Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)
Cần tiếp tục rà soát, xem xét các loại hóa chất nguy hại
Sáng 8/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi).
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) đề cập quy định về hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm và đề nghị rà soát xem xét các loại hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm sản xuất.
Ngoài ra, cần bổ sung áp dụng hình phạt nặng trong trường hợp vi phạm gây mất an toàn và áp dụng mức phạt cao hơn đối với các vi phạm nghiêm trọng gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người và môi trường hoặc gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Theo đại biểu, các quy định của dự thảo luật liên quan các loại hóa chất này vẫn chưa cụ thể và chưa thể hiện được tính nghiêm khắc khi xử lý vi phạm, do đó cần bổ sung các biện pháp truy xuất nguồn gốc, quản lý vận chuyển qua “hóa đơn điện tử”, dấu vết sản phẩm…
Nữ đại biểu dẫn Luật Hóa chất và Nghị định 113/2017/NĐ-CP mặc dù đã có những quy định việc mua bán chất xyanua phải có phiếu kiểm soát nhưng pháp luật lại không quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện nào thì mới được mua, sử dụng chất xyanua.
Trong Nghị định 113 không có quy định về xyanua là hóa chất cấm mà chỉ quy định điều kiện quản lý… Đồng thời, các quy định hiện hành cũng không có quy định về việc người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua mới được bán.
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)
“Điều này đã dẫn đến tình trạng mua bán chất xyanua diễn ra phổ biến, tràn lan trên thị trường và trên thực tế trong thời gian vừa qua có khá nhiều vụ án thương tâm liên quan đầu độc bằng hóa chất”, bà Khánh Thu nêu thực tế.
Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát và thống nhất quy định trong nghị định rõ các nhóm hóa chất theo đúng như dự thảo luật đang xây dựng, cùng với đề nghị bổ sung quy định: Doanh nghiệp muốn sản xuất/nhập khẩu xyanua phải đăng ký cụ thể mục đích sử dụng, số lượng, cam kết biện pháp quản lý rủi ro; quy định chặt chẽ về đóng gói, ghi nhãn, khai báo vận chuyển và lưu trữ; chất thải chứa xyanua phải được xử lý theo quy trình đặc biệt, nghiêm cấm xả thải ra môi trường.
Tham gia một số ý kiến cụ thể đối với dự thảo luật, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) bày tỏ sự quan tâm đến quy định về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 3).
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)
Theo đại biểu, hiện nay tình trạng lợi dụng nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử, sàn giao dịch trực tuyến để rao bán, quảng bá hóa chất nguy hiểm (nhất là tiền chất ma túy, hóa chất dễ cháy nổ...) diễn ra rất phổ biến. Các hành vi này ẩn danh, khó truy xuất, có nguy cơ xâm hại an ninh hóa chất và an toàn cộng đồng, nhưng lại chưa được quy định rõ ràng trong hành vi nghiêm cấm.
Do đó, đại biểu đề xuất bổ sung khoản mới vào Điều 3 hành vi bị nghiêm cấm là: “Lợi dụng nền tảng số, mạng xã hội, website, sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng cáo, rao bán, kinh doanh, cung cấp hóa chất nguy hiểm trái pháp luật”.
Đồng thời, nên có quy định giao trách nhiệm cho Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Công thương, Bộ Công an trong kiểm tra, xử lý vi phạm trên môi trường mạng.
Quản lý chặt để bảo đảm an toàn
Đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)
Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, ngành công nghiệp hóa chất là một trong những ngành kinh tế quan trọng, có vai trò thiết yếu trong nhiều lĩnh vực như: Công nghiệp sản xuất, nông nghiệp, y tế, dược phẩm, bảo vệ môi trường...
Tuy nhiên, đây cũng là ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho con người, môi trường và nền kinh tế.
Đại biểu Sơn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đề nghị, dự thảo luật bổ sung quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về hóa chất, ngoài ra cần có nội dung trách nhiệm của các đoàn thể trong phát hiện, phối hợp, xử lý vi phạm về an toàn hóa chất, quy chế phối hợp các cấp, các ngành trong xử lý tình huống nguy cấp về hóa chất.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất lớn phải có hệ thống xử lý chất thải hóa chất; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra sự cố hóa chất; quy định cụ thể lực lượng ứng phó với sự cố tại cơ sở hóa chất.
Cũng liên quan an toàn hóa chất, đại biểu Thạch Phước Bình phân tích, dự thảo chưa có quy định bắt buộc kiểm định định kỳ hệ thống, thiết bị, điều kiện an toàn hóa chất, đặc biệt với cơ sở quy mô lớn hoặc có rủi ro cao.
Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường. (Ảnh: DUY LINH)
Thực tiễn cho thấy nhiều vụ cháy nổ, rò rỉ, phát tán hóa chất xảy ra thời gian qua cho thấy lỗ hổng trong giám sát kỹ thuật định kỳ tại các cơ sở hóa chất, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Luật hiện hành về phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động có quy định kiểm định thiết bị định kỳ, nhưng chưa có cơ chế tích hợp, kiểm định chuyên sâu riêng cho ngành hóa chất. Việc thiếu kiểm định định kỳ dẫn đến tình trạng thiết bị lạc hậu, xuống cấp, hệ thống xử lý khẩn cấp không hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ sự cố hóa chất nghiêm trọng.
Từ đó, đại biểu Đoàn Trà Vinh đề xuất bổ sung một khoản mới vào Điều 35 (hoặc bổ sung Điều 36): “Cơ sở hóa chất có quy mô lớn hoặc sử dụng hóa chất nguy hiểm theo danh mục do Chính phủ ban hành phải thực hiện kiểm định định kỳ hệ thống an toàn kỹ thuật, thiết bị sản xuất, lưu trữ, xử lý sự cố hóa chất tối thiểu 1 lần mỗi 3 năm bởi tổ chức đủ điều kiện kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền chỉ định”.
Giao trách nhiệm tổ chức thực hiện và hậu kiểm: “Cơ sở hóa chất có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ kết quả kiểm định và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thanh tra chuyên ngành. Trường hợp không thực hiện kiểm định, không đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền được đình chỉ hoạt động hoặc yêu cầu khắc phục trong thời hạn cụ thể”.
Đề nghị Chính phủ ban hành danh mục và hướng dẫn cụ thể: “Chính phủ quy định chi tiết danh mục cơ sở, loại hình thiết bị, nội dung và tần suất kiểm định kỹ thuật định kỳ trong hoạt động hóa chất; tiêu chí tổ chức đủ năng lực thực hiện kiểm định an toàn hóa chất”.
Theo đại biểu, việc bổ sung các quy định này nhằm bảo đảm tính chủ động phòng ngừa, thay vì chỉ phản ứng sau sự cố; tạo nền tảng cho việc hình thành thị trường dịch vụ kỹ thuật-kiểm định hóa chất, đồng thời bảo vệ an toàn cộng đồng, môi trường sống và uy tín ngành hóa chất trong quá trình hội nhập.
Tạo động lực phát triển công nghiệp hóa chất nền tảng
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)
Tại phiên thảo luận, thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi).
Về lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm, Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm (tại Điều 8 của dự thảo Luật) là cần thiết.
Theo Bộ trưởng Công thương, các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm tại dự thảo luật đều là những lĩnh vực sản xuất có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hướng tới nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Đối với lĩnh vực hóa dược, theo phân loại của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), công nghiệp dược của Việt Nam được xếp loại ở mức 3 trên 5, nghĩa là "công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập khẩu".
Thực tế cũng cho thấy phần lớn nguyên liệu cần thiết cho sản xuất thuốc (như dược chất, tá dược) phải nhập khẩu (khoảng 90%), sản phẩm hóa dược trong nước mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu (khoảng 5,2% nhu cầu cho sản xuất thuốc tân dược và 20% nhu cầu cho thuốc đông dược).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, việc có chính sách ưu đãi mạnh mẽ, khả thi để phát triển công nghiệp hóa dược trong nước là rất cần thiết nhằm tăng khả năng tự chủ, ngăn chặn rủi ro thiếu thuốc thiết yếu, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Về xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, Bộ trưởng cho biết, việc xây dựng, thẩm định kế hoạch này đã được triển khai ổn định từ Luật Hóa chất năm 2007. Qua rà soát, đối chiếu cho thấy quy định về Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường có sự khác nhau về đối tượng, nội dung, yêu cầu kỹ thuật và thủ tục ban hành.
Bộ trưởng cho biết, việc tích hợp hai loại kế hoạch nêu trên sẽ gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình thực thi. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Quốc hội cho giữ nguyên quy định tại dự thảo luật, không tích hợp Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường.
Về một số vấn đề cụ thể liên quan chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất, nguyên tắc hóa học xanh, an toàn hóa chất, chất thải hóa chất, thông tin hóa chất, hóa chất trọng điểm, sự cố hóa chất, cắt giảm các thủ tục hành chính,... Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu và có giải trình cụ thể trong quá trình hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội thông qua.
TRUNG HƯNG