Cần bổ sung thời gian chuyển tiếp thẩm quyền giữa 2 cấp tòa án
Chiều 8/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Tham gia thảo luận, ĐBQH Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) nói rằng, dự án luật trình Quốc hội đã nêu rõ việc kết thúc hoạt động của 3 Tòa án nhân dân cấp cao, không tổ chức Tòa án cấp huyện mà thay thế bằng mô hình Tòa án khu vực; giao nhiệm vụ chủ yếu là xét xử sơ thẩm cho Tòa án khu vực.
Theo đó, tất cả những nhiệm vụ của Tòa án cấp tỉnh được chuyển gần như cơ bản về cho Tòa án khu vực. Song, đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, nếu việc giao thẩm quyền được thực hiện ngay lập tức mà không có giai đoạn chuyển tiếp, hay thời gian để chuẩn bị thì chất lượng xét xử của tòa án khu vực không đáp ứng được yêu cầu.
"Với khối lượng công việc lớn như tòa án hiện nay thì số lượng thẩm phán không đủ để điều tiết cho phù hợp. Nếu chuyển giao quyền lực rất lớn cho tòa án khu vực ngay lập tức thì đây là một vấn đề đáng lo ngại", ông Thân nói.
ĐBQH Lê Xuân Thân (Ảnh: Phạm Thắng).
Tại khoản 1, Điều 2 Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của luật có liên quan có quy định: "Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12 như sau: Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là Tòa án nhân dân khu vực".
Góp ý nội dung này, ông Thân nói rằng, theo quy định hiện hành, tòa án cấp tỉnh sẽ đảm nhận vai trò này. Ông cho biết, trong Luật Trọng tài thương mại có một cơ chế là khi hội đồng trọng tài thương mại giải quyết và đưa ra phán quyết, nếu một trong các bên đương sự chứng minh được hội đồng trọng tài đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc cơ bản pháp luật Việt Nam, lúc này Tòa án cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền sẽ hủy phán quyết trọng tài.
Vị đại biểu cũng cho biết, việc xét xử trọng tài thương mại hiện nay chỉ có tòa án Hà Nội, Tp.HCM có vấn đề này, còn tòa án của các tỉnh hầu như không có phán quyết trọng tài thương mại. Bên cạnh đó, những vụ tranh chấp về trọng tài thương mại giá trị lớn thì phán quyết càng phải được xem xét cẩn trọng.
"Hiện nay, Tòa án cấp tỉnh đang đảm nhận nhiệm vụ này. Và Tòa án cấp tỉnh đã chứng minh rằng, đây là đội ngũ, một cấp mà từ trước tới nay ổn định và không có điều gì gây cản trở. Nếu chuyển xuống Tòa án khu vực để hủy phán quyết trọng tài thì không phù hợp", ông Thân bày tỏ.
Ông Thân cũng nhắc lại, tính chất của Tòa án cấp tỉnh chủ yếu là phúc thẩm và cấp Tòa án khu vực là cấp xét xử đầu tiên.
"Nếu chuyển quyền hạn sang Tòa án khu vực thì không hợp lý, vì với một vụ việc, khi đã có một hội đồng trọng tài giải quyết rồi và có một yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì cần có một cấp phúc thẩm thực hiện. Và Tòa án cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ này là phù hợp vì Tòa án cấp tỉnh được giao nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm", ĐBQH Lê Xuân Thân nói.
Ông Thân cũng cho biết, thế giới hiện nay đang rất coi trọng trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp trong thương mại và dân sự.
Ngay trong Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua một Nghị quyết về thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Tp.HCM, Đà Nẵng. Nghị quyết này có dự thảo quy định về việc thành lập trung tâm trọng tài để giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng pháp luật của Việt Nam và bằng pháp luật của quốc tế. "Vì vậy, giao thẩm quyền cho Tòa án khu vực xét xử các tranh chấp trọng tài thương mại là không phù hợp", ông Thân nói thêm.
Từ đó, vị đại biểu đoàn Khánh Hòa đề nghị Ban soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giữ nguyên thẩm quyền phán quyết của trọng tài thương mại ở Tòa án cấp tỉnh.
Cân nhắc kỹ khi bỏ TAND cấp cao
Tham gia góp ý kiến tại tổ 5, ĐBQH Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương) bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi 3 dự án luật.
Góp ý đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đại biểu Trần Công Phàn đã làm rõ thêm về đề xuất bỏ Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao, VKSND cấp cao, bỏ TAND và VKSND cấp huyện, thành lập TAND, VKSND khu vực.
Theo đại biểu, TAND cấp cao vốn được hình thành từ ba tòa phúc thẩm trực thuộc TAND Tối cao trước đây. Việc thiết lập ba tòa phúc thẩm này bắt nguồn từ yêu cầu đổi mới trong năm 2014, khi Quốc hội ban hành Luật Tổ chức TAND và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.
ĐBQH Trần Công Phàn (Ảnh: Hoàng Bích).
Từ ngày 1/6/2015, 3 TAND cấp cao chính thức đi vào hoạt động nhằm giảm tải cho TAND Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trong công tác xét xử, đặc biệt là xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Công Phàn, TAND và VKSND cấp cao không phải là một cấp tòa án, viện kiểm sát đầy đủ mà chỉ là cấp tố tụng, không phải cấp trên trực tiếp của cấp tỉnh. Nay, trong bối cảnh đổi mới tổ chức bộ máy, dự thảo luật đề xuất bãi bỏ TAND và VKSND cấp cao. Khi đó, công việc xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm với án cấp tỉnh và cấp huyện sẽ phải điều chuyển: Một phần giao cho cấp tỉnh, một phần đưa lên TAND Tối cao.
Đại biểu nêu ví dụ, đối với việc phúc thẩm, dự thảo có đề xuất thành lập lại ba tòa án phúc thẩm trực thuộc TAND Tối cao. Tuy nhiên, chức năng xét xử giám đốc thẩm hiện do TAND cấp cao đảm nhiệm lại chưa được quy định rõ trong dự thảo.
Do đó, dự thảo cũng đề xuất tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao và kiểm sát viên VKSND Tối cao để đảm nhiệm nhiệm vụ giám đốc thẩm. Tuy nhiên, đại biểu Trần Công Phàn cho rằng cần tính toán kỹ lưỡng, vì việc chỉ tăng thêm 10 người là không đủ.
Trước đây, TAND Tối cao có hàng trăm thẩm phán cao cấp, tương ứng với số lượng kiểm sát viên cao cấp. Nay nếu giao toàn bộ việc giám đốc thẩm cho Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, thì số lượng thẩm phán cần tăng lên rất nhiều, có thể phải hàng trăm người.
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn: "Ai sẽ đảm nhiệm việc đưa vụ án lên giám đốc thẩm tại TAND Tối cao? Trước đây, từng có các tòa chuyên trách đảm nhiệm xét xử giám đốc thẩm các vụ án cấp tỉnh. Sau khi xét xử giám đốc thẩm, nếu phát hiện sai sót vẫn có thể bị giám đốc thẩm lại. Theo đại biểu, nếu muốn quay lại mô hình này thì cần thành lập lại các tòa án chuyên trách.
Thậm chí, nên có những thẩm phán cao cấp chuyên làm giám đốc thẩm tại TAND Tối cao, không giao toàn bộ nhiệm vụ này cho Hội đồng Thẩm phán.
"Hội đồng Thẩm phán nên tập trung vào nhiệm vụ hướng dẫn, giải thích pháp luật. Nếu dồn toàn bộ công việc xét xử giám đốc thẩm cho cơ quan này thì việc tăng thêm 10 người là không đủ. Tôi đề nghị cần làm rõ vấn đề này trong dự thảo luật", đại biểu Trần Công Phàn nhấn mạnh.
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu đoàn Bình Dương cho biết hiện chỉ có 19 kiểm sát viên VKSND Tối cao và 17 thẩm phán TAND Tối cao. Đây là lực lượng gần như những chuyên gia đầu ngành. Do đó, việc sửa luật là cần thiết, nhưng phải bảo đảm tính đồng bộ giữa cơ quan điều tra, kiểm sát và tòa án.
"Nếu áp lực quá lớn, một người phải xử lý hàng trăm vụ án mỗi năm thì là điều bất hợp lý", đại biểu đoàn Bình Dương bày tỏ.
Hoàng Bích - Thu Huyền