Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh, thương mại điện tử và chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu để Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới
Sáng ngày 16/7/2025, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh đã trình bày tham luận với chủ đề “Hoàn thiện thể chế phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu cho kỷ nguyên mới”.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng toàn cầu hóa, kinh tế số, thương mại điện tử và chuyển đổi số được xác định là động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2020 - 2025, Chi bộ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Đảng ủy Bộ Công Thương để triển khai nhiều nội dung quan trọng, đạt được những kết quả đáng kể trong phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số.
Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đạt khoảng 25 tỷ USD, tăng trên 20% so với năm trước và chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Đặc biệt, thương mại điện tử đã đóng góp hai phần ba giá trị kinh tế số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh nhất thế giới.
Công tác chuyển đổi số cũng được đẩy mạnh thông qua việc hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật, quy trình số hóa, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ cải cách hành chính và hiện đại hóa hoạt động của Bộ Công Thương. Gần 4 triệu hồ sơ trực tuyến đã được xử lý qua Cổng dịch vụ công của Bộ và đồng bộ hoàn toàn sang Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ số hóa tại Bộ Công Thương đạt 100% và năm 2024, Bộ tiếp tục dẫn đầu các Bộ, ngành về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp qua dịch vụ công trực tuyến.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030
Tuy nhiên, sự phát triển của thương mại điện tử cũng đặt ra một số vấn đề, đặc biệt là sự xuất hiện của các loại hình mới như thương mại điện tử xuyên quốc gia, thương mại điện tử trên mạng xã hội, đòi hỏi một khung pháp lý đồng bộ, minh bạch để quản lý hiệu quả, bảo vệ người tiêu dùng và chống thất thu thuế. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng nhanh của thương mại điện tử cũng đặt ra rủi ro về môi trường, đồng thời việc xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Để đáp ứng được những yêu cầu trong kỷ nguyên mới trong giai đoạn 2025 - 2030, Chi bộ Cục xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số, trong đó có ba nội dung kiến nghị..
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án Luật thương mại điện tử: Tập trung hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động thương mại điện tử theo hướng thống nhất, hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại như hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, thất thu thuế, quản lý hoạt động thương mại qua mạng xã hội, điều chỉnh các xu hướng thương mại điện tử mới phát sinh, đồng thời tạo hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại điện tử xanh, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái số trong lĩnh vực công thương: Bao gồm thương mại điện tử, logistics, thanh toán số, dịch vụ công trực tuyến. Mục tiêu là hoàn thiện, kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành và triển khai đồng bộ quy trình xử lý công việc trên môi trường số, đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" nhằm tạo sự kết nối đồng bộ giữa các đơn vị trong Bộ Công Thương với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương về phân cấp thủ tục hành chính cho địa phương và thực hiện mô hình chính quyền hai cấp: Trong đó đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số dịch vụ công trực tuyến cho ngành công thương để đảm bảo việc phân cấp được kiểm soát minh bạch và hiệu quả.
Cục trưởng Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh, thương mại điện tử và chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu để Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới. Chi bộ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Đảng ủy Bộ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Ngọc Châm