Chuyển từ TAND cấp huyện sang mô hình Tòa án khu vực là phù hợp

Chuyển từ TAND cấp huyện sang mô hình Tòa án khu vực là phù hợp
một giờ trướcBài gốc
Tòa án nhân dân theo mô hình 3 cấp là một bước đi đột phá
Chiều 8/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Thanh tra (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp những ý kiến thiết thực, sâu sát và góc nhìn từ thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) góp ý dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Thanh tra (sửa đổi).
Về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) đóng góp một số ý kiến để việc Tổ chức Tòa án nhân dân hoạt động hiệu quả hơn sau khi sắp xếp, đổi mới.
Thứ nhất, việc chuyển từ Tòa án nhân dân cấp huyện sang mô hình Tòa án nhân dân khu vực là phù hợp. Tuy nhiên, cần có quy định chuyển tiếp về chức năng và nhiệm vụ của hội thẩm nhân dân cấp huyện.
“Hiện nay, hội thẩm nhân dân vẫn do HĐND huyện bầu và tham gia xét xử tại các phiên tòa sơ thẩm. Khi chuyển sang mô hình khu vực (ví dụ, 2 huyện gộp thành 1 khu vực), vẫn cần duy trì hội thẩm từ các địa phương để tham gia xét xử theo vụ việc. Do đó, tôi đề nghị bổ sung quy định tại Điều 3 về việc tiếp tục sử dụng hội thẩm nhân dân cấp huyện hiện hành cho đến khi có hướng dẫn và tổ chức bầu cử lại theo nhiệm kỳ mới do HĐND cấp tỉnh quy định”, ông Khánh nói.
Thứ hai, tại khoản 17 Điều 1, sửa đổi Điều 81 liên quan đến quyền hạn của Chánh án Tòa án nhân dân khu vực, đại biểu Khánh đề nghị bổ sung thêm một quyền. Trong đó, kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực.
“Thực tiễn cho thấy, Chánh án khu vực là người trực tiếp quản lý, hiểu rõ vụ việc nên cần có cơ chế để kiến nghị lên cấp trên nhằm bảo đảm tính khách quan và đúng pháp luật”, ông Khánh cho hay.
Về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đại biểu Trần Thu Phước (đoàn Kon Tum) đã đưa ra những ý kiến quan trọng, nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, phục vụ cho công cuộc cải cách tư pháp.
Theo đại biểu Phước, với việc tái cấu trúc hệ thống Tòa án nhân dân theo mô hình 3 cấp (Tòa án nhân dân tối cao, cấp tỉnh và khu vực), đại biểu Phước đánh giá đây là một bước đi đột phá, giúp tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng xét xử.
Đại biểu Trần Thu Phước (đoàn Kon Tum) góp ý dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Thanh tra (sửa đổi).
“Việc thành lập các Tòa chuyên trách như Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại các Tòa án khu vực sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, đại biểu Phước nói.
Đại biểu Phước cũng cho rằng, việc triển khai mô hình mới của Tòa án nhân dân khu vực cần phải được tính toán cẩn thận về phạm vi địa lý và biên chế để đảm bảo phù hợp với điều kiện của từng địa phương, tránh tạo ra các khó khăn trong quá trình thực hiện.
Không để bất kỳ ai bị thiệt thòi trong quá trình cải cách
Về sửa đổi Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đại biểu Trần Thu Phước là bước đi quan trọng trong cải cách tư pháp.
Đại biểu Phước nhấn mạnh việc sắp xếp lại hệ thống Viện kiểm sát theo mô hình 3 cấp là phù hợp với các nghị quyết của Đảng, tuy nhiên, cần phải có sự rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định pháp lý liên quan để tránh phát sinh mâu thuẫn pháp lý sau khi Luật được ban hành.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất cần có các chính sách hỗ trợ để đảm bảo người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa sau khi Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện bị giải thể và chuyển giao nhiệm vụ cho các Viện kiểm sát khu vực.
“Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, không để bất kỳ ai bị thiệt thòi trong quá trình cải cách”, đại biểu Phước nhấn mạnh.
Cuối cùng, đại biểu Phước rằng việc đảm bảo nguồn lực thi hành Luật là yếu tố quyết định thành công của các cải cách này.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng, đoàn Hà Nam góp ý kiến với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
“Chính phủ cần đầu tư vào cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ và đảm bảo các điều kiện thi hành để hệ thống Tòa án và Viện kiểm sát hoạt động hiệu quả và không gặp phải các khó khăn trong quá trình chuyển giao nhiệm vụ”, đại biểu Phước kiến nghị.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ về quyền hạn của Chánh án Tòa khu vực, bao gồm quyền “kiến nghị” lên TAND cấp tỉnh để xem xét giám đốc thẩm, tái thẩm.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) góp ý vào khoản 6 Điều 1 về chức năng của Ủy ban Kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ông đề nghiệ phân rõ quy trình “xem xét” các đề nghị về bổ nhiệm, miễn nhiệm, tránh việc lặp lại, thiếu rõ ràng. Bên cạnh đó, ông lưu ý việc dự thảo Luật có nguy cơ mâu thuẫn với Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự khi vẫn quy định cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát.
Trong Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Trần Thu Phước kiến nghi quy trình lập kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh nên được giao quyền chủ động, không phụ thuộc nhiều vào phên duyệt của Thanh tra Chính phủ. Điều này nhằm tránh chậm tiến độ và tăng tính linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Quốc Khánh góp ý kiến liên quan đến quy trình xây dựng chương trình thanh tra hàng năm.
Theo ông Khánh, dự thảo hiện quy định rằng Thanh tra tỉnh khi xây dựng kế hoạch phải xin ý kiến Thanh tra Chính phủ trước khi ban hành. Ông cho rằng, trong bối cảnh phân cấp, phân quyền và số lượng thanh tra cấp tỉnh không còn nhiều, quy định này không còn phù hợp.
“Nên chăng, Thanh tra Chính phủ chỉ định hướng về trọng tâm thanh tra theo từng giai đoạn, còn các tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai theo luật và báo cáo lại. Việc phải trình xin ý kiến và chờ phê duyệt có thể làm chậm tiến độ triển khai thanh tra tại địa phương, nhất là khi một cơ quan thanh tra tỉnh phải triển khai hàng trăm cuộc thanh tra mỗi năm”, ông Khánh nói.
Đa số ý kiến các đại biểu nhấn mạnh, cần sự đồng bộ trong việc sửa đổi, bổ sung Luật, tránh mâu thuẫn pháp lý và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân trong quá trình tổ chức lại bộ máy tư pháp theo mô hình mới.
Phi Long/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/chuyen-tu-tand-cap-huyen-sang-mo-hinh-toa-an-khu-vuc-la-phu-hop-post1198038.vov