Vi Đông Dịch (Wei Dongyi), 33 tuổi, quê Tế Nam, Sơn Đông, hiện là trợ lý giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, đã chính thức gia nhập Douyin vào ngày 4/6. Chỉ với một video 4 giây gồm hai câu đơn giản: “Chào mọi người, tôi là Vi Đông Dịch. Đây là tài khoản của tôi”, tài khoản của anh đã thu hút gần 25 triệu người theo dõi chỉ trong 9 ngày. Chỉ sau 5 ngày, tài khoản đạt hơn 13–23 triệu lượt like hoặc theo dõi.
Thần đồng toán học Trung Quốc Wei Dongyi gây "bão" ngay lần đầu tiên lập tài khoản mạng xã hội. Ảnh: SCMP/Douyin
4 giây video, gần 25 triệu follow, hiện tượng không ngờ
Vi Đông Dịch trở thành hiện tượng và video này đã được đưa vào danh sách “trending” Douyin . Điều đáng chú ý là không có hiệu ứng, không âm nhạc, chỉ là gương mặt giản dị trong giảng đường, nhưng anh lại thu hút một lượng khủng người theo dõi.
Không chỉ ở danh tiếng, Vi Đông Dịch còn khiến dư luận quan tâm đến ngoại hình: dáng người gầy, hàm răng cửa thiếu vắng vài chiếc. Một người xem bình luận: “Hãy nhìn răng và dáng người gầy gò của anh ấy! Đại học Bắc Kinh và xã hội nên có trách nhiệm hơn với sức khỏe của một tài năng lớn như vậy”.
Theo nhà trường và gia đình, Vi mắc bệnh nha chu, đã điều trị hai lần năm ngoái và vẫn trong quá trình theo dõi. Gia đình tiết lộ anh ăn chay từ nhỏ, bổ sung đạm qua trứng và sữa, đồng thời khuyên anh siêng năng vận động.
Trước sức ép của dư luận, Đại học Bắc Kinh đã chủ động liên hệ gia đình và đề nghị tạm ngừng đăng thêm nội dung để bảo vệ môi trường học thuật và tránh áp lực cho Vi. Cựu MC CCTV Triệu Phổ cảnh báo: anh không cần sự nổi tiếng, mà là sự quan tâm thực sự đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
Thần đồng Toán học, hai lần giành điểm tuyệt đối IMO
Vậy điều gì đã khiến Vi Đông Dịch là một hiện tượng gây “sốt” một cách lạ lùng như vậy? Cư dân mạng không ngừng tìm kiếm những “bí mật” đời tư của tên tuổi này.
Sinh năm 1991 trong một gia đình trí thức ở Sơn Đông, có bố mẹ đều là giảng viên đại học, Vi Đông Dịch sớm bộc lộ tình yêu mãnh liệt với toán học. Trong khi bạn bè cùng trang lứa say mê trò chơi điện tử, cậu bé Dịch lại đắm chìm trong những cuốn sách toán cao cấp của bố mẹ, tự mình tìm ra lời giải cho những bài toán vượt xa trình độ.
Vi Đông Dịch (trái) từng hai lần đoạt Huy chương Vàng IMO với điểm tuyệt đối.
Bước ngoặt đến vào năm lớp 7, khi anh gặp được người thầy định mệnh Trương Vĩnh Hoa, người đã bồi dưỡng nhiều tài năng cho Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh. Nhận thấy tố chất thiên bẩm và niềm đam mê cháy bỏng của cậu học trò, thầy Trương đã đưa anh vào đội tuyển Olympic Toán của trường. Tại đây, tài năng của Vi Đông Dịch được mài giũa và phát triển vượt bậc.
Năm 2008, khi mới học lớp 10, Vi Đông Dịch đã đại diện Trung Quốc tham dự Kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế (IMO) lần thứ 49 tại Tây Ban Nha. Anh đã khiến cả thế giới kinh ngạc khi giải quyết tất cả các bài toán, bao gồm cả câu hỏi cuối cùng mà đội phó đội tuyển quốc gia phải mất 3 tiếng mới giải được, và giành Huy chương Vàng với điểm số tuyệt đối. Một năm sau, tại IMO lần thứ 50 ở Đức, anh tiếp tục lặp lại thành tích không tưởng này, một lần nữa giành Huy chương Vàng với điểm tuyệt đối, trở thành một trong ba người duy nhất trong lịch sử cuộc thi đạt được thành tích này.
Chính những chiến tích lẫy lừng này đã mang về cho anh biệt danh "Vi Thần" và một tấm vé tuyển thẳng vào khoa Toán của Đại học Bắc Kinh danh giá.
Từ chối Harvard, sống với 300 tệ/tháng để phụng sự toán học
Cuộc sống của "Vi Thần" tại Đại học Bắc Kinh cũng đặc biệt như chính tài năng của anh. Dù được miễn làm bài tập, anh vẫn luôn nghiêm túc giải từng câu chữ. Năm 2013, anh “càn quét” Cuộc thi toán học Khâu Thành Đồng dành cho sinh viên đại học, giành bốn huy chương vàng, một huy chương bạc và giải Cá nhân toàn diện.
Dáng vẻ thường ngày của Vi Đông Dịch: Một tay cầm chai nước 1,5 lít, tay còn lại cầm bánh bao mua ở canteen trường.
Sau khi lấy bằng tiến sĩ, tài năng của anh đã vang danh thế giới. Đại học Harvard từng đưa ra lời mời hậu hĩnh để có được sự phục vụ của anh, nhưng Vi Đông Dịch đã kiên quyết từ chối. Anh chọn ở lại Đại học Bắc Kinh để cống hiến cho nền toán học nước nhà. Với mức lương hơn 600.000 tệ/năm (khoảng 2,1 tỷ VNĐ), anh sống một cuộc đời vô cùng giản dị, chi tiêu mỗi tháng chưa tới 300 tệ (khoảng 1 triệu VNĐ).
Người ta thường thấy anh lầm lũi một mình trong khuôn viên trường, không dùng mạng xã hội, chỉ thích nghe radio. Tủ quần áo của anh hầu như không có đồ hiệu, chủ yếu là những bộ đồ cũ được mặc lặp lại suốt nhiều năm. Các bữa ăn của anh cũng rất đạm bạc, thường chỉ gồm một chiếc bánh bao và chai nước lọc. Dù đã tích lũy được không ít tài sản sau nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu, anh vẫn không mua nhà hay xe.
Trong một lần chia sẻ với báo giới Trung Quốc, Vi Đông Dịch cho biết anh lựa chọn theo đuổi một lối sống đơn giản, không màng vật chất. Thậm chí, thiên tài toán học từng từ chối một giải thưởng trị giá tới 140.000 USD (khoảng 3,5 tỷ đồng) do một tập đoàn lớn ở Trung Quốc trao tặng.
Năm 2021, anh lần đầu "gây bão" khi xuất hiện trong một phỏng vấn đường phố với bộ quần áo cũ kỹ, tay cầm chai nước lọc 1 lít và một túi nilon đựng ba chiếc bánh bao. Hình ảnh tương phản giữa một bộ óc vĩ đại và một phong cách sống tối giản đã khắc sâu hình ảnh "Vi Thần" trong lòng công chúng.
Vi Đông Dịch chăm chú lắng nghe ý kiến từ các sinh viên trong lớp học.
Dù hướng nội và có phần lập dị, nhưng khi nói về toán học, Vi Đông Dịch có thể nói không ngừng nghỉ. Khi được hỏi về tiền tài và danh tiếng, Vi Đông Dịch chỉ đáp ngắn gọn: điều duy nhất anh thực sự quan tâm là Toán học. Các lớp học của anh luôn được sinh viên chào đón vì khả năng biến những kiến thức phức tạp, khô khan trở nên dễ hiểu và sinh động.
Lối sống của anh từng gây tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng Vi “lập dị” và khác biệt, nhưng cũng không ít người bày tỏ sự ngưỡng mộ, cho rằng mỗi người đều có quyền sống theo cách mình muốn và lối sống của Vi nên được tôn trọng.
Hoàng Mai