Quang cảnh phiên họp.
Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận Tổ.
Đồng chí Hà Thị Nga nhấn mạnh, những dự thảo luật đưa ra thảo luận rất cần sự tham gia ý kiến của các đại biểu Quốc hội về sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn ban hành các dự án luật trên; phạm vi, đối tượng tác động cũng như nội dung các quy định sửa đổi, bổ sung. Qua đó, giúp cơ quan soạn thảo kịp thời bổ sung, chỉnh sửa để luật sau khi được ban hành nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trước sự đổi mới của đất nước.
Đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận.
Riêng đối với việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, dự kiến rút ngắn 3 tháng, kết thúc vào đầu tháng 4/2026 (thay vì tháng 7/2026), đồng chí Hà Thị Nga thông tin thêm, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 dự kiến sẽ được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 15 tháng 3 năm 2026 theo tính toán là phù hợp với các yêu cầu về thực tiễn. Do vậy, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết, đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến thêm.
Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, căn cứ chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn, việc cần rút ngắn khoảng thời gian giữa Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, HĐND khóa mới là cần thiết và đảm bảo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Qua đó, kịp thời kiện toàn nhân sự, thực hiện việc phân công cán bộ khóa mới đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, ổn định liên tục, liên thông đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời, cấp ủy các cấp nhiệm kỳ mới kịp thời triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và Đại hội Đảng các cấp.
Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị nâng số lượng thành viên Ủy ban bầu cử xã, phường để thực thi nhiệm vụ. Bởi vì khi hợp nhất sắp xếp các đơn vị hành chính cấp cơ sở, số dân, diện tích sẽ lớn hơn. Đồng thời đề nghị không nên quy định số thành viên ủy ban bầu cử cấp xã ngay trong luật mà nên giao cho Ủy ban bầu cử cấp tỉnh quy định.
Đối với Dự án Luật Dữ liệu cá nhân, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng các quy định phù hợp với chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, nhất là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “Dữ liệu cá nhân nhạy cảm”; những dữ liệu cá nhân nhạy cảm cần có quy định biện pháp bảo vệ cao hơn, chặt chẽ hơn so với biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân khác. Về xử lý vi phạm bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu băn khoăn quy định xử phạt vi phạm hành chính từ 1-5% doanh thu của năm trước liền kề của tổ chức, doanh nghiệp vi phạm là chưa phù hợp với một số doanh nghiệp mới được thành lập hoặc doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả, không có lợi nhuận…
Về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu đề nghị quy định cấp chứng nhận cho chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân cần cụ thể, đầy đủ hơn đối với các nhóm chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định trong dự thảo.
Ngọc Hưng