Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh sinh năm 1939, quê ở Sóc Sơn, Hà Nội, nhập ngũ năm 24 tuổi. Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với chiến trường miền Đông Nam Bộ với nhiều trận đánh giải phóng Định Quán, Đồng Xoài, Phước Long, Lâm Đồng, Xuân Lộc, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đồng chí Nguyễn Ngọc Doanh là Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, nhận nhiệm vụ đánh hướng Đông vào giải phóng Sài Gòn.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh thăm lại chiến trường xưa, xúc động nhớ về đồng đội
Theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, Xuân Lộc được chính quyền ngụy xem là “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông. Sau hơn 10 ngày đêm ròng rã mở "cánh cửa thép" Xuân Lộc, lực lượng của ta đã chiến đấu anh dũng. Đến ngày 21-4, “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị phá tan làm suy sụp tinh thần chiến đấu của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, tạo bàn đạp cho các cánh quân của ta đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sau giải phóng Xuân Lộc, đồng chí Nguyễn Ngọc Doanh chỉ huy cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 141 tiến đánh Trảng Bom, Hố Nai (Biên Hòa). Trung đoàn 141 được nhận lá cờ để cắm trên nóc dinh Độc Lập. Tuy nhiên, trên đường tiến vào Sài Gòn, do gặp phải sự phản công quyết liệt của địch nên mũi tiến công bị chậm lại. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh kể: “Trước đó, ngày 29-4, trong lúc tiến quân về Sài Gòn, khi đến Hố Nai, Sư đoàn 7 bất ngờ bị “tiểu đoàn cọp đen”, xe tăng và lính bảo an của địch ẩn nấp trên tháp chuông của các nhà thờ ngăn chặn, tấn công quyết liệt. Hai xe tải của Quân giải phóng bị quân ngụy bắn, khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Trước tình hình đó, Sư đoàn 7 buộc phải dừng lại tổ chức lực lượng để tiêu diệt địch rồi mới hành tiến theo hướng cầu Ghềnh”.
Đêm 29, rạng sáng 30-4, Trung đoàn 141 được lệnh tiến quân thọc sâu vào Sài Gòn, nhưng khi vừa đến cầu suối Săn Máu (Biên Hòa) thì gặp địch đánh chặn. Lúc đó, đơn vị buộc phải triển khai đội hình chiến đấu chiếm tháp chuông (Biên Hòa). Tiếp theo, đơn vị cơ động đến cầu Mới (cầu Hóa An hiện nay) nhưng cầu bị đánh sập hai nhịp. Đội hình phải quay ra Quốc lộ 1 tiến quân vào ngã ba Vũng Tàu.
Khi qua cầu Thị Nghè tới đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), Quân giải phóng tiếp tục bị cản trở bởi các chướng ngại vật như thùng phuy, bao cát ngổn ngang trên đường. Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ cắm cờ trên dinh Độc Lập, nhưng vào chậm 30 phút. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh chia sẻ: “Lúc đó, Quân đoàn 2 đã cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập, đồng chí Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong mới đùa vui anh em rằng: “Quân đoàn 2 cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập, ta cắm dưới đất”. Sau bao nhiêu năm chiến đấu ròng rã mới được đặt chân đến nóc dinh Độc Lập, chứng kiến cánh cổng thép bị húc đổ, nước mắt tôi cứ trào ra hòa cùng niềm vui chiến thắng của dân tộc”. Ngay sau giải phóng, Trung đoàn 141 được giao nhiệm vụ quân quản tại quận 1, từng bước xây dựng chính quyền mới.
50 năm trôi qua, sự kiện ngày toàn thắng, non sông nối liền một dải vẫn vẹn nguyên trong ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh. Niềm hạnh phúc quá lớn, khi nhắc lại ông vẫn chực trào nước mắt. Ông nhớ đến bao đồng đội đã đổ máu xương cho ngày vui thống nhất. Hàng chục năm qua, đôi chân Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh vẫn lặng lẽ đi về các chiến trường xưa để tìm đồng đội. Đến nay, ông đã phối hợp với các lực lượng chức năng tìm được gần 300 hài cốt liệt sĩ, trong đó có hơn 50 hài cốt liệt sĩ xác định được danh tính và đưa về an nghỉ ở quê hương. Đó là cái nghĩa, cái tình của vị tướng già dành cho đồng đội đã hy sinh, để đất nước “nở hoa độc lập”.
Bài và ảnh: BẠCH THIẾT