Theo đó, tại phiên thảo luận tổ vào buổi sáng, tổ 13 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 4 tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang với 26 đại biểu. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham gia thảo luận tại tổ 13.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13
Tại thảo luận tổ, các đại biểu đã nêu ý kiến thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Các ĐBQH đánh giá cao việc cơ quan soạn thảo văn bản đã chủ động, tích cực, nỗ lực, trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án luật, bảo đảm đầy đủ, đúng tiến độ theo quy định. Đại biểu cơ bản đồng tình với 2 dự án luật, đồng thời góp ý bổ sung, đề nghị làm rõ thêm một số quy định. Đoàn ĐBQH tỉnh có 3 đại biểu phát biểu ý kiến.
Đại biểu Lưu Bá Mạc phát biểu thảo luận tại tổ
Phát biểu thảo luận về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh nêu rõ: tại điểm d khoản 1 điều 50 về trường hợp và thẩm quyền quyết định xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo trình tự, thủ tục rút gọn, có quy định: “Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với VBQPPL mới được ban hành”. Đại biểu đề nghị cân nhắc, bổ sung thêm đối với trường hợp “bổ sung, thay thế ngay”, sửa thành “Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung, thay thế ngay cho phù hợp với VBQPL mới được ban hành”.
Tại khoản 5 điều 51 về trình tự, thủ tục xây dựng VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn, dự thảo quy định “Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình ý kiến thẩm định, thẩm tra. Trường hợp cơ quan thẩm định kết luận dự án chưa đủ điều kiện trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo phải tiếp thu, hoàn thiện dự án để thẩm định lại. Trường hợp cơ quan chủ trì thẩm tra có ý kiến dự án chưa đủ điều kiện trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trả lại hồ sơ cho cơ quan trình dự án để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện”. Đại biểu đề nghị cân nhắc, xem xét bổ sung nội dung quy định đối với các trường hợp khác theo thẩm quyền tại địa phương, như trường hợp cơ quan thẩm định (Sở Tư pháp) kết luận dự thảo nghị quyết của HĐND, dự thảo quyết định của UBND chưa đủ điều kiện trình hoặc cơ quan thẩm tra (ban của HĐND) kết luận dự thảo nghị quyết của HĐND chưa đủ điều kiện trình thì xử lý như thế nào, để cụ thể trong thực hiện...
Đại biểu Triệu Quang Huy phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
Đại biểu Triệu Quang Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao nội dung tham vấn chính sách trong dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi). Đại biểu đề nghị phần tham vấn chính sách này nên quy định cụ thể, mở rộng hơn về đối tượng tham vấn chính sách liên quan như các chuyên gia, các đối tượng chịu sự tác động chính sách… Đại biểu đề nghị dự thảo luật điều chỉnh, bổ sung điều 8 về sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành VBQPPL phù hợp, thống nhất với quy định một số luật hiện hành, liên quan đến thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND cấp tỉnh tại địa phương.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh dự thảo Luật Ban hành VBQPPL có phạm vi và nội dung sửa đổi rất lớn. Do đó đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung bản so sánh dự thảo luật sửa đổi với luật hiện hành, sơ đồ hóa quy trình lập pháp để ĐBQH tham khảo, theo dõi. Tại khoản 1 điều 23 về định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, đại biểu đề nghị việc xây dựng định hướng lập pháp nhiệm kỳ ngoài việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ thì cần bổ sung quy định phối hợp với các chủ thể khác như: Chủ tịch nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban MTTQ Việt Nam.
Định hướng lập pháp nhiệm kỳ hoàn thành trước ngày 1/10 của năm đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội, để trình Bộ Chính trị phê duyệt. Tuy nhiên, đối với chương trình lập pháp hằng năm thì khoản 3 điều 24 quy định: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chương trình lập pháp năm tiếp theo trước ngày 1 tháng 10 hằng năm trên cơ sở tờ trình đề xuất của cơ quan trình”. Như vậy, đối với năm thứ hai của nhiệm kỳ, việc xác định chương trình lập pháp là khó khả thi vì ngày 1/10 của năm đầu nhiệm kỳ chưa có định hướng lập pháp của nhiệm kỳ. Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung vai trò thẩm định chính sách của các cơ quan của Quốc hội; quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết; đề nghị nêu rõ vai trò của cơ quan chủ trì thẩm tra...
Trong chương trình, buổi chiều kỳ họp tiếp tục nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về: dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu thảo luận tại hội trường
Trong số các đại biểu phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với quan điểm nêu tại Tờ trình số 1159/TTr-UBTVQH ngày 8/2/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là: Chỉ xem xét, sửa đổi bổ sung những vấn đề đã có chỉ đạo rõ ràng, những vấn đề đã chín muồi, có nhu cầu cấp thiết nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương và xử lý việc thiếu thống nhất trong một số quy định giữa các luật. Đại biểu đề nghị quan điểm chỉ đạo này được áp dụng xuyên suốt trong việc xem xét, thông qua các dự án luật khác tại kỳ họp này.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị các nội dung được sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm cơ sở Hiến định, phù hợp với Hiến pháp 2013; Quốc hội sớm chỉ đạo các cơ quan tổng kết việc thi hành Hiến pháp 2013, đánh giá việc thi hành các luật để điều chỉnh mô hình tổng thể bộ máy Nhà nước phù hợp với kỷ nguyên mới của dân tộc.
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu đề nghị xem xét, rà soát lại các quy định trùng lặp với dự thảo Luật Ban hành VBQPPL.
Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét kế thừa quy định về việc Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thành lập các tiểu ban chuyên môn để nghiên cứu, chuẩn bị các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội đồng, Ủy ban theo quy định của luật hiện hành.
DƯƠNG DUYÊN - VIỆT THUẬN