Thung lũng Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, vùng Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn. Ảnh: Thuan Bui
Hiện mạng lưới tổng số Công viên địa chất toàn cầu UNESCO là 229 tại 50 quốc gia. Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn là địa danh thứ ba của Việt Nam được công nhận sau Cao Bằng và Đắk Nông.
Hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai, huyện Bình Gia, vùng Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn, là di tích khảo cổ học cổ sinh quan trọng phát hiện những dấu tích của người và động vật cổ. Ảnh: Thuan Bui
Nằm ở vùng biên giới phía Bắc, công viên Lạng Sơn trải rộng trên các dãy núi đá vôi kỳ vĩ, ghi lại những dấu ấn lịch sử địa chất kéo dài hàng trăm triệu năm. Từ tàn tích của đáy biển cổ đại với hóa thạch trilobite và graptolite, đến các lớp đá núi lửa, phiến sét, sa thạch và đặc biệt là bồn trũng Na Dương, nơi chứa đựng hệ sinh thái nhiệt đới phong phú từ 40 triệu năm trước, công viên là kho tư liệu sống động về sự hình thành và tiến hóa của Trái đất.
Các hóa thạch được tìm thấy ở đây cho thấy một hệ sinh thái nhiệt đới tươi tốt, giàu thực vật và động vật, đồng thời cung cấp những hiểu biết quan trọng về cách động vật có vú di chuyển giữa các lục địa. Địa chất đặc biệt của khu vực này cũng ảnh hưởng đến nông nghiệp địa phương, với đất giàu khoáng chất hỗ trợ các loại cây trồng như na và hồi.
Hang Khuôn Bồng, huyện Bắc Sơn, vùng Công viên Địa chất toàn cầu Lạng Sơn. Ảnh: Ta Thanh Sang
Khối núi đá vôi Bắc Sơn – một dãy núi nổi bật được hình thành từ các trầm tích đáy biển cổ đại – hé lộ dấu vết của một số cư dân đầu tiên của Việt Nam, với các công cụ bằng đá, đồ tạo tác bằng gốm và các địa điểm chôn cất cung cấp cái nhìn tổng quan về cuộc sống thời tiền sử.
Không chỉ có giá trị về mặt địa chất, khu vực này còn là nơi cộng sinh của các yếu tố văn hóa – lịch sử đặc sắc, không gian sinh tồn lâu đời của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Dao và Kinh. Văn hóa bản địa được bảo tồn và lan tỏa thông qua các lễ hội, phong tục, ẩm thực, nghề thủ công. Đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu và hát Then - đàn tính, hai di sản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chính sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người khiến Lạng Sơn trở thành một “bảo tàng sống” của cả địa chất và văn hóa.
Phja Pò, đỉnh núi cao nhất thuộc quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ của dãy Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Minh Đức
Với cảnh quan hùng vĩ, hệ sinh thái phong phú và di sản văn hóa đặc sắc, Lạng Sơn có thể trở thành điểm đến du lịch sinh thái – trải nghiệm – học tập hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Mô hình phát triển công viên địa chất đặt trọng tâm vào sự tham gia của cộng đồng địa phương, từ việc làm hướng dẫn viên, phát triển homestay, sản phẩm thủ công truyền thống, đến cung cấp dịch vụ trải nghiệm văn hóa… Tất cả đều góp phần nâng cao sinh kế và ý thức bảo vệ môi trường. Khi người dân trở thành “người kể chuyện” của chính vùng đất mình, quá trình bảo tồn sẽ không còn là trách nhiệm từ trên xuống mà là hành động chủ động từ cộng đồng.
Việc UNESCO công nhận Lạng Sơn cũng là bước đi phù hợp với định hướng phát triển du lịch xanh, du lịch gắn với bản sắc địa phương của Việt Nam. Trong bối cảnh du lịch đại chúng đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và tính bền vững, mô hình công viên địa chất chính là lời giải cho nhu cầu du lịch chất lượng cao, mang tính giáo dục và tạo tác động xã hội tích cực.
Một số hình ảnh Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn:
Hồ Lân Ty, huyện Hữu Lũng, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Ảnh: Việt Nam Expeditions
Hang Ngườm Moóc, huyện Bình Gia, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Ảnh: Việt Nam Expeditions
Hang động đưới đáy Hố sụt Ùng Roặc, huyện Bình Gia, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Ảnh: Việt Nam Expeditions
Núi Mắt thần trong Thung lũng Lân Ty, huyện Hữu Lũng, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Ảnh: Việt Nam Expeditions
Thung lũng Đồng Lâm, huyện Hữu Lũng, vùng Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Minh Đức
Ngọc Linh