Vợ chồng cô Lê Thị Điền nay đã đuề huề con cháu - Ảnh: Q.H
Dành tuổi xuân cho núi rừng
“Thế là Đồng Hới Quảng Bình/ Đông Hà Quảng Trị chúng mình quê chung/... Các em chung một ngôi trường/Bắc Nam chung một dặm đường vô ra/Bây giờ, ta lại về ta/Quảng Bình Quảng Trị, một nhà yêu thương”. Đó là những vần thơ của thầy Nguyễn Thanh Chí (SN 1968), trú tại Khóm 3B, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (nay là xã Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị).
Hôm hay tin hai tỉnh Quảng Trị - Quảng Bình chính thức về chung một nhà, trái tim đã thôi thúc thầy viết nên những vần thơ dạt dào cảm xúc. “Là một người con Quảng Bình nhưng tôi lại có đến 43 năm sinh sống, trồng người ở vùng cao Quảng Trị. Vì thế, đối với tôi, thời khắc này rất đặc biệt. Tôi muốn dùng những câu thơ để nói hộ lòng mình”, thầy Chí chia sẻ.
Năm 1982, chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Chí từ Quảng Bình hăm hở lên vùng cao Hướng Hóa công tác. Sinh ra, lớn lên giữa muôn vàn khó khăn, người thanh niên này hiểu rõ ước mong của những học sinh nghèo. Vì thế, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Hới, thầy Chí đã tình nguyện “cõng chữ” lên non dù lúc đó rất nhiều người ngăn cản vì Hướng Hóa là vùng rừng thiêng, nước độc.
Một số người trẻ giống thầy Chí từng mang bầu nhiệt huyết lên đây, rồi vội vã tìm đường về quê vì sợ những trận sốt rét rừng, sợ cả sự bủa vây của cái nghèo, cái khổ... Trước khi đi, dù đã lường trước những khó khăn nhưng thử thách trong thực tế lại lớn hơn nhiều so với suy nghĩ của thầy Chí. Thứ níu chân thầy lại là ánh mắt khát khao con chữ của các em nhỏ. Thầy Chí như gặp lại mình trong những ánh mắt ấy.
Không chỉ những chàng trai sức dài, vai rộng, con đường lên với vùng cao Quảng Trị của các giáo viên Quảng Bình còn có những cô gái dẫu vóc dáng nhỏ bé nhưng mang trong mình ý chí, quyết tâm phi thường. Cô Lê Thị Điền (SN 1962) là một trong số đó. Cô Điền sinh ra, lớn lên ở Tuyên Hóa, Quảng Bình, từng trải những ngày đói cơm, khát chữ. Khi biết cô chọn nghề giáo để gửi gắm ước mơ, ba mẹ động viên: “Cố lên con! Kiếm cái nghề để không còn quẩn quanh ở chốn núi rừng này”.
Nhưng khi con báo tin sẽ đến vùng cao Quảng Trị công tác, ba mẹ cô không khỏi sốc. “Ngày tôi lên đường, ba mẹ nước mắt ngắn dài, thậm chí còn xem như mất đi... đứa con gái. Được một thời gian, ba lặn lội tìm vào thăm tôi, thấy con sống cảnh nhà tranh, vách nứa, ăn cơm độn khoai, sắn..., ông nhất quyết kéo về. Khi nghe tôi hỏi: “Nếu người nào cũng về thì lấy ai ở lại, giúp đỡ đồng bào nơi đây?”, ông lặng lẽ buông tay”, cô Điền kể.
Cô Phan Thị Pháp và chồng cùng nhau nhen lên ngọn lửa hạnh phúc trong những ngày gian khó nhất - Ảnh: Q.H
Kỷ niệm của cô Điền, thầy Chí chỉ là hai trong số hàng ngàn câu chuyện liên quan đến các thầy cô giáo ở Quảng Bình chọn vùng cao Quảng Trị để gửi gắm tuổi xuân. Cách đây 53 năm, sau ngày Quảng Trị được giải phóng, một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu của chính quyền cách mạng lúc bấy giờ là đẩy lùi giặc dốt. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và của cách mạng miền Nam, hàng trăm cán bộ, giáo viên, sinh viên 17 tỉnh miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã xung phong lên đường. Trong số họ, nhiều người sinh ra, lớn lên ở Quảng Bình.
Đến Quảng Trị, phần lớn giáo viên Quảng Bình đều tình nguyện lên huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông công tác dẫu biết đây là vùng đi dễ, khó về. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, các thầy cô dựng lớp, dựng trường để tiếng ê a học chữ vọng vang khắp đại ngàn.
Ngày dạy em thơ, tối đến, họ lại góp sức xóa mù chữ cho người lớn. Cứ thế, theo thời gian, con chữ không còn xa lạ với đồng bào nơi đây. Để đổi lại thành quả giáo dục ban đầu ấy, ít ai biết, các thầy cô đã đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt. Thậm chí, một số người đã mãi mãi ra đi sau những trận sốt rét rừng, cơn lũ dữ...
Cống hiến đến trọn đời
Đến vùng cao Hướng Hóa, Đakrông hôm nay, không khó để tìm gặp, chuyện trò với những giáo viên quê ở tỉnh Quảng Bình. Đón khách trong căn nhà tinh tươm gần Trường THPT Hướng Hóa, thầy Chí cho biết, đến giờ, mỗi lần nghe tiếng trống báo giờ lên lớp, vợ chồng thầy vẫn rộn ràng cảm xúc khó tả. Ngày xưa, thời mới lên Hướng Hóa công tác, những giáo viên như thầy Chí, cô Hảo (vợ thầy) chính là “tiếng trống” của học sinh.
Mỗi lần thấy lớp trống chỗ, các thầy cô thường phải về nhà, thậm chí lên rẫy tìm trò. Đáp lại sự vất vả ấy đôi khi là những lời nói thật thà nhưng đầy xa xót của phụ huynh, học sinh: “Đói ăn thì chết, đói chữ không sao”; “Em thích cái chữ nhưng cái chữ không thích em”... Nghe thế, họ lại ngồi xuống, kiên trì giải thích, động viên, dùng mọi cách “kéo” học trò về lớp.
Theo dòng trò chuyện, thầy Chí kể, năm 1985, mình được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cử vào Huế học lớp cử nhân chính trị. Vô tình, thầy gặp cô Mạnh Thị Hảo, một người bạn đồng hương, từng học cùng khóa thời THPT, bấy giờ đang là giáo viên ở vùng cao A Lưới, Thừa Thiên Huế. Mỗi lần gặp nhau, những câu chuyện của họ về trường, lớp, học sinh... dường như không dứt. Trở về đơn vị công tác sau tháng ngày học tập, những bức thư tay cùng sự đồng cảm nghề nghiệp tiếp tục kết nối họ.
“Năm 1987, vợ chồng tôi nên duyên. Một năm sau, vợ tôi chuyển từ A Lưới về Hướng Hóa công tác, rồi sinh con, đẻ cái. Từ đó, chúng tôi càng quyết tâm ở lại mảnh đất này, như một sự tri ân”, thầy Chí trải lòng.
Vợ chồng thầy Nguyễn Thanh Chí cùng gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi đại ngàn Quảng Trị - Ảnh: Q.H
Cũng như vợ chồng thầy Chí, đến giờ cô giáo Điền vẫn thầm cảm ơn sự lựa chọn không toan tính của mình 44 năm trước. Bởi, một năm sau khi lên trồng người ở Hướng Hóa, cô lại có duyên gặp thầy Trần Minh Thái, một người đồng nghiệp, đồng hương và sau này là tri kỷ của đời mình.
Cùng với nhau, bước chân họ đã đến nhiều bản làng để gieo những con chữ nghĩa tình. Sau này, dù đã chuyển sang làm cán bộ quản lý, từng là Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đakrông, chồng của cô Điền vẫn luôn nặng lòng với sự nghiệp trồng người. Cô Điền cho biết: “Giờ đây, tuy đều đã tuổi hưu nhưng vợ chồng tôi vẫn được mọi người gọi bằng tiếng thầy, cô trìu mến. Đó có lẽ là món quà ý nghĩa nhất đối với chúng tôi khi đã đến gieo chữ, rồi ở lại, cống hiến cho mảnh đất này”.
Trong số các giáo viên ở Quảng Bình lên vùng cao Quảng Trị dạy chữ, một số thầy, cô giáo đã trở thành những chàng rể, nàng dâu quý của bản làng. 21 tuổi, cầm tấm bằng tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Bình Trị Thiên lên bản Khe Ngài, cô Phan Thị Pháp (SN 1962), quê ở Đồng Hới, Quảng Bình sững sờ vì không thấy trường lớp, học trò đâu.
Nén âu lo vào lòng, cô vận động thanh niên trong bản vào rừng đốn gỗ, đánh tranh, đan phiên... để dựng trường, rồi gõ cửa từng nhà vận động các em nhỏ đến lớp. Công việc ấy quá sức đối với một thiếu nữ miền xuôi nếu thiếu sự giúp đỡ của Bí thư Chi đoàn thôn Khe Ngài - Hồ Ngọc Vui (SN 1959).
Sau này, trong quá trình dạy học ở bản rồi được tăng cường đến vùng xa hơn, cô Pháp được an ủi, động viên phần nào nhờ sự quan tâm của anh Vui. Từ đây, trái tim họ dần đồng điệu. “Để có cuộc hôn nhân này, chúng tôi đã vượt qua rất nhiều lời cấm cản và cả những quan niệm cũ, lạc hậu. Trở thành nàng dâu của bản Khe Ngài, tôi ý thức hơn nhiệm vụ của mình, miệt mài gieo chữ cho đến ngày nghỉ hưu. Hiện tại, con trai, con gái của tôi đều theo nghề giáo của mẹ”, cô Pháp bật mí.
Hôm nay, hai tỉnh Quảng Trị - Quảng Bình chính thức về chung một nhà. Nhiều địa danh năm xưa giờ không còn hoặc đã có sự đổi thay. Trong vòng xoay bất tận của thời gian, hầu hết giáo viên quê ở tỉnh Quảng Bình mấy chục năm về trước lên với vùng khó Quảng Trị đều đã rời bục giảng. Trong số họ, một số thầy cô vẫn mạnh khỏe nhưng cũng có người đã yên nghỉ giữa núi rừng, để lại những “tượng đài” trong lòng dân bản. Dẫu vậy, hành trình của họ không dừng lại mà vẫn đang được viết tiếp bởi chính con em, học trò mình.
Ngọn lửa tri thức cứ thế tiếp tục lan tỏa khắp đại ngàn.
Quang Hiệp