Đại biểu Quốc hội đau lòng, phẫn nộ khi bố mình và nhiều người dân là nạn nhân của sữa giả

Đại biểu Quốc hội đau lòng, phẫn nộ khi bố mình và nhiều người dân là nạn nhân của sữa giả
6 giờ trướcBài gốc
Liên quan tới việc Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả quy mô lớn với gần 600 nhãn hiệu sữa giả, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết ngày 21-4, trong cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, bà đã nhận được nhiều ý kiến bức xúc từ cử tri.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Phạm Thắng
"Trong vụ việc bàng hoàng ấy, tôi cũng về kiểm tra và phát hiện bố mình cũng đang dùng 1 loại sữa giả nằm trong đường dây vừa được công bố" - vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nói.
Nhân dân, cử tri đều bức xúc, phẫn nộ bởi sự táng tận lương tâm
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, cha của bà mắc bệnh tiểu đường nên tin lời tiếp thị rằng sản phẩm có thể hỗ trợ điều trị bệnh.
"Không chỉ riêng cá nhân tôi với tư cách là đại biểu Quốc hội, mà toàn thể nhân dân, cử tri đều hết sức bức xúc và phẫn nộ bởi mức độ nghiêm trọng của sự việc khi sữa giả tiếp cận với những đối tượng là người già, phụ nữ mang thai, người suy thận, mắc bệnh nền mạn tính..." - bà Nga bày tỏ.
Theo vị nữ đại biểu Quốc hội, không chỉ dừng lại ở việc hàng giả tràn lan trên thị trường, mà những sản phẩm đó liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. "Những kẻ trực tiếp sản xuất, cho ra đời những sản phẩm này thực sự táng tận lương tâm, kiếm lợi nhuận bất chấp trên tính mạng của đồng bào" - bà Nga nói.
Đặc biệt, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, cử tri cũng đặt câu hỏi lớn: Vì sao các nhãn sữa có thể tồn tại suốt 4 năm? Với sức khỏe con người thì đây là khoảng thời gian dài "khủng khiếp". Thậm chí, các sản phẩm sữa nghi giả (do công ty nằm trong đường dây sữa giả sản xuất) đã lọt vào bệnh viện - chứng tỏ sự thâm nhập sâu của sản phẩm vào thị trường.
Đây là 1 trong 12 loại sữa bột giả do Rance Pharma, Hacofood sản xuất, vừa được Bộ Công an công bố. Ảnh: Bộ Công an
"Chúng ta chỉ có thể thống kê được có khoảng bao nhiêu sản phẩm đã được bán ra thị trường, tương ứng với việc người tiêu dùng đã phải bỏ ra bao nhiêu tiền để mua những sản phẩm giả mạo. Nhưng, có thể chúng ta sẽ không bao giờ đong đếm được hết hậu quả của nó mang lại cho sức khỏe con người. Ngoài khoản tiền chi cho sữa giả phải bỏ ra - cũng không hề nhỏ - người tiêu dùng rất tin rằng sản phẩm có thể bổ sung để chữa bệnh. Điều đó làm cơ hội chữa bệnh của họ có thể bị mất đi vì bỏ phương pháp điều trị, dự phòng khác" - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bức xúc nêu.
Cơ quan chức năng liên quan không thể vô can
Từ vụ việc gây rúng động dư luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga quay trở lại với câu chuyện: Trách nhiệm thuộc về ai?
Vị đại biểu Quốc hội cho rằng thiếu sót đầu tiên đến từ hành lang pháp lý. Theo quy định của pháp luật, sữa thuộc mặt hàng tự công bố thực phẩm chất lượng. Có nghĩa, doanh nghiệp đưa ra thị trường, tự công bố chất lượng và gửi đến cơ quan chức năng. Nếu công bố không đúng sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Bài toán đặt ra là với những sản phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng như sữa và thực phẩm chức năng, có nên để tự công bố hay không?
Trong trường hợp không để tự công bố mà kiểm nghiệm trước rồi cho lưu hành sau thì lực lượng chức năng có đủ sức hay không. Muốn vậy thì phải cơ cấu lại đội ngũ, cơ sở vật chất để có thể đáp ứng.
Tuy nhiên, vị nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương khẳng định với vụ việc sữa giả bán tràn lan ở trên thị trường mà chưa một lần bị hậu kiểm, cử tri và người dân có quyền đặt câu hỏi cho các cơ quan chức năng về trách nhiệm của họ.
Nếu chỉ là một vài sản phẩm, chúng ta có thể đổ lỗi là do xác suất nhưng mà là gần 600 nhãn sữa với số lượng khổng lồ đưa ra thị trường và lưu hành trong suốt thời gian dài thì không thể lý giải như vậy được.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, người tiêu dùng và nhân dân cả nước có quyền đặt câu hỏi: Cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ của mình như thế nào để không kịp thời phát hiện ra đường dây tồn tại lâu đến như thế? "Cơ quan chức năng liên quan phải có trách nhiệm trong vụ việc này chứ không thể vô can" - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Một trong những lời khuyên quen thuộc là người dân hãy trở thành "người tiêu dùng thông thái", nhưng theo vị đại biểu Quốc hội, làm sao có thể trở nên thông thái khi sản phẩm đó được bán trên thị trường, trong bệnh viện. Người dân loay hoay vì không biết "đặt niềm tin ở đâu".
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga gửi gắm mong muốn của cử tri là cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt xử lý vụ sữa giả này. Bên cạnh việc rà soát thể chế, vị đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe.
Văn Duẩn
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-dau-long-phan-no-khi-bo-minh-va-nhieu-nguoi-dan-la-nan-nhan-cua-sua-gia-196250423104747504.htm