Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
7 giờ trướcBài gốc
Góp ý kiến về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp (Chương III), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp (Đoàn Bắc Giang) đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã tại khoản 4 Điều 11.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nêu: Trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện được chuyển giao cho cấp xã đảm nhận, cộng với việc sắp xếp, mở rộng quy mô đơn vị hành chính cấp xã khiến cho khối lượng công việc của chính quyền địa phương cấp xã sẽ tăng lên rất nhiều, trong khi thực tế cho thấy năng lực của bộ máy chính quyền địa phương cấp xã chưa thực sự đồng đều và cần có thời gian để được kiện toàn, nâng cao trình độ, do đó rất cần có cơ chế để tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh. Theo đó, chính quyền địa phương cấp tỉnh phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát và có giải pháp kịp thời để hỗ trợ, xử lý trong trường hợp chính quyền ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp xã không đủ khả năng thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Do vậy, đại biểu đề nghị cần thiết phải bổ sung vào Điều 11 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, trong trường hợp cần thiết, trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã như khoản 4 Điều 11 đã thể hiện. Dự thảo luật quy định “trong trường hợp cần thiết” là chưa cụ thể, chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh và có thể dẫn đến những vướng mắc, bất cập, thiếu thống nhất trong tổ chức thi hành; do đó đề nghị có quy định chặt chẽ hơn ngay trong Luật này hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để tăng cường trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, nhất là Luật có liên quan về phân cấp, phân quyền, ủy quyền để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tổ chức thực hiện. Để đẩy mạnh và bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, rất cần thiết phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật chuyên ngành, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phân công, phân cấp, ủy quyền cho phù hợp. Theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nếu không rà soát hết các quy định của pháp luật chuyên ngành thì ngay cả khi Luật này có quy định rõ về phân công, phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương nhưng nếu các luật chuyên ngành khác có liên quan không đồng bộ, thống nhất sẽ dẫn tới khó khăn, vướng mắc, bất cập, thậm chí là không thi hành được trên thực tế.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương (mục 1 Chương IV), đại biểu đề nghị tiếp tục thể chế kịp thời, đầy đủ hơn nữa một số Nghị quyết của Bộ Chính trị vừa ban hành trong một số lĩnh vực khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương. Trong đó, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp xã được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ hơn trên các lĩnh vực để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và phù hợp với nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp nhằm nâng cao năng lực, tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.
Theo đó, đại biểu đề nghị rà soát để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các quy định trong chương này để thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 66-NQ/TW bảo đảm tính đột phá để tăng cường hơn nữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, quy định cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác xây dựng pháp luật và một số nội dung về tổ chức thi hành pháp luật đang được trình tại kỳ họp này.
Về tiêu chuẩn của đại biểu HĐND quy định tại khoản 3 Điều 5 dự thảo, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị cần bổ sung tiêu chuẩn“Có năng lực tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức thi hành pháp luật và giám sát việc thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước ở địa phương” nhằm đáp ứng yêu cầu về năng lực thực chất, bảo đảm đại biểu có đủ khả năng thực hiện có hiệu quả vai trò lập quy, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát ở địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND.
Xuân Hà
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-bac-giang-thao-luan-ve-du-an-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-sua-doi--postid418056.bbg