Chính quyền Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng những năm qua đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các chương trình đầu tư tôn tạo, chỉnh trang đô thị và phục hồi “quỹ xanh” đô thị.
Những ngôi nhà cổ kính, những con đường uốn lượn, những mặt hồ lấp lánh ẩn hiện trong một không gian mềm mại, uyển chuyển với hoa lá, cỏ cây. Tuy nhiên, năm tháng đi qua, không gian ấy đang cần sự nỗ lực tái tạo và phát triển của chính quyền và nhân dân địa phương…
Chính quyền Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng những năm qua đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các chương trình đầu tư tôn tạo, chỉnh trang đô thị và phục hồi “quỹ xanh” đô thị. Bộ mặt thành phố vẫn giữ được sự thông thoáng, xanh sạch. Người dân Đà Lạt vốn có ý thức trong việc trồng hoa và cây cảnh, tạo nên sự hài hòa và phù hợp với không gian sống của từng hộ gia đình, với tập quán và lối sống của con người ở xứ sở này.
Đến với Đà Lạt, du khách vẫn được tiếp xúc với một đô thị mà màu xanh của hoa lá, cỏ cây vẫn đang là gam màu chủ đạo. Hoa và cây xanh được chăm chút ở nhà vườn, công sở, trên mỗi khu dân cư, len vào các ban-công, tường rào, trên mỗi lối đi.
Từ nhiều năm trước, Đà Lạt đã tích cực tái tạo không gian đô thị giữa thiên nhiên như từng vốn có. Quyết định số 257/QĐ- TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) và vùng phụ cận đến năm 2045, cũng định hướng quy hoạch dài hạn về tổ chức không gian.
Trong đó xác định rõ, cùng với các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, “phố trong rừng, rừng trong phố” là yếu tố sống còn cần tiếp tục được bảo tồn, phát triển. Luôn xác định, rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất, thời gian qua, địa phương ban hành nhiều nghị quyết nhằm đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên và trồng rừng bổ sung. Theo Ban Quản lý rừng Lâm Viên, trong 10 năm qua, đơn vị này đã trồng hơn 300 ha rừng, góp phần vào việc tăng độ che phủ rừng của thành phố đạt hơn 52% hiện nay.
Có thể thấy, rừng ở Đà Lạt đã và đang được bảo vệ ngày càng tốt hơn, chính quyền, các tổ chức và người dân ngày càng quan tâm và chú trọng đến công tác phát triển rừng. Điều này cho thấy sự quyết tâm và tầm nhìn của thành phố trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Cũng chỉ ở Đà Lạt, có sáng kiến mỗi du khách góp một cây xanh cho thành phố. Đây là chương trình được Công ty Saigontourist, Công ty JVC và một số cơ quan khác chủ trì trong nhiều năm qua. Ủy ban châu Âu và thành phố của nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu cũng đã chọn thành phố cao nguyên để triển khai dự án xây dựng Đà Lạt là thành phố xanh đầu tiên của Việt Nam. Ngoài ra, để thực hiện chương trình nghị sự thế kỷ 21 của Việt Nam thuộc dự án VIE/01/021, thành phố cũng đã triển khai dự án “xây dựng thí điểm chương trình hành động vì sự phát triển bền vững của thành phố Đà Lạt”.
Chính việc tham gia những chương trình, dự án này đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân địa phương và du khách về môi trường, sinh thái; đồng thời nâng cao trình độ quản lý của cán bộ địa phương trong lĩnh vực này cũng như cải thiện một bước về hạ tầng đô thị trong xu thế phát triển bền vững.
Thời gian gần đây, việc áp dụng các mô hình trồng rừng đa dạng trên địa bàn cũng mang lại những kết quả ấn tượng. Cùng với các chủ rừng thì các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức cùng chung tay và thể hiện trách nhiệm bằng nhiều hoạt động như tài trợ cây giống, tham gia các dịp phát động trồng cây, hỗ trợ kinh phí để các tổ chức, địa phương trồng rừng. Mới đây, tuổi trẻ Lâm Đồng ra quân trồng 2.000 cây xanh tại địa bàn Phường 7 là một hành động đáng khích lệ.
Chính quyền thành phố Đà Lạt cũng chú trọng trong việc xây dựng thêm những khu hoa viên và cây xanh tập trung. Ngoài công viên hoa trung tâm thành phố có diện tích gần 17 ha với rất nhiều chủng loại hoa và cây cảnh độc đáo, Đà Lạt đã đầu tư vào khu vực nội thành với hơn 20 tiểu công viên và hàng chục nút giao lộ xanh với tổng diện tích hơn 10 ha.
Mỗi dịp tổ chức Festival hoa, Đà Lạt đầu tư xây dựng thêm nhiều tiểu công viên, nhiều tháp hoa mới hoặc chỉnh trang các tiểu cảnh ở các giao lộ; nhiều con đường được trồng hoa và cây xanh mới; nhiều cơ quan, công sở, nhà dân đã tô đẹp thêm cho các khuôn viên.
Trên các trục đường chính được bố trí thêm nhiều bồn hoa, chậu hoa, túi hoa, cành hoa các loại. Hoa và cây xanh đã tạo nên sự thú vị và hấp dẫn riêng cho những con đường uốn lượn quanh co và những công trình kiến trúc của đô thị có địa hình rất độc đáo này.
Đà Lạt cũng là một trong những địa phương duy trì được hội hoa xuân hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Xây dựng Đà Lạt là thành phố festival hoa đầu tiên ở Việt Nam, đến năm 2024 đã tổ chức 10 kỳ, cũng là một sáng kiến độc đáo và rất phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của vùng đất này…
Trên hành trình hướng tới đô thị xanh, Đà Lạt vẫn còn gặp không ít khó khăn. Sự phát triển kinh tế-xã hội cùng với sự gia tăng dân số và phát sinh những khu dân cư ồ ạt thiếu quy hoạch chặt chẽ đã gây ảnh hưởng nhất định đến cảnh quan đô thị và môi trường sinh thái thành phố theo hướng tiêu cực trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, Đà Lạt vẫn chưa chủ động xây dựng một “kịch bản” thống nhất, một quy hoạch chi tiết để quản lý và phát triển hoa và cây xanh đô thị. Hệ thống cây xanh nội ô hiện nay chưa đủ đáp ứng cho yêu cầu của một đô thị sinh thái. Công tác huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển môi trường cảnh quan chưa được quan tâm đúng mức.
Việc tuyên truyền, vận động thường xuyên để nhân dân tham gia hưởng ứng các chương trình trồng hoa, cây xanh ở từng hộ gia đình chưa thật sự được chú trọng. Hoa và cây cảnh trong nhân dân có phát triển nhưng chưa thật sự trở thành một phong trào rộng khắp.
Bên cạnh đó, cùng với lượng du khách đến Đà Lạt tăng mạnh trong những năm gần đây, thì số lượng phương tiện lưu thông cũng tăng theo khiến cho hạ tầng giao thông của thành phố chịu nhiều áp lực. Một trong những giải pháp chính được tỉnh Lâm Đồng đưa ra nhằm giải quyết vấn đề này là mở rộng các tuyến đường.
Tuy nhiên, việc mở rộng đường đồng nghĩa với việc lấy vào không gian vỉa hè vốn có những hàng cây xanh nhiều năm tuổi. Khi nâng cấp mở rộng một số tuyến đường, cây xanh bị cưa hạ, di dời, nhưng số lượng cây xanh được trồng bù đắp, thay thế không tương xứng. Mới đây, tại dự án nâng cấp mở rộng đường Lê Hồng Phong, thành phố đã phải chặt hạ 52 cây sò đo cam, di dời một cây pơ mu, một cây mai anh đào.
Lý do được ngành chức năng đưa ra là do một số cây có dấu hiệu mục thân, khả năng tái sinh rễ kém, việc di dời để trồng lại, chăm sóc không khả thi. Chính quyền địa phương sẽ trồng “bù” 260 cây xanh các loại để tôn tạo cảnh quan, môi trường (tương ứng chặt một cây sẽ trồng thay thế năm cây), nhưng phải mất hơn 20 năm sau mới biết được liệu cây có sinh trưởng tốt và tạo mảng xanh thay thế hay không.
Tương tự, tại dự án nâng cấp mở rộng đường Hoàng Văn Thụ, thành phố cũng đề xuất chặt hạ 180 cây xanh, trong đó có 62 cây sò đo cam (đường kính 20-30 cm), 10 cây gỗ tạp (đường kính trung bình 27 cm), đặc biệt có 108 cây thông ba lá đường kính trung bình 47 cm, cao 15 m. Để đạt được kích thước lớn như vậy, cây thông ba lá phải mất hàng chục năm sinh trưởng, trong khi đây lại là loài cây đặc trưng của thành phố này.
Đồng thời, nếu tiếp tục chặt số lượng cây lớn trong khu vực trung tâm thành phố vốn đã giảm mạnh mảng xanh trong thời gian qua, sẽ khiến không gian nội đô Đà Lạt càng nặng nề bởi bê-tông, trong khi mật độ xây dựng ngày càng tăng, không gian sân vườn ngày càng thu hẹp. Đà Lạt sẽ không còn là một đô thị độc đáo, mang phong cách riêng khi bố cục tự nhiên bị xâm hại, khi chỉ còn tồn tại những công trình kiến trúc cứng nhắc và khô khan giữa một không gian thiếu vắng cây xanh và hoa.
Chính quyền thành phố và tỉnh Lâm Đồng cũng đã ý thức rất rõ giá trị không gian xanh của đô thị Đà Lạt, cũng như cảnh báo về sự phá vỡ cân bằng sinh thái, sự hao hụt quỹ cây xanh và hoa trong xu thế phát triển đô thị, phát triển các công trình xây dựng, dân cư tăng ồ ạt hiện nay. Chính vì vậy, rất khẩn thiết một đề án chi tiết trong việc bảo tồn và phát triển không gian xanh.
Trong đó, xác định một số mục tiêu cụ thể là: Đầu tư xây dựng các đường phố hoa, hàng rào hoa, ban-công hoa và tháp hoa tại các nút giao lộ. Tổ chức trồng các chủng loại hoa và cây xanh đặc trưng theo cụm, theo các tuyến đường chính vào thành phố. Tôn tạo các tiểu công viên nội ô, phát triển các mảng hoa ngắn ngày tại các công viên tập trung cũng như xây dựng các công viên mở.
Tổ chức trồng hoa, cây cảnh trang trí, xây dựng tiểu cảnh tại các công sở, trường học; khuyến khích trồng hoa trang trí trong các nhà ở gia đình và các khu vực kinh doanh dịch vụ. Phát triển cây xanh đường phố, cây lộ giới, cây phân tán theo các hệ thống kênh suối, các đỉnh đồi và các khu rừng nội ô tập trung và sẽ trồng thêm cây xanh nhân dân. Tổ chức tốt các chương trình hội thi hoa, cây cảnh hằng năm…
Để Đà Lạt trở thành một đô thị xanh, một thành phố sinh thái-văn hóa thật sự rất cần sự nỗ lực, góp sức từ nhiều phía mà quan trọng nhất là chính quyền và nhân dân địa phương.
Những năm gần đây, thành phố Đà Lạt có sáng kiến thành lập ban vận động “Phong trào phát triển hoa-cây xanh” và xây dựng quỹ “Xây dựng thành phố sinh thái-văn hóa, thành phố hoa, thành phố xanh” nhằm thu hút cả nội lực lẫn ngoại lực cho việc đầu tư tôn tạo và phát triển môi trường sinh thái đô thị theo hướng bền vững. Đây là một việc làm đáng ghi nhận và cần thiết nhân rộng. Nhân dân thành phố hoa và du khách mọi miền yêu mến Đà Lạt có quyền hy vọng về một đô thị xanh thật sự trong tương lai gần.
THÁI UÔNG