Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 14/5, thảo luận về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm tới các tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức; cơ chế chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài.
Chế độ ưu đãi người tài không thấp hơn khu vực tư
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn tỉnh Bình Dương) kiến nghị, dự thảo Luật lần này cần có cơ chế đột phá, lâu dài, đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công.Do đó, khái niệm người có tài năng cần được bổ sung vào phần giải thích từ ngữ đối với từng ngành, từng lĩnh vực có quy định tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, không chỉ dựa trên bằng cấp mà dựa trên sản phẩm cụ thể.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn tỉnh Bình Dương) - Ảnh: Media.quochoi.vn
Đại biểu tỉnh Bình Dương đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể phần trăm chi ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Đại biểu dẫn chứng, ví dụ Singapore dành 4% cho ngân sách hàng năm cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Đồng thời, đại biểu đề xuất nghiên cứu, xem xét có chính sách, chế độ lương và ưu đãi tương xứng với trách nhiệm, nhiệm vụ được giao cho cán bộ, công chức - nhất là người đứng đầu của tổ chức Đảng, bộ, ngành, địa phương, chuyên gia cao cấp, công chức xuất sắc ở Trung ương và địa phương tương đương. Chế độ ưu đãi không thấp hơn khu vực tư để giữ chân nhân tài và là động lực cho đội ngũ cán bộ công chức.
Bên cạnh chính sách thu hút người có tài năng, đại biểu Ngọc Xuân cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế chủ động từ sớm trong chính sách đầu tư cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công vụ của quốc gia.
Người tài cần phát hiện qua thực tiễn
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) nhấn mạnh, tài năng trong hoạt động công vụ là một dạng tài năng rất đặc thù, không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn, kỹ năng tổ chức mà còn cần sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm, khả năng chịu áp lực và bản lĩnh chính trị.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) - Ảnh: Media.quochoi.vn
"Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp hay qua các kỳ thi hình thức. Người tài trong công vụ cần được phát hiện thông qua nhiệm vụ thực tiễn, qua khả năng xử lý vấn đề mới, phức tạp và đặc biệt là qua kết quả tạo ra giá trị công", đại biểu nêu.
Đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần quy định rõ một số cơ chế then chốt, trong đó thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra và hiệu quả công vụ chứ không chỉ dựa vào hình thức, quy trình. Đồng thời cho phép xây dựng các cơ chế thử thách và lựa chọn nhân tài linh hoạt, đặc biệt ở những vị trí cần sáng tạo, đổi mới.
Đồng thời, trao quyền cho người đứng đầu trong việc phát hiện, đề xuất và sử dụng người tài nhưng phải đi kèm cơ chế giám sát, đánh giá khách quan. Đại biểu cho rằng, nếu không cải cách mạnh mẽ từ khâu phát hiện, sử dụng đến đãi ngộ, thì chính sách ưu đãi người tài có ghi trong luật cũng chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hoặc sự đãi ngộ không thực sự đúng đối tượng.
Quy định khung tiêu chí xác định người có tài năng
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bích Ngọc (Đoàn tỉnh Hòa Bình) cho biết, để quá trình thực hiện chính sách với người có tài năng trong hoạt động công vụ (điều 5 dự thảo Luật), đề nghị dự thảo Luật nên quy định khung tiêu chí xác định người có tài năng trong Luật, tạo điều kiện cho các địa phương trong triển khai thực hiện.
Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bích Ngọc (Đoàn tỉnh Hòa Bình) - Ảnh: Media.quochoi.vn
Thực tế thời gian qua tại các địa phương khi triển khai thực hiện Nghị định số 140/NĐ-CP về Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; Nghị định 179/2024/NĐ-CP Quy định chính sách thu hút, trọng dụng người tài làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những tỉnh địa bàn miền núi, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Theo đại biểu, ở những tỉnh miền núi điều kiện ngân sách còn hạn chế, các chính sách đưa ra thu hút chưa thực sự có tính chất đột phá, rất khó thu hút được người có tài - nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục. Nhiều trường hợp tuyển dụng được người có tài vào làm việc nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn mà không giữ chân được những cán bộ, công chức này ở lại lâu dài.
Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị dự thảo Luật nên có quy định khung cứng chế độ chính sách đặc biệt do ngân sách Nhà nước hỗ trợ chung. Đối với các địa bàn khó khăn, ngân sách Trung ương có thể hỗ trợ để các địa phương thực hiện tốt chính sách này; hoặc tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho các tỉnh bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách này. "Có như vậy mới có thể giữ chân người tài năng ở các tỉnh miền núi, vùng cao yên tâm ở lại cống hiến", đại biểu Bích Ngọc nói.
Đánh giá cán bộ căn cứ theo kết quả công việc
Đối với quy định về đánh giá công chức tại điều 29 dự thảo Luật, đại biểu Bích Ngọc cho biết, thực tế trong thời gian qua, việc đánh giá cán bộ, công chức vẫn được coi là khâu khó nhất để đánh giá đúng, trúng về chất lượng đội ngũ cán bộ.
Quang cảnh phiên làm việc chiều 14/5 - Ảnh: Media.quochoi.vn
Mặc dù đã có rất nhiều quy định chung về nội dung này, song thực tế triển khai vẫn không được như mong đợi. Vẫn còn tình trạng nể nang, ngại va chạm, tinh thần phê và tự phê của đội ngũ cán bộ, công chức. Điều này công chức đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ công chức hiện nay.
Đại biểu đề nghị, để đánh giá được kết quả sản phẩm của 1 cán bộ công chức được xuyên suốt, liên tục thì việc đánh giá phải được thực hiện liên tục theo quý, 6 tháng, 1 năm để tránh việc kiểm điểm trong 1 năm nhiều nhiệm vụ sẽ bị bỏ sót, lãng quên nhiệm vụ. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm cơ chế giám sát chéo, phản biện từ đồng nghiệp và người dân, bảo đảm khách quan, toàn diện, hạn chế đánh giá cảm tính của người đứng đầu.
Liên quan đến đánh giá công chức, đại biểu Ngọc Xuân cũng kiến nghị xem xét bổ sung nguyên tắc đánh giá công chức và đánh giá theo nguyên tắc“cấp trên trực tiếp đánh giá cấp dưới, và không có sự đánh giá giữa công chức cùng cấp”.
Đồng thời, nghiên cứu đánh giá công chức theo thang điểm do Chính phủ quy định. Qua đánh giá sẽ có cơ sở xác định rõ người nào xuất sắc hơn để có chế độ đãi ngộ cao hơn và ngược lại.
Thịnh An