Ngay từ khi khởi công đến nay, Cơ quan Thường trực và Tổ chuyên gia của Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (Hội đồng) đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra nghiên cứu hồ sơ, kiểm soát công tác thi công của chủ đầu tư, nhà thầu trên công trường, để đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án.
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất thi công vượt tiến độ
Công trình nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đang tăng tốc thi công vào những ngày cuối năm 2024, đầu năm 2025. Khi hoàn thành ga T3 sẽ là nhà ga có quy mô phục vụ khách nội địa lớn nhất cả nước, với lưu lượng vận chuyển 20 triệu hành khách/năm, tương ứng với 7.000 hành khách/giờ cao điểm. Công trình giúp giảm tải cho nhà ga T1 Tân Sơn Nhất, đồng thời chia sẻ sản lượng khai thác với sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai).
Dự án có 4 hạng mục chính là nhà ga hành khách; nhà để xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không; nhà cơ điện và hệ thống cầu cạn, sân đỗ máy bay, hạ tầng ngoài nhà. Trong đó, nhà ga hành khách T3 được thiết kế 1 tầng hầm và 4 tầng nổi với tổng diện tích sàn xây dựng 112.500 m2... Nhà ga kết nối với vị trí sân đỗ máy bay bằng 11 cầu ống lồng dẫn khách. Bên trong có 89 quầy thủ tục hàng không, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động và 42 kiosk check-in, 26 cửa ra tàu bay (trong đó 13 cửa bằng ống lồng và 13 cửa bằng xe bus), 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách (gồm 18 cửa phục vụ khách phổ thông, 7 cửa và 1 khu riêng biệt phục vụ khách VIP, hạng thương gia và khách ưu tiên).
Thời điểm trước Tết, trên công trường, chủ đầu tư và nhà thầu nỗ lực bám sát tiến độ, chỉ đạo công nhân khẩn trương hoàn thành hạng mục hoàn thiện kết cấu bê tông, kết cấu thép, mái nhôm, mái thép, vách kính mặt dựng, sàn đá… của nhà ga T3. Phần trần nhà ga hành khách dự kiến được hoàn thành toàn bộ vào 29/01/2025. Các hệ thống thiết bị, thang máy thang cuốn, ống lồng, băng tải hành lý… đang được thi công bám sát tiến độ.
Sân đỗ máy bay hoàn thành 100% và đang tiến hành các thủ tục nghiệm thu. Các hạng mục chính khác như nhà để xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không đã hoàn thành đổ bê tông thô, xây thô kiến trúc đạt 100%, hoàn thiện kiến trúc đạt 65%... Hạng mục nhà cơ điện (UC) đã hoàn thành phần xây lắp, đang hoàn thiện lam nhôm mặt ngoài.
Ông Lê Khắc Hồng - Trưởng ban quản lý dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cho biết: Công tác thi công phần thân công trình đang kiểm soát, tổng khối lượng thực hiện đạt khoảng 83%; phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình trước 30/4/2025, để vận hành và đưa nhà ga vào khai thác đúng dịp 30/4/2025 (vượt tiến độ 2 tháng).
Nhà thầu nỗ lực bám tiến độ trên công trường dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Nỗ lực vượt khó thi công Cảng hàng không Long Thành giai đoạn 1
Dự án Cảng hàng không Long Thành giai đoạn 1 khởi công ngày 05/01/2021, được đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách. Công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu hàng hóa/năm; đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế.
Nhà ga của sân bay được thiết kế xây dựng và áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không, lựa chọn chủng loại vật liệu theo xu hướng áp dụng cho các nhà ga hàng không hiện đại trên thế giới, bảo đảm độ bền, tính thẩm mỹ và đặc tính của nhà ga hàng không.
Dự án được chia làm 4 dự án thành phần, bao gồm: Dự án thành phần 1 là các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, công an, công an cửa khẩu, cảng vụ, kiểm dịch y tế; dự án thành phần 2 là các công trình phục vụ quản lý bay; dự án thành phần 3 là các công trình thiết yếu và dự án thành phần 4 là các công trình khác.
Đến thời điểm này, dự án thành phần 1 đang được các chủ đầu tư tổ chức triển khai theo kế hoạch. Dự án thành phần 2 do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư với 9 hạng mục. Trong đó, tiến độ thi công ở hạng mục đài kiểm soát không lưu và các hạng mục phụ trợ đã thi công đạt khoảng 95% phần thô bê tông cốt thép; các hạng mục nhà kỹ thuật đang thi công phần bê tông cốt thép đạt khoảng 90%.
Dự án thành phần 3 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, gồm các hạng mục: Đường cất hạ cánh dài 4.000 m, chiều rộng 75 m; hệ thống đường lăn; sân đỗ tàu bay; san nền mặt bằng, hàng rào và hệ thống thoát nước; đường công vụ khu bay, hệ thống đường nội cảng, bãi đỗ ôtô, hệ thống cầu cạn… Nhà ga hành khách; công trình hạ tầng kỹ thuật; công trình phụ trợ; tòa nhà điều hành cảng; hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường cao tốc phía ngoài.
Riêng gói thầu nhà ga hành khách, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục kết cấu thép nhà ga và sớm hoàn thiện, phê duyệt biện pháp thi công lắp đặt mái nhà ga để triển khai thực hiện, sớm hoàn thành công trình theo kế hoạch.
Dự án thành phần 4 bao gồm các công trình phục vụ bảo trì phương tiện mặt đất, vệ sinh tàu bay… Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đang tổ chức thực hiện thủ tục về lựa chọn nhà đầu tư các hạng mục công trình của dự án này.
Việc xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất mang ý nghĩa chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây là các dự án hạ tầng quan trọng, giúp nâng cao năng lực vận tải hàng không, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giao thương, du lịch và đầu tư. Sân bay Long Thành dự kiến trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Trong khi đó, nhà ga T3 giúp giảm tải cho Tân Sơn Nhất, tăng hiệu quả hoạt động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thực hiện nghiêm túc công việc kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn kỹ thuật phức tạp được Thủ tướng Chính phủ giao, năm 2024, Hội đồng tổ chức kiểm tra 43 công trình, trong đó chủ yếu là các công trình giao thông.
Ngọc Hà