại không hấp dẫn như nhiều ngành nghề khác.
Trong khi đó trên thực tế, hiện nay các kỹ sư Cấp thoát nước đều làm việc cùng sự hỗ trợ lớn từ công nghệ và kỹ thuật hiện đại.
Nguyên nhân thứ hai là do hạn chế về thông tin và mức độ hiểu biết về ngành nghề. Theo thầy Thường, qua kết quả khảo sát trong các đợt tuyển sinh của nhà trường trong một vài năm gần đây, nhà trường nhận thấy còn nhiều thí sinh và phụ huynh chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò của ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước đối với sự phát triển bền vững.
So với các ngành phổ biến như Công nghệ thông tin, Kinh tế hoặc Y dược, ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước ít được truyền thông rộng rãi, dẫn đến sự thiếu hấp dẫn đối với thí sinh. Chưa kể ngành học này yêu cầu kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật, môi trường và công nghệ... nên có thể sẽ làm nản lòng những thí sinh không yêu thích các môn học tự nhiên hoặc kỹ thuật.
Tiến sĩ Lê Đức Thường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Trung. Ảnh: website nhà trường
Bên cạnh đó, thầy Thường cũng trăn trở rằng, vì ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước là một lĩnh vực hẹp nên việc tìm kiếm đội ngũ giảng viên có trình độ cao còn nhiều khó khăn.
Mặt khác, tình trạng chênh lệch giữa các trường ở khu vực trung tâm đô thị với những trường ở vùng xa, dẫn đến chất lượng đào tạo còn chưa đồng đều. Nhiều cơ sở đào tạo chưa được trang bị đầy đủ các phòng thí nghiệm, mô hình thực hành hiện đại, khiến sinh viên thiếu cơ hội thực nghiệm thực tế. Nội dung đào tạo còn tập trung quá nhiều vào lý thuyết, thiếu tính ứng dụng vào các vấn đề thực tiễn cũng như chưa đẩy mạnh việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nên cơ hội để sinh viên thực hành, tiếp cận công nghệ tiên tiến còn khiêm tốn.
Là một trong những đơn vị tiên phong đào tạo ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh nhận định, đây là ngành học rất gần gũi với cuộc sống thường nhật và đặc biệt cần thiết cho xã hội khi không chỉ đơn thuần mang tính kỹ thuật mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác như kinh tế, xã hội, môi trường và rất giàu tính nhân văn.
Trước những lo ngại của thí sinh về khối ngành kỹ thuật thì khối lượng kiến thức sẽ rất nặng và gây áp lực cho người học, thầy Việt Anh cho biết ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước có đầu vào mở, thí sinh có thể hoàn toàn dựa vào năng lực của mình ở bậc phổ thông để theo đuổi ngành học này mà không quá vất vả.
Sinh viên ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thực hành trên mô hình thí nghiệm xử lý nước thải. Ảnh: NVCC
Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư Cấp thoát nước có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, công ty tư vấn thiết kế xây dựng, công ty xây dựng quản lý hạ tầng phát triển đô thị, công nghiệp và nông thôn, công ty kinh doanh thiết bị và giải pháp công nghệ, hay làm giảng viên tại các trường đại học, viện nghiên cứu,...
“Theo số liệu thống kê về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trong 3 năm học gần đây, gần 100% sinh viên ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước có việc làm đúng ngành ngay sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, hầu hết người học được tuyển dụng trong vòng 2 tháng từ khi tốt nghiệp, có nhiều trường hợp được đơn vị tuyển dụng chú ý, tuyển chọn ngay tại buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Cũng có nhiều sinh viên có cơ hội công tác và làm việc cho các công ty, doanh nghiệp nước ngoài”, thầy Việt Anh thông tin.
Trường đại học đào tạo ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước ra sao để thích nghi với thực tiễn?
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Việt Anh, ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước là một trong những ngành học đầu tiên mà Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tiến hành đào tạo. Cho đến nay, trong tiến trình đổi mới công nghiệp hóa - đô thị hóa, ngành học này lại càng được quan tâm để bắt kịp những yêu cầu mới mẻ của cuộc sống.
Nắm bắt các xu thế mới nhất trên thế giới, chương trình đào tạo của nhà trường luôn được cập nhật, đáp ứng tiêu chuẩn đầu ra của các nhà tuyển dụng lao động. Nhà trường tích cực cập nhật những công nghệ mới, các vấn đề “nóng” của thực tiễn, những giải pháp hiện đại như chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành nước, thích ứng với biến đổi khí hậu,…
Ví dụ như công nghệ biến nước mặn, nước ô nhiễm thành nước uống được, tái chế nước thải và bùn cặn, ứng dụng công nghệ thông tin (IT) vào chống thất thoát, thất thu nước, giả lập hệ thống ngoài thực tiễn trên máy tính,... được thầy cô đưa vào bài giảng để tạo thêm sự thích thú cho người học.
Thầy trò Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thực hành phân tích ADN bằng kỹ thuật PCR. Ảnh: NVCC
Thầy Việt Anh cho hay, trong thực tế, có nhiều tình huống không được đề cập trong sách vở, do đó sinh viên ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước không chỉ được học lý thuyết mà còn được thực hiện các đồ án thiết kế. Đây chính là các vấn đề thực tiễn cần phải giải quyết, cho sinh viên có cơ hội tập dượt, qua đó rèn luyện kỹ năng thiết kế, tìm tòi sáng tạo, khả năng tư duy hệ thống.
Trong quá trình học, sinh viên được thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia các dự án quốc tế cùng các thầy cô cũng như tiếp xúc với sinh viên quốc tế. Một số sinh viên có cơ hội học lớp tiếng Anh chất lượng cao và tham gia các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế.
Với mạng lưới đối tác doanh nghiệp, các cựu sinh viên đang hoạt động tại các doanh nghiệp ngành nước đã hỗ trợ nhà trường, tài trợ nhiều suất học bổng, tiếp nhận và hướng dẫn sinh viên thực tập chu đáo, giúp các em không bị bỡ ngỡ với thực tế khi làm việc.
Theo đó, từ năm thứ 3, nhiều sinh viên đã được tuyển dụng vào làm ở các công ty tư vấn, vừa có mức thu nhập khá lại vừa có cơ hội tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, nhiều em còn nhận được học bổng du học nước ngoài ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ.
Sinh viên ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đi thực tế. Ảnh: NVCC
Trong khi đó, tại Trường Đại học Xây dựng Miền Trung, ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước được xây dựng theo định hướng ứng dụng, tăng thời lượng thực hành thực tập để người học có nhiều cơ hội “va chạm” thực tế.
Theo chia sẻ của thầy Phó Hiệu trưởng Lê Đức Thường, Trường Đại học Xây dựng Miền Trung là một trong những thành viên sáng lập Mạng lưới các trường đào tạo ngành nước của Việt Nam (WEN) nên chương trình đào tạo ngành học này của nhà trường đáp ứng những chuẩn chung của mạng lưới.
Cụ thể, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước của trường được xây dựng với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành ở các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trên cả nước.
Để thích nghi với những thay đổi của thời cuộc, nhà trường thường xuyên cập nhật, điều chỉnh chương trình đào tạo để phù hợp với thực tế sản xuất và nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn nhằm giúp sinh viên cập nhật kiến thức thực tế và tiếp cận được công việc khi rời giảng đường.
Theo đó, sinh viên ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước của Trường Đại học Xây dựng Miền Trung sẽ được tham gia 2 đợt thực tập tại công trường và doanh nghiệp với tổng thời gian là 4 tháng. Ngoài ra là tham gia các hoạt động giao lưu, tham gia chuỗi các sự kiện của Mạng lưới các trường đào tạo ngành nước của Việt Nam (WEN) để mở mang kiến thức và có thêm nhiều cơ hội học tập, phát triển.
Trong những năm học gần đây, nhà trường cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên, xây dựng quy chế khen thưởng trong lĩnh vực này để khuyến khích người học tham gia và thể hiện các kỹ năng khi ứng dụng thực tế. Có rất nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên được nghiệm thu và được sự đánh giá cao của các thành viên Hội đồng trong và ngoài trường. Nhiều đồ án tốt nghiệp ngành nước đạt giải cao khi tham gia cuộc thi “Đồ án xuất sắc ngành nước” của Hội Cấp thoát nước Việt Nam.
Năm 2023, nhà trường gửi 1 đồ án dự thi và đạt giải nhì. Năm 2024 trường tiếp tục gửi 2 đồ án dự thi và có 1 đồ án đạt giải 3, 01 đồ án đạt giải khuyến khích.
Bên cạnh đó, trường cũng chú trọng xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ tài chính để tạo điều kiện cho người học tham gia học tập ở những trình độ cao. Hiện tại nhà trường có các chính sách về miễn giảm học phí, xét cấp học bổng khuyến khích học tập, học bổng tài trợ và nhiều loại học bổng khác áp dụng không phân biệt ngành học tại trường.
Sinh viên ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước của Trường Đại học Xây dựng Miền Trung được thực tập với các dự án doanh nghiệp. Ảnh: NVCC
Chị Nguyễn Thị Thúy Nga - cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước, Khoa Hạ tầng kỹ thuật Công nghệ, Trường Đại học Xây dựng Miền Trung, hiện đang làm việc tại phòng Phát triển dự án hạ tầng đô thị và công nghiệp tại một Sở Xây dựng cho biết: Trong suốt thời gian học tập, nhà trường đã tạo nhiều cơ hội để sinh viên tiếp cận với các dự án thực tế. Từ các bài tập nhóm mô phỏng dự án đến việc tham gia thực tập tại công ty, doanh nghiệp lớn đã giúp người học được rèn luyện và trau dồi nhiều kỹ năng, kiến thức.
"Những kiến thức chuyên môn được đào tạo ở bậc đại học là nền tảng vững chắc giúp tôi hiểu sâu hơn về lĩnh vực mình làm việc. Ngoài ra, các kỹ năng mềm như giao tiếp, giải quyết vấn đề và khả năng tư duy chiến lược cũng hỗ trợ tôi trong việc ứng dụng hiệu quả cho công việc mình phụ trách", chị Nga chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thúy Nga trong buổi tham quan Dự án Nhà máy nước sạch Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: NVCC
Từ công việc thực tế, chị Nga đánh giá ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước là một lĩnh vực thiết yếu trong bối cảnh phát triển đô thị và yêu cầu bảo vệ môi trường hiện nay. Trong tương lai, nhu cầu tuyển dụng các vị trí thuộc ngành này sẽ ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở các dự án liên quan đến quản lý tài nguyên nước, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển hạ tầng xanh.
Theo đó, để có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe trong công việc, chị Nga nhắn nhủ sinh viên ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước cần tích cực học hỏi và không ngừng trau dồi chuyên môn, rèn luyện kỹ năng mềm. Bên cạnh đó cần chủ động tham gia các cuộc thi, hoạt động nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp quốc gia để thử sức mình và có thêm nhiều kinh nghiệm cho công việc sau khi tốt nghiệp.
ĐÀO HIỀN