Cục phó C06: Luật Dữ liệu sẽ giúp dữ liệu 'trưởng thành', hướng đến ứng dụng AI

Cục phó C06: Luật Dữ liệu sẽ giúp dữ liệu 'trưởng thành', hướng đến ứng dụng AI
6 giờ trướcBài gốc
Chiều 25/10, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an tổ chức hội thảo chiến lược dữ liệu quốc gia và góp ý xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu.
Toàn cảnh hội thảo tại trụ sở Bộ Công an.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó cục trưởng C06 thông tin, qua hơn 2,5 năm triển khai, Đề án 06 đã mang lại những điều cơ bản nhất tạo lập nhóm dữ liệu.
Trong đó, đề án cung cấp các dịch vụ công thiết yếu là nền tảng cơ bản để tạo lập dữ liệu, phục vụ phát triển kinh tế, tạo lập được công dân số và bộ dữ liệu dùng chung để các đơn vị khai thác.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án 06 xuất hiện một số điểm nghẽn về pháp lý, dữ liệu nghiệp vụ, hạ tầng, bảo mật và nguồn lực. Nếu giải quyết điểm nghẽn mới phát triển được Đề án 06, cũng như giải quyết được vấn đề chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, muốn chuyển đổi số được trước tiên phải tạo lập nguồn dữ liệu, mang lại những giá trị cho người dân. Trong đó, nền tảng dữ liệu dân cư là bộ dữ liệu lõi, gốc nằm trong tổng thể tạo lập dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Cũng theo đại tá Vũ Văn Tấn, mục tiêu của Đề án 06 là tạo lập được bộ dữ liệu cơ bản nhất về con người. Để đạt được các mục tiêu đề ra cần có các bộ pháp lý khác liên quan tới dữ liệu, trong đó cần thiết phải có Luật Dữ liệu.
Theo lãnh đạo C06, cần phải xác định quan điểm, dữ liệu được số hóa tới đâu phải đưa vào sử dụng tới đó để phục vụ nhân dân, không trông chờ khi có nhóm chung mới đưa vào sử dụng.
"Thực tế, qua triển khai dữ liệu dân cư, chúng tôi thấy khi dữ liệu được số hóa phải mang dùng ngay thì mới sống. Bên cạnh đó, dữ liệu nào là dữ liệu gốc, cốt lõi, khi được tạo lập sẽ là nền tảng để tạo lập cho các dữ liệu khác", Cục phó C06 nói và nhấn mạnh, đó là lý do cần phải có Luật Dữ liệu để làm cơ sở pháp lý.
Tại hội thảo, một số chuyên gia cho rằng trong "cuộc chơi" về dữ liệu cần đề cập đến tính đồng bộ trong khai thác để đảm bảo an ninh, an toàn.
Ví dụ như công nghệ AI - trí tuệ nhân tạo, chuyên gia nhìn nhận, tất cả đều hiểu và đều nhận diện ra rằng phải ứng dụng AI vào dữ liệu. Song thực tế, dữ liệu chưa "trưởng thành" thì chưa thể tiếp cận công nghệ AI.
Hay như quan điểm của ông Phạm Tiến Dũng (Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), vấn đề kết nối và tích hợp dữ liệu rất quan trọng. Nếu không có sự kết nối và tích hợp thì dữ liệu trở nên vô nghĩa, thậm chí còn gây phiền hà cho người dùng.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia cũng tham vấn chính sách cho các cơ quan, tổ chức để đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng các bộ dữ liệu, hoàn thiện Luật Dữ liệu. Trên cơ sở kết nối đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, từ đó tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính.
Mới đây, Bộ Công an trình Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị và thống nhất giao Chính phủ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Tháng 10/2023, Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 được ban hành phê duyệt Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Hoàng Lam
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/cuc-pho-c06-luat-du-lieu-se-giup-du-lieu-truong-thanh-huong-den-ung-dung-ai-192241025161651615.htm