Góp ý vào dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) tán thành với đề xuất ban hành luật theo trình tự rút gọn. Trong điều khoản quy định tổ chức bộ máy của tòa án, đại biểu Dương Khắc Mai đồng tình với dự thảo khi kết thúc hoạt động của tòa án nhân dân cấp cao và tòa án cấp huyện. Các tòa án quân sự được giữ nguyên như luật hiện hành.
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) băn khoăn về nội dung “mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán tòa án nhân dân tối cao là vụ trưởng và tương đương”. “Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội phê chuẩn, chức danh này khác với chức danh kiểm sát viên viện kiểm sát nhân dân tối cao. Do đó, nguồn bổ nhiệm từ hàm vụ trưởng và tương đương để làm thẩm phán tối cao là hạ thấp tiêu chuẩn, tôi không đồng ý”, đại biểu Nguyễn Trường Giang bày tỏ quan điểm.
Đặc biệt, đối với nội dung đề xuất tăng số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13-17 lên 23-27 người, đại biểu Nguyễn Trường Giang khẳng định, nếu cách làm không thay đổi, thì có tăng thêm 10 đến 100 thẩm phán nữa cũng không ổn.
Đại biểu dẫn chứng “Trước khi có Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, với cách làm cũ, thẩm phán làm việc tại Tòa án nhân dân tối cao là 120 người để làm công việc giám đốc thẩm, nhưng vẫn không xuể. Hiện nay đề xuất lên 23-27 thẩm phán để xử lý toàn bộ công việc giám đốc thẩm của tòa án nhân dân cấp cao chuyển cho tòa án nhân dân tối cao. Đại biểu đề nghị thay đổi cách thức thực hiện công việc, không phải mọi thứ có thể đưa ra hội đồng Tòa án nhân dân tối cao; thay đổi cách xem xét kiến nghị giám đốc thẩm. “Không thay đổi cách làm, 27 vị thẩm phán có thể họp cả ngày, cả đêm”, đại biểu nhận định.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu quan điểm. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Tiếp lời đại biểu Nguyễn Trường Giang, đại biểu Dương Khắc Mai đặt câu hỏi: có phải do chúng ta đang thiếu thẩm phán, mà bây giờ hạ thấp tiêu chuẩn của thẩm phán? Đại biểu đề nghị, tiêu chuẩn lựa chọn phải bằng hiện nay hoặc cao hơn. “Tính chất vụ việc, vụ án ngày càng phức tạp hơn. Các loại tội phạm nhiều lên, bên cạnh đó, việc bổ nhiệm thẩm phán phải có kinh nghiệm trong quá trình xét xử. Xét xử liên quan tới quyền con người, quyền công dân, đến sinh mạng chính trị của tổ chức, cá nhân” đại biểu đề nghị.
Đại biểu Dương Khắc Mai. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Trao đổi lại với các đại biểu về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Kiểm sát nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, 2 luật này có liên quan với nhau. Trước đó, Ủy ban Pháp luật Tư pháp đề nghị Chính phủ 3 vấn đề phải xin ý kiến Bộ Chính trị (nâng số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13-17 lên 23-27 người; tổ chức các tòa án phúc thẩm trong tòa án nhân dân tối cao; tổ chức 355 tòa án khu vực).
Một số ý kiến cho rằng, trong dự án luật “hạ tiêu chuẩn” bổ nhiệm thẩm phán, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, việc này không phải hạ thấp, có thể gọi là “mở rộng đối tượng”, nhưng thực tế, để đạt được các tiêu chuẩn bổ nhiệm là rất khó. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng bày tỏ quan điểm, không thể bổ nhiệm thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đối với hàm vụ trưởng chung chung, mà phải vụ trưởng chuyên môn, nghiệp vụ tại tòa án nhân dân, có thời gian trên 5 năm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng thông tin thêm về quá trình hoàn thiện 3 dự án luật trên. Việc sửa 3 dự án luật để đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặc biệt là bộ máy của hệ thống thanh tra, tòa án, viện kiểm sát. Khi tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, ban soạn thảo đã cố gắng sắp xếp các luật để trình cùng nhau, thảo luận cùng nhau.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, 3 luật trên do 3 cơ quan xây dựng đề án rất quy mô, nhiều thông tin, sau đó trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Bộ Chính trị đã có kết luận, nếu thể chế hóa trong luật có gì khác, thì phải xin ý kiến lại. “Dự án của 3 luật hôm nay trình ra Quốc hội, các cơ quan chủ trì đã tiếp thu nhiều ý kiến thẩm tra và đã chỉnh sửa hồ sơ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thông tin.
Tham gia góp ý vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Dương Bình Phú (Phú Yên) cho biết, với việc tổ chức các cơ quan thanh tra, sau khi tổ chức lại các đơn vị thanh tra theo mô hình 2 cấp, chắc chắn sẽ có những thay đổi về mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra, giữa cán bộ với nhau.
Đại biểu đề nghị làm rõ, bổ sung rõ hơn về các mối quan hệ này. Cùng với đó, làm rõ hơn quyền hạn của người tiến hành thanh tra; các quyền trong hoạt động thanh tra, bởi đây sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền của cá nhân, tổ chức. Đối với hoạt động thanh tra, đại biểu Dương Bình Phú nhận định, trong dự thảo xác định các cơ quan được giao thực hiện các chức năng thanh tra chuyên ngành trước đây (các bộ, các cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh…) chuyển sang thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành.
Đại biểu Dương Bình Phú. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Với nội dung này, theo đại biểu, trong hệ thống pháp luật hiện hành, chức năng kiểm tra được quy định ở rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trên thực tế nếu không có quy định cụ thể, thì việc triển khai hoạt động kiểm tra ở các cơ quan quản lý nhà nước khó khăn, do không rõ quy trình, thủ tục (do bộ, ngành cơ bản không còn chức năng thanh tra).
“Nếu không có hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện hoạt động kiểm tra sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhà nước. Do đó, tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm nguyên tắc xử lý chồng chéo hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo đảm thực hiện không xảy ra thực trạng chồng chéo, dẫn đến các đối tượng quản lý nhà nước liên tục phải tiếp các đoàn kiểm tra, gây bức xúc”, đại biểu Dương Bình Phú nêu vấn đề.
ĐỖ TRUNG