Mạng xã hội những ngày qua truyền tay nhau chia sẻ bức ảnh chụp tin nhắn của con gái với bố kèm dòng trạng thái 'xót xa', thu hút sự quan tâm và bàn luận từ đông đảo cộng đồng mạng:
"Làm cha mẹ đã không cho con được cuộc sống hạnh phúc giờ đến tình cảm dù ít ỏi cũng không cho con bé được cảm nhận.
Tôi luôn lo cho con đầy đủ nhưng tháng này có lẽ con bé thấy mẹ xoay sở khó khăn vì hàng bán chậm, mối hàng giục tất toán để hết năm nên nó xin bố tiền học thêm thì bố nó nói thế này.
Nó năm nay lớp 7, càng ngày càng thu mình ít nói, gia đình lại vụn vỡ, tình thương từ cha cũng không có, thực sự tôi có nói bao nhiêu lần tôi yêu con bé thì đối với nó tuổi thơ vẫn vô cùng tồi tệ".
Ảnh chụp màn hình tin nhắn của hai bố con trong câu chuyện (ảnh do người mẹ chia sẻ trên MXH)
Theo chia sẻ người mẹ có tên tài khoản là H.N., cô con gái lễ phép nhắn tin xin bố tiền học tiếng Anh, số tiền tổng cộng là 8 triệu đồng cho cả 2 chị em. Thay vì đáp lại bằng sự thấu hiểu, người cha trả lời đầy phũ phàng: "Bố gửi tiền em... thôi. Đúng lý là bố nuôi em.... còn mẹ nuôi con nhưng mẹ con đòi nuôi cả hai cho nên bố chỉ trả tiền học em thôi. Còn tiền của con mẹ sẽ trả nhé. Con dặn mẹ sống tiết kiệm vào chi tiêu phung phí rồi đến lúc cần không xoay sở được."
Dù không phải là cô bé trong đoạn tin nhắn trên song chắc hẳn bất kể ai cũng có thể đoán biết được cảm xúc của em khi đọc dòng tin nhắn ấy của bố mình. Những dòng chữ lạnh lùng của người bố chắc hẳn đã khiến cô gái lớp 7 cảm thấy bẽ bàng, xót xa, tủi phận, nhất là khi đang trong giai đoạn dậy thì - độ tuổi nhạy cảm hơn bao giờ hết.
Câu trả lời dửng dưng của người bố không chỉ phản ánh sự vô trách nhiệm của người làm cha mà còn để lại những tổn thương nặng nề trong lòng đứa trẻ, điều mà có lẽ người bố khó lòng thấu hiểu. Và chắc chắn, những tổn thương này sẽ khó có thể chữa lành;
Những dòng chia sẻ trên của người mẹ đã khiến cộng đồng mạng không khỏi chạnh lòng, xót xa trước hoàn cảnh của hai mẹ con. Đặc biệt, những lời lẽ dè dặt "được không ạ" của cô bé gái hiểu chuyện nhưng lại thiếu vắng sự quan tâm và tình yêu thương từ người bố, càng làm nhiều người thương cảm.
"Không biết điều kiện kinh tế tài chính ông bố như nào, nhưng nói ra mấy câu đấy với con mình thì tệ quá. Tổn thương nhất vẫn là những đứa trẻ! Có những điều phải suy nghĩ ti tỉ lần để quyết định. Nhưng thứ duy nhất cần níu giữ, bảo vệ khỏi những tổn thương, những sóng gió là những đứa trẻ. Tình thương của mẹ sẽ bù đắp tất cả, cả phần của người cha vô tâm kia nữa. Hi vọng rằng các con dù bằng cách này hay cách khác đều sẽ được trọn vẹn đủ đầy". - một độc giả đã bày tỏ quan điểm.
Nhiều cư dân mạng cho rằng, dù khó khăn nhưng có nhiều cách nói khác để không làm đau lòng con trẻ.
Một người dùng mạng đã chia sẻ một lời nhắn rất tử tế mà đáng lẽ người bố trong trường hợp này phải nói với con: "Việc của các con là cố gắng học thật tốt, còn tiền nuôi các con ăn học bố mẹ sẽ lo và sẽ trao đổi riêng với nhau, các con đừng lo vấn đề đấy."
Và sau tin nhắn với con, ông bố này có thể trao đổi riêng với vợ cũ về những khó khăn của mình, thậm chí cả về sự rạch ròi trong trách nhiệm của bố mẹ đối với con sau ly hôn.
Nhưng khẳng định lại, những thông tin này chỉ nên trao đổi riêng giữa bố và mẹ, không nên để những đứa trẻ trong hoàn cảnh bố mẹ li hôn phải thêm một lần nữa đau lòng khi đối diện với sự đổ vỡ, thiếu hụt của gia đình.
Làm cha mẹ không đơn thuần là trách nhiệm tài chính mà còn là sự đồng hành và yêu thương trong từng giai đoạn cuộc sống của con. Cha mẹ, dù không còn là vợ chồng, vẫn phải là điểm tựa để con có thể phát triển lành mạnh.
Người bố trong câu chuyện có thể có những lý do riêng, như áp lực tài chính hoặc bất đồng với người mẹ. Nhưng điều đó không thể biện minh cho thái độ lạnh nhạt, phũ phàng chối bỏ trách nhiệm với con gái.
Ở một góc độ khác, độc giả cũng đặt câu hỏi về phía người mẹ. Liệu người mẹ có biết được việc con gái mình sẽ hỏi xin tiền bố không? Nếu không biết, người mẹ có thể được coi là không có lỗi trong việc cô con gái bị tổn thương.
Nhưng cũng không loại trừ trường hợp có thể người mẹ đã dùng con để làm "công cụ" cho mình. Trong trường hợp người mẹ thiếu tiền, "mượn tay" con gái hỏi xin chồng cũ, khiến con phải chứng kiến sự lành lùng này, thì người mẹ cũng có lỗi rất lớn. Bởi hơn ai hết, chính mẹ sẽ là người hiểu nhất sự nhạy cảm, dễ tổn thương của con gái trong độ tuổi dậy thì. Mẹ cũng không thể bắt con gái nhỏ phải xử lý khó khăn mà trách nhiệm thuộc về mẹ, khiến con rơi vào tình thế bị tổn thương.
Việc sinh con ra là sự lựa chọn của các bậc làm cha mẹ. Cho con phát triển trong hoàn cảnh nào cũng là sự lựa chọn của cha mẹ, con cái không có quyền đòi hỏi. Do vậy, việc nuôi con, chi phí cho các hoạt động của con cũng là trách nhiệm của cha mẹ.
Chi phí cho con như thế nào, tiền ăn, tiền học, tiền sinh hoạt... sẽ được các bố mẹ chi trả theo khả năng của mình. Không nên để trẻ con phải chứng kiến việc bố mẹ chi tiền cho mình như một cách để "nhớ ơn", rạch ròi bổn phận.
Trong những trường hợp bố mẹ khó khăn, khi con đang trong độ tuổi chưa thể kiếm tiền, bố mẹ cũng chỉ nên chia sẻ tâm sự một phần để con hiểu những thay đổi con phải làm quen nếu có, chứ không phải là chia sẻ khiến con cảm thấy áp lực, cảm thấy có lỗi vì số tiền bố mẹ phải chi cho mình.
Người ta vẫn thường chê bai những đứa con bất hiếu khi tính toán chi li việc phân chia nuôi cha mẹ. Những người đang làm cha mẹ theo kiểu tính toán chi li rạch ròi với con, liệu có phải là một "tấm gương" để con cái "cân đo" lại với cha mẹ khi về già?
Minh Vũ