Ông Nguyễn Văn Hòa (cu Theo) bây giờ.
Dũng sĩ tuổi 14
Một buổi sáng cuối tháng 4, trong không khí cả nước hân hoan chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Hòa, người từng được biết đến với cái tên thân thương “cu Theo” tại số 104 Phùng Quán, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, TP Huế.
Chỉ mất 20 phút chạy xe từ thành phố, tôi đã dễ dàng gặp được nguyên mẫu “cu Theo” – nhân vật trong thơ ca sống động ngay giữa đời thực.
Năm nay đã ở tuổi 73, sức khỏe có phần giảm sút vì đau ốm nhưng tinh thần “cu Theo” vẫn rất minh mẫn. Khi tôi nhắc đến “Chuyện em Hòa”, trong ông tuôn trào cảm xúc.
Trong căn nhà nép mình giữa khu vườn xanh mát, ông Hòa chia sẻ với tôi về những năm tháng tuổi thơ đầy gian khó. Khi ông mới tròn một tuổi, cha ông đi tập kết ra Bắc. Thuở đó, mẹ ông - bà Nguyễn Thị Quên một mình gồng gánh nuôi 3 con thơ. Trước khi lên đường, người cha chỉ kịp đặt cho ông cái tên là Theo, mọi người hay gọi là “cu Theo” cho dễ nhớ.
"Dũng sĩ diệt Mỹ" Nguyễn Văn Hòa.
Nhắc đến danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, ông Hòa nhớ lại: Lúc đó bị địch dồn vô ấp chiến lược nên từ nhỏ cậu bé cu Theo đã sớm bộc lộ tinh thần quả cảm và lòng yêu nước nồng nàn. 12 tuổi, “cu Theo” đã tham gia cách mạng, làm đội trưởng Đội thiếu niên xã, dẫn đường cho cán bộ, vận động người dân không theo địch... “Ngày đó, tinh thần vì Tổ quốc cao lắm. Những cô bé, cậu bé ngang tuổi tôi đã hăng hái góp sức đánh giặc”.
Hai tên Mỹ và một chiếc xe quân sự đã bị tiêu diệt bởi một mưu trí dũng cảm của Cu Theo khi mới 14 tuổi. Năm sau, Cu Theo đã diệt được xe tăng Mỹ…
Có lần, trong lúc dẫn đường đi tải gạo qua xã, ông và đoàn thanh niên xung phong bị địch phục kích. Dù bị địch bắn bị thương nhưng cu Theo vẫn bắn trả đến cùng. Sau khi thoát vòng vây, cu Theo mới được các y - bác sĩ gắp đạn ra khỏi người, may mắn thoát chết.
Liên tiếp trong hai năm 1966 và 1967, cu Theo lập công lớn và được tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" khi đang còn tuổi quàng khăn đỏ.
3 lần gặp Bác và hành trình tìm cha
Khi được hỏi về những kỷ niệm với Bác Hồ, ông Nguyễn Văn Hòa, người từng ba lần vinh dự được gặp Bác như sống lại những khoảnh khắc thiêng liêng ấy.
Năm 1968, khi nhận được tin sẽ cùng các bạn trong đoàn Dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam ra Bắc học tập đợt đầu tiên, ông vui sướng lên đường. Đó là chuyến đi bộ kéo dài hơn 1 tháng ròng rã men theo đường Trường Sơn đầy mưa bom bão đạn. “Đoàn chúng tôi chỉ có 4 người, là bạn bè đồng trang lứa được phong Dũng sĩ diệt Mỹ ở Thừa Thiên Huế. Đứa nào cũng háo hức, cứ phăng phăng băng rừng lội suối để nhanh được gặp Bác Hồ”, ông Hòa kể.
Nhớ như in lần đầu tiên gặp Bác, ông Hòa bồi hồi: Ngày 04/9/1968, tôi cùng các bạn trong đội “Dũng sĩ diệt Mỹ” miền Nam được thỏa lòng ước mơ gặp Bác. Trong đoàn, có Võ Phổ, Ngô Văn Nết, Võ Văn Hường, Hồ Văn Mên, Hồ Thị Thu, Đoàn Văn Luyện và tôi.
Vừa được xe chở đến cổng Phủ Chủ tịch, chưa kịp xuống xe, ai nấy đã cuống quýt, reo to: “Bác! Bác!...” rồi chạy òa vào lòng Bác khi thấy Bác Hồ và Bác Tôn chờ sẵn. Lần đầu nhìn thấy Bác, quá đỗi giản dị, thân thương, đám trẻ chúng tôi vây quanh Bác như đàn chim non về với mẹ.
Cu Theo (thứ hai từ phải sang) và các Dũng sĩ diệt Mỹ chụp ảnh cùng Bác Hồ và Bác Tôn cuối năm 1968.
Trong lần đầu tiên cùng Đội thiếu niên tiền phong vào Phủ Chủ tịch, Bác đã ân cần hỏi han gia cảnh từng đứa, sức khỏe của mỗi người. Sau buổi cơm tối, Bác Hồ đã hỏi từng cháu về nguyện vọng của mình.
Đến lượt cu Theo, Bác ôn tồn hỏi: "Giờ cu Theo có nguyện vọng chi không? Có muốn ở lại Hà Nội học tập không?". Lúc ấy, nghe Bác hỏi, ông rất xúc động, nhưng vẫn lễ phép trả lời Bác là muốn trở lại miền Nam tiếp tục chiến đấu, nhưng trước khi trở lại miền Nam, em có nguyện vọng muốn gặp cha. Bác lại hỏi: "Cha cháu tên gì, công tác ở đâu?".
"Thưa Bác, cha cháu tên Nguyễn Văn Cục, đi tập kết ra Bắc từ lúc cháu mới 1 tuổi nhưng nay vẫn chưa nhận tin tức gì ạ...". Sau buổi ăn cơm tối hôm đó, Bác gọi nhà thơ Tố Hữu, lúc ấy là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương đến và giao nhiệm vụ tìm cha cho cu Theo.
Ông Nguyễn Văn Hòa (bên phải Bác Hồ, đội mũ) chụp ảnh cùng Bác và các thiếu nhi Dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam.
Lần khác, vào ngày 20/12/1968, trong buổi mít tinh kỉ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội trường Ba Đình, cu Theo lại được vinh dự gặp Bác. Sau khi Bác Hồ vào, Bác vẫy tay, nói: “Cho đoàn tí hon lên ngồi với Bác”.
“Mới gặp tôi, Bác hỏi ngay việc tìm cha của mình đã có kết quả gì chưa. Tôi thưa rằng là chưa gặp được cha, Bác liền quay sang hỏi nhà thơ Tố Hữu sao lâu vậy” - ông Hòa xúc động.
Sau đó, Bác lại động viên cố gắng chữa bệnh, ăn uống cho mau khỏe để đi học; được Bác cho phép cùng Bác đón tiếp khách quốc tế, được nghỉ ngơi thoải mái ở Nhà sàn của Bác.
Sau lễ mít tinh, nhà thơ Tố Hữu dẫn ông về nhà mình và lấy cảm hứng viết nên bài thơ “Chuyện em Hòa..." theo thể lục bát, dài 112 câu đăng trên báo Nhân dân.
Bài thơ mở đầu bằng những câu:
"Tên em là Nguyễn Văn Hòa
Mẹ em thường gọi em là Cu Theo
Cha đi tập kết, nhà nghèo
Sớm khuya tay mẹ chống chèo nuôi con
Chị thì hái củi trên non
Em thì mưa nắng bãi cồn chăn trâu
Đêm nằm hỏi mẹ: Cha đâu?
Mẹ rằng: Mau lớn, năm sau cha về”…
Riêng thành tích chiến đấu của cu Theo, nhà thơ Tố Hữu viết:
“Sớm hôm, củ sắn củ khoai
Khi đi trinh sát, khi gài mìn chông
Khi ra xung trận giữa đồng
Khi lăn dưới lửa, thoát vòng giặc vây
Súng này càng bắn càng hay
Một tay em chấp mười tay quân thù”…
Chừng 10 ngày sau, cu Theo nhận được tin cha cậu làm ở Huyện ủy Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Và hai cha con được tạo điều kiện gặp nhau tại Hà Nội...
Tháng 2/1969, ông Hòa được tin có xe đón về gặp Bác. Cùng về có nhiều dũng sĩ ở các tỉnh thành khác. Không như những lần gặp trước, lần này chúng tôi đều cảm thấy Bác yếu hơn lần gặp trước và thầm lo cho sức khỏe của Bác.
Ông Nguyễn Văn Hòa (mang khăn đỏ) chụp ảnh cùng Bác Hồ và đoàn đại biểu Cuba năm 1969.
Hôm đó, có phái đoàn Cuba sang thăm Việt Nam. Bác cho gọi tất cả dũng sĩ “tí hon” đã từng diệt Mỹ đến giới thiệu với lãnh đạo nước bạn, Bác thuộc tên từng cháu một. Bác cho từng người kể về những chiến công của mình.
Các phóng viên chụp ảnh rất nhiều, mọi góc độ. Sau khi các cháu về, Bác đều cho rửa ảnh để tặng các cháu. Nhiều dũng sĩ đã giữ tấm ảnh ấy đến tận bây giờ để làm kỷ niệm. Và đó cũng là lần cuối cùng ông Hòa gặp Bác...
Sau chiến tranh, ông Hòa đảm nhận nhiều công tác trong tổ chức Đảng và chính quyền. Trước khi về hưu, ông làm Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
Tác giả bài viết (bên phải) chụp ảnh với ông Nguyễn Văn Hòa năm 2016.
Những năm trước khi còn khỏe, ông phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức tìm kiếm hài cốt của các liệt sĩ. Hiện nay, các vết thương trong chiến tranh thường xuyên tái phát làm sức khỏe của ông giảm sút, đau ốm thường xuyên.
Chia tay ông, khi tôi hỏi kỷ niệm nào ông nhớ nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Hòa nói: “Những lần gặp Bác là ký ức đẹp nhất, quý giá nhất mà tôi có được trong cuộc đời, Bác Hồ luôn trong trái tim tôi".
Quang Tám