Cụ ông nguy kịch vì nhiễm giun lươn lan tỏa

Cụ ông nguy kịch vì nhiễm giun lươn lan tỏa
3 giờ trướcBài gốc
Chiều 24/10, BS Đặng Văn Dương, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân L.V.T (72 tuổi, ở Hà Nội) nhiễm giun lươn lan tỏa vào nhập viện trong tình trạng rất nặng.
Trước đó, ông T mắc bệnh ung thư tế bào bạch cầu dòng lympho, đang trong quá trình điều trị truyền hóa chất và biến chứng suy gan nặng nề, suy giảm miễn dịch toàn thân nghiêm trọng.
Gần đây, ông thấy mệt mỏi, ăn kém, vàng da, vàng mắt, đầy bụng khó tiêu, khi được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ông đã trong tình trạng nhiễm trùng nặng. Kết quả xét nghiệm dịch dạ dày và dịch phế quản cho thấy ông ra giun lươn lan tỏa.
Ông T đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Ông được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực với thể trạng suy kiệt, thở máy qua nội khí quản. Do mắc nhiều bệnh nền, quá trình điều trị nhiễm giun lươn lan tỏa của ông T còn kéo dài.
Theo BS Dương, với người khỏe mạnh, khi nhiễm giun lươn chỉ biểu hiện bệnh nhẹ như rối loạn tiêu hóa, mẩn ngứa, mệt mỏi, chán ăn… Tuy nhiên, trên những người bệnh suy giảm miễn dịch, dùng thuốc corticoid hay thuốc ức chế miễn dịch kéo dài sẽ nặng nề hơn rất nhiều, ấu trùng giun xâm nhập vào nhiều cơ quan như tim, gan, phổi, thận, não… kèm theo các biểu hiện nhiễm khuẩn nặng, đe dọa tính mạng và điều trị rất khó khăn, tốn kém.
Không chỉ ông T, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nhiều ca nhiễm giun lươn, giun đũa vào nhập viện, bệnh nhân chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung. Theo các bác sĩ, người mắc bệnh giun lươn phải điều trị thời gian rất dài, có khi tới vài tháng mới ổn định.
Ths.BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, giun lươn là ký sinh trùng nguy hiểm nhất trong số các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa. Giun lươn có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.
Bệnh giun lươn thuộc nhóm bệnh lây truyền qua đất, do ấu trùng giun lươn xâm nhập vào cơ thể bằng cách chui qua da, đi theo đường tĩnh mạch chạy lên tim, qua phổi rồi tới khí quản, hầu, sau đó di chuyển xuống thực quản và ruột để sinh trưởng thành giun trưởng thành.
Ấu trùng xâm nhập thường ở chân hoặc vị trí nào tiếp xúc với đất nhiễm bệnh, gây ngứa, nổi mề đay vài giờ, cả ngày và tái diễn hàng tháng, năm.
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm giun lươn là đi chân đất, không rửa tay sạch sau khi tiếp xúc môi trường bẩn, sau khi đi vệ sinh; sử dụng phân tươi chăm bón cho cây trồng; ăn rau sống rửa chưa sạch, ăn gỏi... Trẻ em có nguy cơ nhiễm giun lươn cao hơn người lớn.
Các bác sĩ khuyến cáo, những người nên đi tầm soát giun lươn gồm: Làm công việc thường xuyên tiếp xúc da trần với đất, cát có nhiễm phân người; có biểu hiện sẩn ngứa, phát ban nhiều đợt mà không rõ căn nguyên; ban đầu có biểu hiện phát ban sẩn ngứa ngoài da, sau 1-2 tuần có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, xen kẽ với táo bón kéo dài trên 2 tuần; suy giảm miễn dịch, điều trị corticoid kéo dài, có nhiều đợt nhiễm trùng viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết.
Trần Hằng
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/y-te/cu-ong-nguy-kich-vi-nhiem-giun-luon-lan-toa-i748170/