1. Với Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thiện Tỉnh (xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý) – Trưởng Ban liên lạc Sư đoàn 304 (Hà Nam), những năm tháng từng sống, chiến đấu trên các chiến trường ông vẫn mãi luôn khắc ghi trong tâm khảm. Kể về những năm tháng ấy, ánh mắt xa xăm, giọng ông hào sảng khi nhắc đến những trận giao tranh ác liệt, những chiến công của đơn vị. Nhập ngũ năm 1966, ông có quãng thời gian dài cùng đồng đội trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông nhớ lại: Khoảng đầu tháng 4/1975, sau khi giải phóng Đà Nẵng, khí thế của bộ đội lên rất cao, ai cũng náo nức lên đường tiếp tục tham gia chiến đấu giải phóng các vùng còn lại. Đúng lúc này, đơn vị nhận nhiệm vụ của Tổng Tư lệnh, hành quân thần tốc bằng xe cơ giới đến tập kết ở Xuân Lộc (Long Khánh, Đồng Nai) để chuẩn bị sẵn sàng tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ngày 23/4/1975, toàn bộ Sư đoàn 304 đã tới vị trí tập kết. Cán bộ, chiến sĩ sư đoàn hừng hực khí thế chuẩn bị cho trận đánh then chốt vào sào huyệt cuối cùng của địch. Quyết tâm, khí thế ra trận của bộ đội rất cao với các khẩu hiệu: “Quyết tâm giải phóng Sài Gòn”, “Thi đua cắm cờ trên nóc dinh Tổng thống ngụy” ở tất cả các đơn vị.
CCB Nguyễn Thiện Tỉnh, Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhớ lại một thời chiến đấu gian khổ, ác liệt. Ảnh: Phương Dung
Ông Tỉnh cho biết, lúc ấy, ông là chính trị viên phó Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 9 đảm nhiệm đánh chiếm căn cứ Nước Trong. Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, pháo binh ta đồng loạt nổ súng. 17 giờ 45 phút, Trung đoàn 9 và xe tăng xung phong, bộ binh, pháo binh hiệp đồng rất nhịp nhàng trên đường tiến quân. Nhiều tên địch bị ta bắt sống. Địch co cụm chống cự quyết liệt. Đêm ngày 26, rạng ngày 27, địch tăng viện, chúng tiếp tục chống cự, ngăn đường tiến công của ta.
Ông Nguyễn Thiện Tỉnh được giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội 6 bí mật luồn sâu, đánh chiếm khu vực ngã 3 đường 15 (ngã ba Thái Lan), phía sau tuyến phòng ngự của quân ngụy. Suốt đêm 27, rạng ngày 28/4, cán bộ chiến sĩ Đại đội 6 khẩn trương củng cố trận địa, chốt chặn. Lúc này, đội hình Tiểu đoàn 2 cùng các tiểu đoàn của Trung đoàn 9 đồng loạt tiến công phá vỡ trận tuyến phòng ngự trước cửa ngõ Sài Gòn của ngụy quân. Khi địch lui về phía sau, Đại đội 6 bất ngờ nổ súng, làm cho quân ngụy hoang mang tột độ. Trong trận này, Đại đội 6 tiêu diệt 80 tên địch, bắn cháy 4 xe tăng, làm hư hỏng nặng 1 xe của ngụy. Thừa thắng, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6 chia cắt đội hình, chặn đường tiếp viện của ngụy quân, làm chủ khu vực và tiếp tục phát triển chiến đấu. Ngày 29/4, tiếp tục phối hợp chiến đấu đánh chiếm cầu xa lộ, mở đường cho binh đoàn thọc sâu đánh chiếm Sài Gòn. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 2 tiếp tục nhận được lệnh phối hợp với đơn vị xe tăng Lữ đoàn 203 phát triển tiến công vào Sài Gòn. Trên đường đi, tuy gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân địch nhưng với tinh thần thần tốc, quyết thắng, các đơn vị đã hiệp đồng chiến đấu kiên cường, dũng cảm, liên tục đánh chiếm các mục tiêu, đẩy lui quân địch.
Sáng ngày 30/4/1975, toàn bộ lực lượng đã đánh địch co cụm ở cầu Sài Gòn và chủ động phối hợp với xe tăng tiến công vào thành phố. Trên đường tiến quân, quân ta bị địch ngăn chặn và chống cự quyết liệt, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh, xe trước bị cháy, xe sau tiến lên, người trước ngã xuống, người sau tiến lên, các đơn vị đã đập tan sự kháng cự của địch. Trước sự tấn công, tiêu diệt mạnh mẽ của ta, quân địch rút lui bỏ chạy.
Thừa thắng, bộ đội ta vượt qua cầu Thị Nghè tiến thẳng vào khu Tổng thống ngụy, nhanh chóng chiếm Đài phát thanh và các cơ quan đầu não của ngụy. Khoảng hơn 10 giờ ngày 30/4, mũi thọc sâu của Đại đội 6 vẫn tiếp tục ngồi trên 2 chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và 390 như những “cảm tử quân” lao thẳng vào Dinh Độc Lập, húc đổ cánh cổng, tạo đường cho quân ta tràn vào. Cùng thời gian này, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ và một số cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 và biệt động thành Sài Gòn tiến vào Dinh Độc Lập, bắt Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cùng nội các chính quyền Sài Gòn ra tuyên bố đầu hàng.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Nguyễn Thiện Tỉnh được tuyên dương là tấm gương chiến đấu dũng cảm. Toàn Sư đoàn 304 đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trong khu vực tác chiến được phân công, diệt 1.130 tên địch, bắt sống 720 tên, tiếp nhận và ra trình diện 750 tên, phá hủy 30 xe tăng, xe bọc thép, thu 14 chiếc, bắn rơi 7 máy bay; diệt 1 tàu hải quân, thu và gọi hàng 48 tàu xuồng… Riêng mũi đánh địch do ông Nguyễn Thiện Tỉnh phụ trách đã tiêu diệt gần 100 tên địch, phá hủy 5 xe tăng. Bản thân ông tiêu diệt 7 tên địch, phá hủy 1 xe tăng. Trong chiến đấu, ông đã có 5 lần vượt bom đạn, cõng thương binh, tử sĩ về phía sau an toàn. Đặc biệt, có những lần địch gài mìn vào xác chiến sĩ ta và bố trí phục kích nhưng ông đã dũng cảm, bí mật bò đến gỡ mìn và lấy được tử sĩ đưa về đơn vị.
Lập được nhiều chiến công trong kháng chiến chống ngoại xâm và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 12/9/1975, Sư đoàn 304 và ngày 21/9/1975 Trung đoàn 9 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Tháng 1 năm 1976, ông Nguyễn Thiện Tỉnh được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân. Trong chiến đấu, ông có 3 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” ở các chiến dịch.
2. 50 năm đã trôi qua kể từ ngày toàn thắng mùa Xuân năm 1975, nhưng trong ký ức của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Xuân Toàn (phường Thanh Châu, Phủ Lý) – người lính Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những ngày tháng hào hùng ấy vẫn in đậm như mới hôm qua. Khi đó, CCB Nguyễn Xuân Toàn là một chàng trai trẻ mang trong mình lòng yêu nước nồng nàn, cùng đồng đội vượt qua muôn vàn gian khổ, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Mỗi ký ức ông kể lại là một lát cắt sống động của lịch sử, là niềm tự hào của một thế hệ đã chiến đấu vì độc lập, tự do, vì thống nhất nước nhà.
CCB Nguyễn Xuân Toàn (bên trái) sau khi về hưu tiếp tục tham gia công tác 20 năm tại Hội Cựu chiến binh thành phố Phủ Lý. Ảnh: Khánh Chi
Tháng 12 năm 1970, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Toàn khi ấy vừa tròn 18 tuổi, với nhiệt huyết tuổi trẻ và lòng yêu nước mãnh liệt, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau đó, anh được cử đi học tại trường Sĩ quan Lục quân, bắt đầu hành trình rèn luyện gian khổ nhưng đầy vinh quang, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào mà đất nước giao phó. Tháng 3 năm 1975, cục diện chiến trường miền Nam thay đổi nhanh chóng với những thắng lợi vang dội liên tiếp của quân ta tại Phước Long, Buôn Ma Thuột, Huế, Đà Nẵng... tạo ra thời cơ chiến lược ngàn năm có một để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Khi đó, Chuẩn úy Nguyễn Xuân Toàn vừa tốt nghiệp Sỹ quan Lục quân, được biên chế vào Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, được giao nhiệm vụ chỉ huy một trung đội, phối hợp các lực lượng bắt đầu hành quân chi viện chiến trường miền Nam.
Sau khi thực hiện cuộc hành quân thần tốc, đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, tháng 4 năm 1975, đoàn quân tiến về địa phận Đồng Nai. Lúc này, ngụy quân thất trận đã chạy về căn cứ Nước Trong (Đồng Nai), hợp quân cùng lực lượng tại chỗ tạo thành ổ đề kháng vô cùng nguy hiểm, án ngữ hướng đông nam Sài Gòn. “Căn cứ Nước Trong là trung tâm huấn luyện tổng hợp của địch, rộng khoảng 7 – 8km2 gồm ba trường thiết giáp, bộ binh, biệt kích dù. Căn cứ có hệ thống lô cốt, công sự liên hoàn; xung quanh có hào sâu, hàng rào dây thép gai và các bãi mìn chống tăng… tạo thành vòng phòng ngự vững chắc, được hệ thống hỏa lực pháo binh ở Long Thành, Long Khánh và không quân trực tiếp chi viện. Nơi đây đã diễn ra trận đánh giằng co ác liệt, gây cho ta những tổn thất không nhỏ trước khi giành thắng lợi cuối cùng. Chính tại nơi đây, trung đội tôi đã hy sinh 5 đồng chí và nhiều chiến sĩ bị thương” - CCB Nguyễn Xuân Toàn bồi hồi nhớ lại.
Đêm 25/4, Trung đoàn của ông bắt đầu hành quân đến gần căn cứ Nước Trong, chiếm lĩnh trận địa, tổ chức công binh làm đường, cắm tiêu cho xe tăng của Lữ đoàn 203 tiến quân; đào hào, xây dựng công sự suốt đêm và nằm đợi lệnh cả ngày hôm sau. Ðúng 17 giờ ngày 26/4, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, pháo binh toàn mặt trận đồng loạt bắn phá cấp tập vào các mục tiêu đã xác định… Sau gần hai giờ nổ súng tiến công mãnh liệt, quân ta đã cơ bản chiếm được căn cứ Nước Trong, làm chủ mục tiêu. Nhưng một bộ phận lực lượng quan trọng của địch ở căn cứ Nước Trong rút ra rừng cao su, co cụm chống trả. Chiến sự ở khu vực căn cứ Nước Trong tiếp tục diễn ra ác liệt trong ngày 27/4. Địch đã điều hai thiết đoàn phối hợp phản kích hòng chiếm lại trường thiết giáp khiến cuộc chiến càng thêm khốc liệt. Nhiều chiến sĩ của các đơn vị đã anh dũng hy sinh. Quân ta quyết tâm đánh chiếm các mục tiêu, địch cũng tập trung lực lượng quyết phản kích giành lại và đã huy động máy bay chi viện cho bộ binh giữ Nước Trong - Long Thành bằng mọi giá. CCB Nguyễn Xuân Toàn hồi tưởng: “Thời tiết lúc ấy nắng nóng, bộ đội ta hành quân tiến đánh nhiều ngày, trên người chỉ có một bi-đông nước, đến khi ấy cũng đã thiếu nước uống nghiêm trọng. Trên trời, dưới đất, kẻ địch chống trả, ngăn chặn, giằng co quyết liệt. Ðây thật sự là trận đọ sức khốc liệt, mở đường cho lực lượng thọc sâu tiến vào Sài Gòn”. Sáng 29/4, Sư đoàn 304 tiếp tục tổ chức tiến công tổng lực vào căn cứ Nước Trong và ngã ba đường số 15, đến 10 giờ cùng ngày đã làm chủ toàn bộ khu vực. Trận đánh căn cứ Nước Trong thắng lợi đã mở toang “cửa ngõ” cho lực lượng thọc sâu là Sư đoàn 304, Lữ đoàn xe tăng 203, Trung đoàn 66, Tiểu đoàn 7 cao xạ, Ðại đội pháo 85 và các lực lượng khác theo sau lập tức đánh thốc vào các mục tiêu đã định trong nội thành Sài Gòn.
Sáng ngày 30/4/1975, Trung đội của CCB Nguyễn Xuân Toàn tiếp tục hội quân cùng Lữ đoàn xe tăng 203 nhận lệnh tiến vào Dinh Độc Lập - cứ điểm cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Trên đường, pháo của địch từ phía xa vẫn liên tiếp nã về phía đoàn tăng, ông cùng đồng đội lên tục hỗ trợ vác đạn tăng tiếp tế và trực tiếp dùng súng AK, M79 bắn trả quyết liệt. Sau khi chiếc xe tăng mang số hiệu 390 không do dự húc tung cánh cổng sắt Dinh Độc Lập, từng đoàn tăng tiến vào chiếm giữ Dinh Độc Lập. Nhớ lại khoảng khắc lịch sử ấy, CCB Nguyễn Xuân Toàn kể lại: Khi xe tăng chúng tôi đã tiến vào Dinh Độc Lập, tôi và các đồng đội vội nhảy khỏi xe, cầm theo khẩu AK cứ thế lao thẳng vào Dinh. Lúc này, tôi nhìn vào trong thấy rất đông người, mới biết đấy là thời điểm Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 đang yêu cầu chính quyền của Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng. Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh nói: “Chúng tôi đang chờ Quân Giải phóng vào để bàn giao”. Ngay lập tức, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ trả lời: “Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả”; rồi bắt Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng. Khi ra đến cửa, Đại úy Thệ giao nhiệm vụ cho tôi: “Đồng chí Toàn cho lực lượng ra bảo vệ khu vực phía Đông, nếu phát hiện thấy địch thì tiếp tục tổ chức tác chiến”. Trước thời khắc thống nhất non sông lịch sử ấy, chúng tôi vẫn không quên nhiệm vụ, tiếp tục căng mình giữ vững an toàn mục tiêu.
Ký ức ngày giải phóng miền Nam luôn sống mãi trong lòng người lính Sư đoàn 304 năm ấy. Hai bên đường rợp cờ hoa, tiếng hò reo vang dội. Người dân ùa ra, tay bắt mặt mừng, trao từng bó hoa, nụ cười rạng rỡ. Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má. Và trong trái tim người lính, đó là khoảnh khắc thiêng liêng – không chỉ là chiến thắng, mà là ngày đất nước sum họp, Bắc Nam liền một dải, lòng người hòa chung nhịp đập tự do.
3. Với cựu chiến binh Nguyễn Bá Quý (Ban liên lạc Sư đoàn 304), khi nhớ về một thời lửa đạn, ông đã chia sẻ: Tuổi mười tám, đôi mươi, bước vào cuộc chiến với hào khí của tuổi trẻ, chúng tôi lên đường với quyết tâm sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để giành độc lập dân tộc. Trong trận chiến, không ít lần chết hụt và bị thương nặng tưởng không thể tiếp tục chiến đấu nhưng rồi, với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, tôi và nhiều đồng đội vẫn vượt qua được gian khó, hiểm nguy, kiên trì cho đến ngày toàn thắng, đất nước được độc lập, dân tộc được tự do.
Ông Nguyễn Bá Quý cùng vợ ôn lại trang sử hào hùng của Sư đoàn 304. Ảnh: Hương Giang
Sau giải phóng Sài Gòn, ông Nguyễn Bá Quý tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chứng tích của chiến tranh vẫn theo ông đến tận bây giờ khi một mảnh đạn vẫn còn ghim trong lồng ngực. Nhưng ông cho rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội khác vì họ đã không được chứng kiến giờ phút chiến thắng và trở về. Họ mãi mãi nằm lại nơi chiến trường để chúng ta được hưởng cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay.Khắc ghi và tự hào về truyền thống đơn vị anh hùng, các cựu chiến binh Sư đoàn 304 (Hà Nam) trở về đời thường tiếp tục phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Nhớ về một thời hoa lửa, các cựu chiến binh đã luôn đoàn kết, sát cánh cùng nhau, gương mẫu hăng hái đi đầu trên mọi mặt trận. Nhiều cựu chiến binh đã trở thành những tấm gương sáng trong phát triển sản xuất, kinh doanh; tích cực tham gia các hoạt động tình nghĩa, nhân đạo, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở khắp các chiến trường với ước nguyện đưa được nhiều nhất những liệt sĩ đã hy sinh trở về với đất mẹ. Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để các CCB Sư đoàn 304 nhắc nhớ lại một thời hào hùng, thêm trân quý và quyết tâm giữ vững thành quả cách mạng, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Phương Dung - Nguyễn Khánh