Đại biểu Quốc hội ủng hộ việc rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV để bầu cử sớm hơn

Đại biểu Quốc hội ủng hộ việc rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV để bầu cử sớm hơn
9 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 11/5, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) và dự thảo Nghị quyết Về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Việc sửa đổi luật bầu cử nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về bầu cử sớm, rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Hơn nữa, 25 điều được sửa đổi có nội dung liên quan đến tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; lược bỏ toàn bộ các quy định có nội dung liên quan đến HĐND cấp huyện.
Bên cạnh đó, sửa đổi 20 điều có nội dung liên quan đến giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử. Đáng chú ý, khoảng thời gian từ ngày bầu cử đến ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới sớm nhất có thể là sau ngày bầu cử chỉ 22 ngày so với hiện tối đa là 60 ngày.
Đại biểu Dương Khắc Mai – Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Dương Khắc Mai – Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đắk Nông cho rằng, việc lược bỏ quy định về cấp huyện là phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan vì sau khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 thì chỉ còn hai cấp chính quyền địa phương là cấp tỉnh và cấp xã.
Hơn nữa, việc sớm tổ chức kỳ họp thứ nhất của nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND khóa mới sẽ kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là việc kiện toàn nhân sự cấp cao Nhà nước sau Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.
Còn Đại tá Nguyễn Tâm Hùng - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, có 2 mốc thời gian cần giữ nguyên hoặc giảm ở mức hợp lý. Như thời gian nhận tài liệu, phiếu bầu cử đại biểu HĐND và phân phối cho các Ban bầu cử ở điểm h khoản 2 Điều 23 hiện là 25 ngày, nay đề xuất xuống 17 ngày, theo ông là giữ nguyên hoặc chỉ giảm xuống 20 ngày để một số địa phương, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa… có đủ thời gian thực hiện.
Hay khoản 1 Điều 87 quy định “khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội phải được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội”, nay dự kiến giảm xuống 3 ngày. Việc rút ngắn thời gian này là chưa phù hợp vì với địa phương ở vùng sâu, vùng xa khó xử lý kịp thời.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng vừa trình Quốc hội đề nghị rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tức kết thúc vào đầu tháng 4/2026 thay vì tháng 7/2026. Cùng với đó, dự kiến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 sẽ vào Chủ nhật, ngày 15/3/2026.
Đồng tình với các đề xuất trên, Đại biểu Nguyễn Thị Yến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, đây là bước chiến lược nhằm rút ngắn khoảng cách giữa giữa Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội và HĐND, trên cơ sở cụ thể hóa nghị quyết, kết luận của Trung ương; đồng thời đảm bảo tính đồng bộ trong kiện toàn tổ chức bộ máy, quy định của Hiến pháp và các luật liên quan đang được sửa đổi, bổ sung.
“Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; thời gian bầu cử khóa mới sớm hơn và thời gian tiến hành kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XVI dự kiến diễn ra vào tháng 4/2026. Như vậy rất phù hợp để thực hiện theo yêu cầu của đất nước chúng ta”, bà Nguyễn Thị Yến nêu quan điểm.
Bày tỏ thống nhất cao với tờ trình và dự thảo nghị quyết, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội đánh giá, đề xuất rút ngắn thời gian là cần thiết. “Theo lộ trình thì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng diễn ra vào tháng 1/2026, tháng 2 rơi vào dịp Tết Nguyên đán nên dự kiến bầu cử vào 15/3/2026 là hợp lý; qua đó kịp thời kiện toàn chức danh lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để đi vào hoạt động được ngay”, ông phân tích.
Các dự thảo luật và nghị quyết nêu trên sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 21/5 tới đây tại Kỳ họp thứ 9.
Ngọc Thành/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/dai-bieu-quoc-hoi-ung-ho-viec-rut-ngan-nhiem-ky-khoa-xv-de-bau-cu-som-hon-post1198882.vov