Có một Hà Nội rất đỗi bình dị qua những bức ảnh đen trắng

Có một Hà Nội rất đỗi bình dị qua những bức ảnh đen trắng
3 giờ trướcBài gốc
“Hà Nội - một thời để nhớ”
Mới đây, tại ngôi nhà di sản 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã phối hợp với hai nhiếp ảnh gia: Lê Bích và Andy Soloman tổ chức Triển lãm ảnh “Hà Nội - một thời để nhớ”. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân dịp chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Hai nhiếp ảnh gia trò chuyện bên các tác phẩm.
Nhiếp ảnh gia Lê Bích là người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, ông chứng kiến từng đổi thay của Thủ đô yêu dấu qua nhiều năm tháng. Còn nhiếp ảnh gia Andy Soloman đến từ Vương quốc Anh, lần đầu tiên đến Hà Nội vào tháng 10/1992. Ông sống tại Thành phố trong 7 năm, và thường xuyên quay lại trong những năm sau đó. Hà Nội để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong ông, và ông đã ghi lại cuộc sống của con người nơi đây vào thời khắc mà thành phố có những thay đổi sâu sắc, khi chính sách đổi mới được thực hiện.
Các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lê Bích mang lại cho người xem một cái nhìn hoài niệm và cảm xúc về cuộc sống trong thành phố, cùng những bước chuyển mình của Hà Nội qua các thời kỳ. Đó là những ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ trong giờ giải lao sau tiết học, là những cụ ông “rất Hà Nội” cùng nhau trên phố đi chúc Tết, là khung cảnh nghệ nhân truyền thần Bảo Nguyên đang vẽ chân dung trong một khung cảnh hết sức thanh bình trên phố, hay chỉ là khung cảnh đời thường ở một hiệu cắt tóc…
Những hình ảnh đó là những lát cắt của cuộc sống, cũng là một phần lịch sử của thành phố, nay đã trở thành những hoài niệm đẹp khi nhớ về Hà Nội một thời đã chưa xa.
Một số bức ảnh trưng bày tại triển lãm.
Cũng trân trọng những khoảnh khắc cuộc sống, nhưng nhiếp ảnh gia Andy Soloman lại đem đến cái nhìn độc đáo riêng. Hình ảnh người thợ vá xe trên phố, người bán hàng dọc phố Đồng Xuân… đi vào tác phẩm của ông rất sinh động. Và tất cả đều gợi lên nỗi nhớ về Hà Nội, khiến người ta cảm nhận rõ ràng, Hà Nội đúng là nơi bất cứ ai ra đi, đều mong muốn trở về…
Chia sẻ về những năm tháng gắn bó với Hà Nội, ông Andy Soloman cho biết: “Đến bất cứ nơi đâu ở Hà Nội, tôi đều được đón tiếp bằng lòng hiếu khách và sự tử tế. Khi nhìn lại những bức ảnh chụp vào thời điểm đó, tôi nhận ra rằng, đó chính là những ghi chép quan trọng về cuộc sống trong thành phố”. Ông Andy Soloman còn cho biết, ông rất vui nếu được gặp lại những nhân vật đã đi vào trong các tác phẩm của ông.
Hình ảnh những chiếc xe taxi ở Hà Nội năm 1993. (Ảnh: Andy Soloman)
Nói về việc tham gia triển lãm lần này, ông Andy Soloman vui vẻ cho biết: “Tôi rất vinh dự khi được mời tham gia triển lãm này. Những bức ảnh Hà Nội của tôi mang tính cá nhân sâu sắc, và tôi rất vui mừng khi có thể chia sẻ cùng với nhiếp ảnh gia Lê Bích.
Tình yêu của tôi dành cho thành phố này thật khó tả. Từ khoảnh khắc đầu tiên đặt chân đến Hà Nội, tôi đã bị cuốn hút bởi mảnh đất và sự ấm áp của con người nơi đây. Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, nhưng tôi không cho phép mình quên đi vẻ đẹp xưa cũ, tinh hoa của Hà Nội. Qua thời gian, tôi đã thực hiện những bộ ảnh ghi lại vẻ đẹp, tinh hoa và bản sắc của mảnh đất nghìn năm văn hiến”.
Còn nhiếp ảnh gia Lê Bích thì chia sẻ: “Tôi mong rằng, những bức ảnh này sẽ là một nốt trầm trong bài ca về Hà Nội, như một tia nắng chiều làm bừng sáng những cổng chùa cổ kính đã phai màu thời gian, như một bông cúc vàng trong vườn hoa bên hồ khi thu về... để chúng ta thêm yêu và trân trọng những gì mà Hà Nội đã và đang có hôm nay”.
Nghệ nhân vẽ truyền thần Nguyễn Bảo Nguyên trong căn nhà trên phố Hàng Ngang. (Ảnh: Lê Bích)
Những vẻ đẹp còn mãi với thời gian
Tại Triển lãm, Phó trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết: “Triển lãm thể hiện tình yêu nồng nàn của một người con sinh ra và lớn lên, chứng kiến từng đổi thay của Thủ đô yêu dấu. Đặc biệt hơn nữa, tình yêu Hà Nội còn len lỏi trong trái tim của những người bất chợt đến Hà Nội, vì cơ duyên nào đó mà lại lưu luyến không thôi, như trường hợp của nhiếp ảnh gia người Anh đang góp mặt tại triển lãm với những tác phẩm đầy cảm xúc”.
Là một trong những người đến tham quan triển lãm, đứng trầm ngâm rất lâu bên một bức ảnh, anh Nguyễn Hùng (sống ở phố Đội Cấn, Ba Đình) chia sẻ, anh rất ấn tượng với bức ảnh chụp người thợ mộc do nhiếp ảnh Andy Solomon chụp. “Chỉ khi hòa nhập, trân trọng, dành tình cảnh đủ sâu cho Hà Nội và con người Hà Nội, Andy Solomon mới có thể chụp được bức ảnh này. Bức ảnh toát lên vẻ đẹp của một người bình thường, làm công việc bình thường vô cùng mộc mạc, giản dị”, anh Hùng nhận xét.
Khách tham quan ngắm nhìn những bức ảnh Hà Nội xưa.
Cùng gia đình đến đến tham quan triển lãm, chị Mai Loan (sống ở quận Hai Bà Trưng) cũng hào hứng cho biết: “Ngắm nhìn các bức ảnh ở triển lãm, mình như được sống lại tuổi thơ, lòng tràn đầy những cảm xúc ấm áp, hoài niệm. Hà Nội xưa thật thanh bình, con người giản dị, khác hẳn với Hà Nội hiện đại, nhộn nhịp và phát triển như bây giờ”.
Cũng đến tham quan triển lãm, ông Nguyễn Trí (sống ở phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, dù đã cao tuổi, nhưng ông vẫn muốn đến tham dự triển lãm, để có thể ngắm nhìn, ôn lại những kỉ niệm xưa về Hà Nội nhân dịp 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Triển lãm ảnh “Hà Nội - Một thời để nhớ” như một cuốn nhật ký bằng ảnh đen trắng về Thủ đô trong vòng 30 năm, kể từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Đối diện với nhiều đổi thay, vẫn có những vẻ đẹp xưa cũ, nét tinh hoa còn đọng lại, và nhiếp ảnh là một trong những loại hình đã góp phần quan trọng trong việc lưu giữ khoảnh khắc.
Với những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc, triển lãm hứa hẹn sẽ là một điểm đến tham quan hấp dẫn cho cả người dân Thủ đô và du khách dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Triển lãm sẽ tiếp tục mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 31/10.
Hà Phong
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/co-mot-ha-noi-rat-doi-binh-di-qua-nhung-buc-anh-den-trang-178986.html