Cụ thể hóa tiêu chí đánh giá công chức, mạnh dạn quy định cơ chế cho người đứng đầu

Cụ thể hóa tiêu chí đánh giá công chức, mạnh dạn quy định cơ chế cho người đứng đầu
10 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, chiều 14/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Đổi mới phương thức quản lý theo vị trí việc làm và năng lực thực tiễn
Thảo luận về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật, nhất trí xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình rút gọn tại Kỳ họp thứ Chín này.
Một sửa đổi nổi bật tại dự thảo Luật lần này là đổi mới phương thức quản lý công chức theo vị trí việc làm và năng lực thực tiễn.
Cụ thể, theo Tờ trình dự án Luật, để thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 26-NQ/TW về quản lý cán bộ, công chức dựa trên vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh và khung năng lực, thay thế mô hình quản lý theo ngạch, bậc và thâm niên, dự thảo Luật quy định rõ cơ chế đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng công chức gắn với hiệu quả công việc và trách nhiệm thực thi công vụ, bảo đảm “sử dụng đúng người, đúng việc”.
ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long
Các ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)... nhận thấy, với quy định việc đánh giá phải căn cứ vào kết quả, sản phẩm theo yêu cầu vị trí việc làm... sẽ bảo đảm công khai, công tâm, dân chủ, khách quan, xuyên suốt, liên tục, đa chiều, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong quản lý, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, làm cơ sở sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí việc làm đối với những người không đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công vụ, xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời” và nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.
“Không thể “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” mà không bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ, và không làm được việc mà cứ định kỳ là lên lương. Tôi tâm đắc đánh giá theo vị trí việc làm và áp dụng KPI để thay đổi tư duy trong đánh giá cán bộ, bảo đảm công bằng hơn”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long
Để đánh giá được kết quả sản phẩm của cán bộ, công chức được xuyên suốt, liên tục, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị, việc đánh giá phải được thực hiện liên tục theo quý, 6 tháng, 1 năm để tránh việc kiểm điểm trong một năm nhiều nhiệm vụ sẽ bị bỏ sót, lãng quên. Đồng thời, cần bổ sung cơ chế giám sát chéo, phản biện từ đồng nghiệp và người dân bảo đảm khách quan, toàn diện, hạn chế đánh giá cảm tính của người đứng đầu.
Về đánh giá công chức, tại điểm a, khoản 1, Điều 29 của dự thảo Luật quy định “việc đánh giá phải căn cứ vào kết quả, sản phẩm theo yêu cầu của vị trí việc làm, mức độ đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; đạo đức công vụ của công chức; bảo đảm công khai, công tâm, dân chủ, khách quan, xuyên suốt, liên tục, đa chiều”.
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long
Tán thành với nội dung này tại dự thảo Luật, song để đánh giá kết quả công chức được công khai, minh bạch, khách quan, chính xác, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị nội dung đánh giá cần được cụ thể hóa bằng tiêu chuẩn cụ thể nhằm bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện và có tính định lượng cao, tránh tình trạng tiêu chuẩn nội dung đánh giá quy định chung chung và mang định tính.
Đồng thời, đại biểu cũng lưu ý, cần nghiên cứu bổ sung quy định xử lý tình huống tại thời điểm đánh giá công chức chưa phát hiện ra vi phạm, sau đánh giá phát hiện vi phạm bị xử lý kỷ luật thì kết quả đánh giá trước đó và xử lý công chức thực hiện như thế nào?
Tạo động lực lâu dài cho đội ngũ cán bộ, công chức
Hành trình cải cách nền hành chính công vụ đã cho thấy rõ yêu cầu đổi mới cách đánh giá cán bộ, công chức từ cảm tính sang minh bạch, từ hình thức sang thực chất. Do đó, Điều 30 của dự thảo Luật về nội dung đánh giá công chức đã bổ sung tiêu chí đánh giá lại kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc thông qua số lượng, chất lượng và tiến độ sản phẩm theo vị trí việc làm.
Đánh giá cao điểm mới này, ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên) cho rằng, để chính sách thật sự đi vào cuộc sống, giúp lựa chọn được những cán bộ, công chức có năng lực thật sự, cho ra khỏi hệ thống những người yếu kém, thì cần cụ thể hóa tiêu chí, kèm theo đó là những nguyên tắc đạo đức phải tuân thủ đối với cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đánh giá. Đồng thời, bổ sung vào Điều 30 điều khoản giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết các nội dung.
ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long
Nêu cụ thể những nội dung cần được Chính phủ hướng dẫn chi tiết, đại biểu Lê Đào An Xuân nhấn mạnh, cần làm rõ tiêu chí về đạo đức công vụ, cũng như kết quả công việc với định lượng rõ ràng...
Trong đó, để chỉ số đánh giá hiệu suất công việc không chỉ nhằm đánh giá mà giúp phát triển và tạo động lực lâu dài cho đội ngũ công chức, đại biểu Lê Đào An Xuân cho rằng, chỉ số đánh giá bên cạnh gắn với đặc thù về vị trí việc làm còn phải gắn với hành trình phát triển nghề nghiệp của công chức khu vực công khác với doanh nghiệp ở chỗ có rất nhiều vị trí việc làm có đặc điểm, cách thức tổ chức thực hiện khác nhau, nhiều công việc mang tính dài hạn, có kết quả mang tính gián tiếp.
“Nếu ta chỉ dùng chỉ số, chẳng hạn như KPI để chấm điểm theo quý, theo năm sẽ rất khó để khích lệ người dám làm, dám theo đuổi, dám chịu trách nhiệm”. Nhấn mạnh yêu cầu này, đại biểu cho rằng, chỉ số đánh giá cần được thiết kế như "tấm bản đồ" phát triển tác động thật vào con đường tiến bộ phát triển của công chức, thay vì là thẻ, điểm hành chính, thì mới khơi dậy được tinh thần đổi mới sáng tạo trong đội ngũ.
Đại biểu cũng lưu ý, không thể đo hiệu quả nếu không có điều kiện thực hiện, nên muốn đánh giá hiệu quả thực chất thì phải đi kèm một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ, như số hóa quy trình, phân quyền rõ ràng, cơ chế phối hợp minh bạch... "Nếu không sẽ giống như việc áp dụng tiêu chuẩn ISO trước đây chỉ tạo thêm thủ tục hành chính mà không cải thiện hiệu quả", đại biểu nêu vấn đề.
Theo đại biểu, cần tăng cường vai trò của người đứng đầu chính là người sử dụng lao động với cơ chế rõ ràng về trách nhiệm, có sự đánh giá đa chiều, trong đó cần ưu tiên về khả năng đáp ứng về mặt chuyên môn, kèm theo đó là cơ chế kiểm tra, giám sát độc lập, độc lập.
“Luật cần mạnh dạn quy định cơ chế, trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu, đồng thời mạnh dạn giao thẩm quyền xây dựng chỉ số đánh giá công chức trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan gắn với việc vị trí việc làm, bởi dễ dàng cụ thể hóa và tăng tính khả thi, nhất là đối với các tiêu chí về hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng và tiêu chí sáng tạo, đổi mới dám nghĩ, dám làm”, đại biểu Lê Đào An Xuân nêu quan điểm.
Về nghĩa vụ cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, tại khoản 5, Điều 8 của dự thảo Luật quy định “Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho rằng, với quy định này, dự thảo Luật đã phân hóa rõ về trách nhiệm, đặc biệt là tính chịu trách nhiệm tới cùng của người ra quyết định và người thực thi công vụ. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ báo cáo bằng văn bản của người thi hành công vụ trong những trường hợp nêu trên được tiến hành trong điều kiện, trình tự, thủ tục, có những yêu cầu nào, thời gian thực hiện là bao lâu, cơ chế bảo lưu và quản lý hồ sơ công vụ trong vấn đề này... đều chưa được quy định tại dự thảo Luật, nên có thể sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một điều, khoản, trong đó giao Chính phủ quy định trực tiếp vấn đề này.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình, làm rõ những nội dung được các ĐBQH quan tâm cho ý kiến.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ những nội dung được các ĐBQH quan tâm cho ý kiến. Ảnh: Hồ Long
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên họp đã có 24 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến và không có đại biểu tranh luận.
Các ý kiến phát biểu của đại biểu rất sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm cao, vừa thể hiện nội dung bao quát, vừa cụ thể, chi tiết, tập trung vào các nội dung trọng tâm về: đổi mới quản lý cán bộ, công chức, chế độ công vụ; đổi mới phương thức làm việc gắn với trách nhiệm của cán bộ, công chức và liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh; đổi mới quản lý cán bộ, công chức và chính sách đối với cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, người có tài năng trong hoạt động công vụ; quản lý quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức gắn với ngạch công chức và vị trí việc làm; đánh giá công chức, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
Các ý kiến của đại biểu về cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật, đồng thời phân tích, đánh giá làm sâu sắc nhiều nội dung và góp ý nhiều ý kiến rất thiết thực, cụ thể để tiếp tục hoàn thiện nhiều điều, khoản của dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ ý kiến của ĐBQH, gửi Chính phủ và các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình; đề nghị Bộ Nội vụ giúp Chính phủ khẩn trương phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.
Thanh Hải
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/cu-the-hoa-tieu-chi-danh-gia-cong-chuc-manh-dan-quy-dinh-co-che-cho-nguoi-dung-dau-10372422.html