Đặc sắc Tết 3 miền

Đặc sắc Tết 3 miền
7 giờ trướcBài gốc
Mỗi dịp tết, gia đình chị Kiều Thị Thảo My (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) thường mặc những trang phục truyền thống như áo dài, áo bà ba
1. Là năm đầu tiên đón tết sau khi ra trường và đi làm, chị Kiều Thị Thảo My (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Do tính chất công việc là chuyên viên truyền thông cho một tờ báo lớn nên tôi khá bận rộn, đặc biệt là vào những ngày cuối năm. Càng gần Tết Nguyên đán, tôi càng háo hức, mong chờ dùng tháng lương đầu tiên để mua tặng cha mẹ những phần quà ý nghĩa”.
Là dân miền Tây “chính hiệu” nên gia đình Thảo My ăn tết có phần khác với miền Trung, miền Bắc. Do đặc trưng khí hậu vùng, miền nên chị thường chuẩn bị mâm cúng đơn giản, ưu tiên các món nguội, bảo quản được lâu và những loại bánh mứt, trái cây đậm chất Nam Bộ.
“Từ đầu tháng Chạp, mẹ tôi bắt đầu làm lạp xưởng, bánh in, các loại mứt truyền thống, củ kiệu, bánh tét. Chiều 29 tết, gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng rước ông bà, tổ tiên. Trong những ngày tết, gia đình tôi thường lựa chọn những món ăn thích hợp, ví dụ như thịt kho hột vịt, canh khổ qua hầm, gà, vịt luộc,...” - chị Thảo My nói.
Từ xa xưa, mai vàng đã trở thành nét đẹp văn hóa trong Tết Cổ truyền của Nam Bộ, biểu trưng cho sự sung túc, an vui, mang đến điềm lành cho gia chủ. Do vậy, gia đình chị Thảo My trồng hẳn một vườn mai lớn. Những ngày này, mọi người trong gia đình bắt đầu tuốt lá mai, cùng nhau chuyện trò về một năm vừa qua.
Mong muốn lưu giữ giá trị của trang phục truyền thống, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, cả nhà chị lại chuẩn bị áo dài, áo bà ba đồng bộ để các bà, các dì, các cháu cùng "diện". Chị Thảo My cho biết: “Mẹ tôi là thợ may nên bà rất thích tìm tòi các mẫu mới, sau đó mua các cây vải cùng màu về may áo dài, áo bà ba. Làm vậy vừa vui, đúng ý cả nhà, vừa lưu giữ nét đẹp của các trang phục truyền thống”.
2. Ở miền Bắc, Tết Nguyên đán mang đậm nét văn hóa truyền thống với những phong tục độc đáo. Từ việc chuẩn bị mâm ngũ quả, gói bánh chưng đến trang trí nhà cửa, mọi người đều háo hức làm để đón chờ một năm mới an lành, hạnh phúc.
Chị Trần Thị Phương Thảo (quận Đống Đa, TP.Hà Nội) sum họp cùng người thân vào dịp Tết Nguyên đán
Biểu tượng không thể thiếu của Tết Nguyên đán ở miền Bắc là hoa đào, cành quất. Những nhành đào hồng, cành quất trĩu quả mang đến không khí xuân tươi mới cho mọi nhà. Cùng với đó, mâm ngũ quả gồm 5 loại quả tượng trưng cho ngũ hành cũng được bài trí trang trọng trên bàn thờ, thể hiện mong muốn về một năm mới đủ đầy, sung túc.
Năm nào gia đình chị Trần Thị Phương Thảo (quận Đống Đa, TP.Hà Nội) cũng tất bật chọn các loại trái cây chưng bàn thờ gia tiên, mua cành quất, cành đào về chưng tết. “Vào các ngày cuối năm, khối lượng công việc của nhân viên văn phòng nhiều hơn nhưng tôi vẫn cố gắng dành thời gian cùng bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, đón chào năm mới. Năm nay tôi có kế hoạch về tỉnh Vĩnh Phúc cùng nội, ngoại hai bên ăn tết”.
Chị cho biết mâm cỗ ở miền Bắc cũng khác biệt so với miền Nam, miền Trung khi có bánh chưng, thịt đông, dưa hành, canh măng,... Việc quây quần gói bánh chưng, thức đêm canh bánh chín giúp gia đình thêm gắn kết tình cảm.
Ngoài ra, chị và người thân còn có nhiều hoạt động thú vị khác như dựng cây nêu, cúng ông Công, ông Táo, đi chùa, xông đất, lì xì,... tương tự hai miền Nam, miền Trung.
3. Nằm giữa hai miền Bắc - Nam, miền Trung là nơi giao thoa của những nét đẹp truyền thống ngày Tết Cổ truyền. Ẩm thực ở đây là sự pha trộn tinh tế giữa hương vị cay nồng đặc trưng và sự ngọt ngào, mặn mà, tạo ra những món ăn hấp dẫn như thịt heo kho củ cải, nem chua, bánh xèo, bún bò Huế, mì Quảng. Bên cạnh đó, những lễ hội truyền thống, những điệu dân ca cũng mang đậm dấu ấn của vùng đất đầy nắng và gió.
Sau một năm bộn bề, anh Nguyễn Huệ Phong (thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) sẽ dành thời gian về quê ăn tết
Anh Nguyễn Huệ Phong (thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: "Ở quê tôi, món ăn có hương vị cay nồng và mặn hơn nhiều món miền Nam, miền Bắc. Mấy ngày cận tết, xóm tôi thường làm bánh tét, mứt gừng, mứt dừa. Trong các ngày mùng, chúng tôi thăm hỏi, chúc tết, rủ nhau đi Lễ hội đua thuyền tứ linh huyện Lý Sơn”.
Dải đất miền Trung thường chịu thiên tai, bão lũ nên người dân chú trọng khâu lựa chọn mâm ngũ quả để cầu một năm ấm no, đủ đầy, thường sẽ có những loại trái cây phổ biến như sung, dừa, đu đủ, mãng cầu và kiêng kỵ chưng cam, quýt để tránh “cam chịu”, “khổ ải”.
Dù cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi nhưng những giá trị truyền thống của Tết Nguyên đán vẫn được người dân mọi miền Tổ quốc gìn giữ, phát huy./.
Ngọc Hân
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/dac-sac-tet-3-mien-a188927.html