Giải phóng nguồn lực phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh

Giải phóng nguồn lực phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh
6 giờ trướcBài gốc
ĐBQH Phan Văn Mãi (TP. Hồ Chí Minh): Bảo đảm tiệm cận với pháp luật quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế
ĐBQH Phan Văn Mãi (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long
Tôi thống nhất rất cao với việc tổ chức Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực của Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Việc này rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm giúp giải phóng được nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là giúp ổn định xã hội đối với hai mảng này.
Nếu lần này chúng ta làm kỹ, có thể rà soát, bổ sung phần chức năng, nhiệm vụ của các tòa chuyên trách về phá sản và sở hữu trí tuệ, nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Dự thảo Luật đã quy định việc thành lập, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa chuyên trách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở nội dung trình của Tòa án Nhân dân tối cao. Bên cạnh các tòa chuyên trách về phá sản và sở hữu trí tuệ, tôi thấy rằng, cần thiết phải có thêm tòa chuyên trách về phán quyết trọng tài và kể cả là tòa chuyên trách về trung tâm tài chính.
Trung tâm Tài chính quốc tế không thể áp dụng pháp luật của Việt Nam mà cần phải áp dụng pháp luật quốc tế; định chế tài phán cũng phải áp dụng theo pháp luật quốc tế, phải là khác biệt. Dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù trung tâm tài chính tại Việt Nam thì chúng ta đang sử dụng một định chế tài phán là trọng tài. Tuy nhiên đây chỉ là hình thức ban đầu và chúng ta cần phải có một định chế tài phán chuyên biệt. Mô hình tổ chức tòa án của ta cần tiệm cận với thông lệ quốc tế nhằm theo kịp, hội nhập với thế giới.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính quốc tế cũng sẽ trình tại Kỳ họp này và khi các nhà đầu tư quốc tế vào thì người ta quan tâm đến việc “tiền của tôi vào ra có tự do hay không? Khi tôi có tranh chấp thì tôi có được phán quyết theo thông lệ quốc tế hay không và quyền lợi cuối cùng là quyền lợi của tôi có được đảm bảo như các trung tâm khác không?”. Do vậy, tôi đề nghị nghiên cứu thêm, rà soát để bổ sung vào dự thảo Luật, đặc biệt là trong phần nhiệm vụ của các tòa chuyên trách, bảo đảm sự ổn định tương đối và có thể áp dụng được ngay.
Trong dự thảo Luật lần này cần bảo đảm tiệm cận với hệ thống pháp luật quốc tế trong một số lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và thực thi pháp luật cũng cần phải có sự tham khảo thông lệ quốc tế. Đây là xu hướng tất yếu nếu chúng ta muốn hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta phải hội nhập với pháp lý quốc tế ở một số lĩnh vực và như vậy thì chúng ta cần có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực tư pháp. Do đó, nên có nghiên cứu, bổ sung thêm để thể hiện trong dự thảo Luật vấn đề này, theo hướng đây không chỉ là việc của ngành tòa án mà đây là việc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta phải có sự đầu tư nhất định cho nguồn nhân lực tư pháp, bên cạnh việc đầu tư cho hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng pháp lý… để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định): Mở rộng nguồn đối tượng xem xét, bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long
Với mô hình tổ chức 3 cấp, thẩm quyền chức năng, nhiệm vụ của TAND tối cao, TAND cấp tỉnh, TAND khu vực cũng thay đổi, TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm, nhưng phúc thẩm phải là TAND tối cao, việc dồn lên TAND tối cao là khá nhiều, trước đây còn có TAND cấp cao - cấp trung gian, đỡ việc cho TAND tối cao. Khi không còn TAND cấp cao, toàn bộ thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm dồn lên TAND tối cao. Do vậy, đòi hỏi TAND tối cao phải cơ cấu lại để phù hợp với tình hình mới.
Từ thực tế trên, tôi thống nhất với đề xuất tăng số lượng Thẩm phán TAND tối cao từ 13 đến 17 người (theo quy định Luật hiện hành) lên 23 đến 27 người để có đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm mới tiếp nhận từ TAND cấp cao, bảo đảm chất lượng và thời hạn xét xử.
Cùng với việc tăng số lượng người thì cách thức tổ chức của TAND tối cao cũng phải khác, cần tổ chức có các Tòa Phúc thẩm TAND tối cao như đề xuất của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, TAND tối cao cũng cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ kèm theo để xử lý số lượng đơn giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều như hiện nay.
Tôi thống nhất với điều kiện để mở rộng nguồn đối tượng xem xét, bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao trong trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định, theo đó nhân sự được đề nghị bổ nhiệm phải đang là Thẩm phán TAND, có đủ 5 năm trở lên làm Vụ trưởng Vụ chuyên môn nghiệp vụ tại TAND tối cao và số lượng người được đề nghị bổ nhiệm theo quy định này không quá 10% tổng số Thẩm phán TAND tối cao. Hiện nhiều đồng chí Vụ trưởng Vụ chuyên môn nghiệp vụ tại TAND tối cao rất giỏi, vì chuyên tham mưu cho Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về các vụ việc mà TAND tối cao xét xử. Đây là những cán bộ công tác lâu năm, có nhiều kinh nghiệm.
ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam): Tránh kéo dài thời gian xét xử các bản án, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp
ĐBQH Dương Văn Phước phát biểu tại tổ. Ảnh: Hồ Long
Việc tổ chức Tòa án nhân dân theo mô hình 3 cấp (Tòa án nhân dân tối cao, cấp tỉnh và khu vực) là một bước đi đột phá, giúp tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng xét xử.
Tại khoản 1, Điều 1 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 4 tổ chức và thẩm quyền thành lập, giải thể các Tòa án nhân dân. Để bảo đảm hiệu quả hoạt động và phân bổ nguồn lực hợp lý đối với Tòa án nhân dân khu vực, thì cần bổ sung một khoản quy định về tiêu chí để thành lập, giải thể Tòa án nhân dân khu vực đó. Theo đó, việc thành lập, giải thể Tòa án nhân dân khu vực phải dựa trên các tiêu chí cụ thể, bao gồm số lượng vụ án trung bình hàng năm, dân số khu vực, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, và các yếu tố liên quan khác, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết.
Đối với khoản 6, Điều 1 dự thảo Luật quy định bổ sung Điều 49a về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, tôi đề xuất thêm một khoản quy định “Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao phải hoàn thành việc xem xét và giải quyết vụ án trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày thụ lý, trừ trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định”.
Quy định như trên sẽ giúp bảo đảm hiệu lực, hiệu quả tư pháp, tránh kéo dài thời gian xét xử các bản án, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Chỗ này cũng không khó để thấy khi thực hiện mô hình tổ chức hệ thống Tòa án 3 cấp sẽ gây áp lực cho người dân và doanh nghiệp.
Tại khoản 25, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 128 để tăng cường công tác đánh giá hiệu quả, năng lực hoạt động của Hội thẩm nhân dân trước khi tái bổ nhiệm. Về nội dung này, tôi đề xuất bổ sung thêm một khoản vào điều này, cụ thể đó là: “Trước khi tái bổ nhiệm, Hội thẩm nhân dân phải được đánh giá về hiệu quả hoạt động, bao gồm mức độ tham gia xét xử, năng lực xét xử việc tuân thủ thực hiện pháp luật, theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân khu vực.
T.Chi - H.Ngọc - P.Thủy ghi
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/giai-phong-nguon-luc-phat-trien-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-10371809.html