Tại phiên họp, đa số các ĐBQH đều tán thành cao với sự cần thiết ban hành cũng như những nội dung trọng tâm được đề xuất tại các dự án luật, đồng thời góp ý vào nhiều quy định cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện các dự thảo luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi sau khi ban hành.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.
Cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi là cần thiết nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển của đất nước. Đại biểu Nguyễn Văn Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, qua nghiên cứu dự thảo cho thấy việc sửa đổi lần này đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của ngành Y tế; tăng cường được hiệu lực quản lý nhà nước. Đồng thời, hạn chế được tình trạng cứng nhắc trong luật cũ, bổ sung các trường hợp đặc thù như chỉ định thầu linh hoạt hơn cho thấy Luật sửa đổi theo hướng tiệm cận với các tình huống thực tiễn phức tạp mà trước đây không xử lý được vì thiếu khung pháp lý.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, cơ sở pháp lý cũng rõ ràng hơn cho việc mua phần mềm. Trước đây thì việc mua phần mềm nội bộ, phần mềm y tế thường mập mờ giữa dịch vụ và hàng hóa, gây khó khăn trong việc tổ chức đấu thầu thì luật mới đã xác định rõ là phần mềm thương mại và nội bộ là hàng hóa giúp các bệnh viện dễ đưa vào kế hoạch mua sắm. Tuy nhiên, cần có sự hướng dẫn chi tiết để các đơn vị áp dụng biển mẫu, hình thức lựa chọn nhà thầu cho đúng quy định.
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 24 về đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian mua sắm các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến dưới thường cần mua nhanh các vật tư y tế, thiết bị nhỏ, phần mềm quản lý thuốc thông dụng, hóa chất xét nghiệm có giá trị nhỏ. Vì vậy, việc sửa đổi này là một bước tiến hợp lý để thúc đẩy quá trình mua sắm linh hoạt nhưng mà chúng ta cũng phải cần có quy định cụ thể để tránh sai sót trong quá trình thực hiện trong thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu tại buổi thảo luận tổ.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức PPP, các ý kiến đánh giá quy định về phân cấp thẩm quyền, quy trình lựa chọn nhà đầu tư PPP được cải thiện, rõ ràng hơn. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn về thời hạn triển khai các bước trong quy trình lựa chọn nhà đầu tư PPP để không bỏ lỡ cơ hội.
Việc chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư PPP cũng cần được quy định rõ ràng hơn, đặc biệt là đối với các dự án tại các vùng khó khăn, cũng như cần xem xét điều chỉnh tỷ lệ vốn đầu tư công và vốn của nhà đầu tư PPP cho phù hợp với từng loại dự án và địa bàn.
Cho ý kiến đối với về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, các đại biểu cho rằng, luật này sau nhiều năm thực thi đã bộc lộ một số bất cập, chưa theo kịp yêu cầu quản lý trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cải cách hành chính và chuyển đổi số. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật là cần thiết nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục vướng mắc trong thực tiễn, tạo thuận lợi cho người dân và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc tịch.
Đồng thời, qua đó tạo điều kiện, khuyến khích, thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước trở về quê hương đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - đúng như định hướng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, theo đại biểu, cần tiếp tục nghiên cứu cân nhắc kỹ lưỡng để dự án luật vừa thể hiện chính sách nhất quán của Đảng ta coi bộ phận đồng bào ta ở nước ngoài là một phần không thể tách rời đối với cộng đồng dân tộc Việt Nam và tạo điều kiện một cách tốt nhất cho bà con làm quốc tịch. Nhưng trong các quy định phải luôn luôn tính đến vấn đề về an ninh quốc gia.
Đại biểu đề nghị Ban chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật quy định về cơ chế giải quyết các vấn đề phát sinh, tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, quản lý công dân, các vấn đề xung đột pháp lý và xử lý vi phạm đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài.
Cho ý kiến về dự án Luật Ngân sách sửa đổi, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cơ bản nhất trí với các nội dung dự thảo luật. Tuy nhiên, đề nghị cần quy định rõ trường hợp Quốc hội quyết định các chính sách mới nhưng chưa có dự toán chi, ngân sách nhà nước vẫn được phép chi để thực hiện. Xem xét cho phép ngân sách nhà nước hỗ trợ các quỹ tài chính ngoài ngân sách trong một số trường hợp đặc biệt, như quỹ bảo hiểm y tế khi gặp khó khăn…
Quang cảnh thảo luận tại tổ.
Tham gia góp ý về Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các ĐBQH cơ bản thống nhất với việc sửa đổi dự án luật. Đồng thời cho rằng, việc sửa đổi các dự án luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Các ĐBQH sẽ tiếp tục thảo luận, cho ý kiến trong phiên họp toàn thể tại hội trường để hoàn thiện các dự án luật quan trọng này trong những ngày tới trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
THU HOÀI - MINH TRÍ