Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể trở thành những người khổng lồ về đổi mới. Ảnh: SCMP.
Ngay trước hạn chót ngày 9/7 để đạt được thỏa thuận về thuế quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố áp mức thuế mới đối với hàng hóa từ 14 quốc gia, trong đó có mức thuế 25% lên Nhật Bản và Hàn Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8. Động thái này một lần nữa khơi lại căng thẳng thương mại, vốn đã âm ỉ trong nhiều năm qua, giữa Mỹ và các đối tác kinh tế lớn tại châu Á.
Ông Donald Trump cáo buộc Nhật Bản không mua đủ gạo và ô tô từ Mỹ, bất chấp thực tế rằng ngành công nghiệp ô tô Mỹ gần như không có tính cạnh tranh tại Nhật Bản. Hiện tại, bốn quốc gia dẫn đầu xuất khẩu ô tô thế giới là Đức, Nhật Bản và Trung Quốc, cùng với Hàn Quốc, chiếm lĩnh phần lớn thặng dư thương mại ngành ô tô toàn cầu. Trong khi đó, Mỹ lại duy trì mức thâm hụt cao trong lĩnh vực này.
Sự vươn lên mạnh mẽ của Nhật Bản từng được minh chứng rõ nét qua các thương hiệu mang tính biểu tượng toàn cầu như Sony và Toyota. Mặc dù vị thế dẫn đầu của Sony trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng đã bị Samsung vượt mặt, Toyota vẫn là một trong những hãng xe uy tín và được tin cậy nhất thế giới. Ở mảng xe điện (EV), các công ty Trung Quốc như BYD đang nổi lên như những đối thủ đáng gờm của Tesla, góp phần tái định hình cuộc đua EV toàn cầu.
Mô hình tăng trưởng kinh tế Đông Á dựa trên xuất khẩu đã đưa các nền kinh tế này khởi đầu từ những sản phẩm thâm dụng lao động như dệt may, giày dép, tiến đến các ngành công nghệ cao như máy ảnh, điện thoại thông minh, xe hơi và hiện nay là AI cùng xe điện.
Trung Quốc vượt qua cạnh tranh chi phí thấp, hướng đến tự chủ công nghệ
Khác với Nhật Bản và Hàn Quốc – nơi sản xuất chủ yếu dựa trên công nghệ nội địa – Trung Quốc lâu nay đóng vai trò là nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) cho các thương hiệu toàn cầu. Laptop và smartphone chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, nhưng phần lớn trong số này được sản xuất cho các công ty nước ngoài. Bất chấp những yếu tố địa chính trị và chi phí sản xuất, vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn khó có thể thay thế trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn cạnh tranh nhờ chi phí lao động thấp. Khi các ngành sản xuất thâm dụng lao động dịch chuyển sang Đông Nam Á, Nam Á và các khu vực có chi phí thấp hơn, Trung Quốc vẫn duy trì vị thế cường quốc sản xuất nhờ chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ và sự chuyển dịch nhanh sang tự động hóa. Hiện Trung Quốc xếp thứ ba thế giới, chỉ sau Hàn Quốc và Singapore, về tốc độ ứng dụng robot công nghiệp, vượt qua cả Đức và Nhật Bản.
Trong quá khứ, Mỹ từng dành cho Nhật Bản và Hàn Quốc quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường Mỹ vì lý do chiến lược thời Chiến tranh Lạnh. Đối với Trung Quốc, cách tiếp cận của Washington khác hẳn khi liên tục dựng lên các hàng rào thương mại nhằm hạn chế Bắc Kinh. Dù vậy, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại với Mỹ sớm hơn Nhật Bản và Hàn Quốc, một phần nhờ vào đòn bẩy thương mại qua lại. Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc về khoáng sản đất hiếm và nhiều sản phẩm công nghệ.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc tạo nên chuỗi giá trị
Giống như Thung lũng Silicon ở Mỹ, đổi mới công nghệ Trung Quốc tập trung ở một số khu vực. Trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, ba trong năm cụm khoa học-công nghệ hàng đầu thế giới thuộc về Trung Quốc, bao gồm Thâm Quyến-Hồng Kông-Quảng Châu, Bắc Kinh và Thượng Hải-Tô Châu. Trung Quốc có 26 cụm đổi mới lọt top 100 toàn cầu, trong khi Mỹ có 20. Khu vực Vịnh Lớn (Greater Bay Area) được kỳ vọng sẽ đóng vai trò trọng yếu trong chiến lược phát triển đổi mới sáng tạo của Trung Quốc thời gian tới.
Đáng chú ý, cả năm cụm khoa học-công nghệ lớn nhất thế giới đều nằm ở Đông Á, với Tokyo-Yokohama đứng đầu và Seoul đứng thứ tư. Với nền tảng này, Trung Quốc hoàn toàn có thể tăng cường hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc để đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ khu vực.
Một mô hình hợp tác tương tự Liên minh châu Âu có thể được triển khai, với các trung tâm nghiên cứu đa quốc gia đặt tại Seoul, Tokyo và Bắc Kinh, tập hợp các chuyên gia hàng đầu thế giới về robot, pin xe điện, AI và vật liệu mới.
Trong quá khứ, các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản luôn cạnh tranh khốc liệt, nhưng đằng sau đó là những điểm bổ sung cho nhau trong chuỗi giá trị. Ngày nay, linh kiện từ Nhật Bản và Hàn Quốc được tích hợp trong sản phẩm cuối cùng sản xuất tại Trung Quốc, tạo nên chuỗi giá trị vượt qua mọi biên giới quốc gia.
Nếu các cường quốc kinh tế Đông Á có thể gạt bỏ những mâu thuẫn lịch sử để cùng hợp tác đổi mới, họ sẽ trở thành lực lượng không thể ngăn cản, định hình lại trật tự công nghệ và kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21.
Theo SCMP
Tiến Dũng