Cơ sở vật chất nhiều trường chất lượng cao tại Hà Nội xuống cấp

Cơ sở vật chất nhiều trường chất lượng cao tại Hà Nội xuống cấp
10 giờ trướcBài gốc
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay một số trường công lập chất lượng cao không duy trì được ưu thế và sức hút, một phần do cơ sở vật chất xuống cấp.So với các trường công lập đại trà được đầu tư mới, các trường chất lượng cao không đồng bộ và hiện đại bằng.
Báo cáo chỉ ra: "Có trường còn rất hạn chế về diện tích, chưa đảm bảo chuẩn quốc gia. Điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng đến việc tổ chức hoạt động dạy và học theo mô hình chất lượng cao".
Một số trường công lập chất lượng cao ở Hà Nội hiện nay không duy trì được ưu thế và sức hút, một phần do cơ sở vật chất xuống cấp (Ảnh minh họa).
Một số trường có cơ sở vật chất xuống cấp, không đồng bộ cả về số lượng lẫn chất lượng, như các phòng chức năng, phòng học đã sử dụng lâu năm, trang thiết bị hết niên hạn mà chưa được thay thế kịp thời. Ví dụ, tại các trường như Mầm non B, Mầm non Việt Triều Hữu Nghị, Mầm non Mai Dịch, Mầm non 20-10 và Mầm non Đô thị Việt Hưng là những trường có cơ sở vật chất chưa đạt yêu cầu.
Ở các cấp học cao hơn, Trường THPT Lê Lợi (trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo) cũng nằm trong nhóm các trường có cơ sở vật chất xuống cấp. Hiện nay, trường đang cải tạo, tuy nhiên học sinh phải học tại cơ sở tạm thời, không đảm bảo điều kiện về không gian, trang thiết bị, thiếu phòng thực hành, thiết bị giảng dạy chưa đầy đủ.
Ngoài vấn đề cơ sở vật chất, một số trường còn bị chỉ trích vì tuyển sinh vượt quá sĩ số quy định. Như Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi sao Hà Nội và Trường Tiểu học Tràng An. Mô hình chất lượng cao chỉ cho phép tối đa 30 học sinh/lớp ở bậc tiểu học, nhưng Trường Ngôi sao Hà Nội lại tuyển 34-35 học sinh/lớp, trong khi Trường Tràng An có 2 năm học liên tiếp tuyển 31-32 học sinh/lớp.
Thêm vào đó, một số trường chất lượng cao bố trí số lượng giáo viên đứng lớp chưa đủ theo quy định. Chẳng hạn, 7/7 trường mầm non công lập chất lượng cao và các trường như Trường Tiểu học Nam Từ Liêm (1,37 giáo viên/lớp), Trường THCS Nam Từ Liêm, Trường THCS Thanh Xuân, Trường THCS Chu Văn An, Long Biên (1,63-1,85 giáo viên/lớp), Trường THPT Lê Lợi, Hà Đông (1,65 giáo viên/lớp) đều không đạt tỷ lệ giáo viên/lớp như yêu cầu.
Đáng chú ý, cả 7/7 trường mầm non chất lượng cao đều có tỷ lệ tuyển sinh thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân của sự xuống cấp cơ sở vật chất một phần đến từ việc công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục tại các trường chất lượng cao đang bị ràng buộc bởi các quy định áp dụng chung cho các trường công lập sử dụng ngân sách Nhà nước.
Loạt trường đại học công bố điểm sàn đánh giá năng lực năm 2025
Nghệ An áp dụng loạt biện pháp an toàn sau sự cố tai nạn liên quan công trình trường học
Dù có đặc thù riêng về chương trình giảng dạy nâng cao, các trường chất lượng cao vẫn phải tuân thủ định mức chi tiêu và quy trình mua sắm như các đơn vị công lập thông thường, dẫn đến khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Ví dụ, theo quy định hiện hành, việc mua sắm máy tính không được vượt quá định mức 15 triệu đồng. Tuy nhiên, các môn học ứng dụng công nghệ như thiết kế đồ họa, lập trình, AI, STEM... yêu cầu máy tính có cấu hình cao, vượt qua mức giá quy định.
Các trường chất lượng cao chưa được trao quyền tự chủ trong đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, ngay cả khi có nguồn kinh phí hợp pháp từ thu hợp đồng hoặc xã hội hóa. Điển hình là Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa dù có năng lực tài chính để cải tạo và mở rộng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, nhưng trường không thể triển khai dự án do không có quyền quyết định đầu tư.
Tính đến thời điểm hiện tại, trong số 17 trường công lập chất lượng cao tại Hà Nội, 16 trường đã chuyển sang mô hình tự chủ tài chính. Trường THCS Chu Văn An dự kiến sẽ chuyển sang mô hình tự chủ vào tháng 8 năm nay.
Tuy nhiên, chương trình xây dựng trường chất lượng cao giai đoạn 2016-2020 của Thành ủy Hà Nội chỉ đạt 60% mục tiêu. Từ năm 2016 đến nay, chỉ có 12/20 trường được công nhận trường chất lượng cao, và một số quận, huyện như Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ vẫn chưa xây dựng được trường chất lượng cao.
Phượng Nguyễn
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/co-so-vat-chat-nhieu-truong-chat-luong-cao-tai-ha-noi-xuong-cap-192250707201755335.htm