Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ký quyết định ban hành Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết chỉ rõ kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân
Ngay sau khi Nghị quyết 68 về Kinh tế tư nhân được ban hành, nhiều ý kiến khẳng định đây chính là bước ngoặt lịch sử mới cho sự phát triển của khu vực kinh tế này. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn đại biểu quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên về những vấn đề liên quan đến Nghị quyết 68.
PV: Nghị quyết 68 nhấn mạnh kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng”, đại biểu có thể phân tích rõ hơn về nội dung này?
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Hình dung lại trong 40 năm đổi mới vừa qua, từ năm 1986 khi chúng ta bắt đầu đổi mới, công nhận nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể.
Từ đó, thành phần kinh tư nhân đã bắt đầu có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế và cho đến nay thì kinh tế tư nhân đã đóng góp lớn, nhất là vấn đề giải quyết việc làm cho hơn 80% lao động và đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 30 %, đóng góp vào GDP khoảng trên 50%.
Đấy là những đóng góp rất quan trọng của kinh tế tư nhân.
PV: Theo Đại biểu, những điểm mới nổi bật trong Nghị quyết 68 so với các chủ trương trước đó về kinh tế tư nhân là gì?
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Chúng ta thấy rằng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành cái Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân và trong đó định hướng mục tiêu là đến năm 2030 thì kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực quan trọng nhất.
Mặc dù kinh tế tư nhân đã và đang chiếm trọng số rất lớn trong GDP nhưng chúng ta muốn nhìn nhận đến vai trò dẫn dắt nữa. Mà muốn dẫn dắt thì chúng ta phải có những tập đoàn lớn, đủ mạnh, phải có những tập đoàn có thể sánh vai với các tập đoàn lớn trên thế giới để cạnh tranh với các tập đoàn lớn ngay tại trên đất nước mình cũng như trên thị trường quốc tế. Lúc nào cũng chỉ là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sao mà dẫn dắt được?
PV: Chính sách nào cần ưu tiên để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào công nghệ cao, đổi mới sáng tạo?
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Luật khoa học công nghệ lần này phải phản ánh được, phải thể chế hóa được những tư duy, những chủ trương, đường lối của Đảng vào trong luật.
Từ đó kinh tế tư nhân mới có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và mới có thể phát triển nhanh để xứng tầm, trở thành những tập đoàn lớn và sánh vai với các tập đoàn trên thế giới.
Do đó, phải có những cơ chế, thể chế mà luật hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước để làm sao kinh tế tư nhân có điều kiện đầu tư mạnh vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
PV: Một mục tiêu quan trọng của Nghị quyết là hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Đại biểu thấy lộ trình này hiện có khả thi không?
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Chúng ta mong hàng triệu doanh nghiệp tư nhân cũng như các hộ kinh doanh cá thể phải lớn mạnh như những tập đoàn hiện tại chúng ta đang có, ví dụ như Thaco hay Vingroup, Sun Group, Hòa Phát.... Rất nhiều tập đoàn tư nhân hiện nay đang rất lớn, chúng ta phải nhân rộng lên thì đấy mới là dẫn dắt.
Nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa thì làm sao mà dẫn dắt được. Để doanh nghiệp lớn mạnh thì chúng ta phải sớm thể chế hóa Nghị quyết 68 của Trung ương.
PV: Như ông vừa nói là cần phải sớm thể thể hóa, vậy thì để chuyển hóa bằng các cơ chế chính sách cụ thể như thế nào để có các doanh nghiệp lớn?
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Câu hỏi khó quá! Bây giờ mình hình dung nếu là những doanh nghiệp, các bạn đang cần gì, thiếu gì?
Dĩ nhiên, chúng ta nhìn một cách thẳng thắn là hiện nay đang thiếu tiếp cận đến các nguồn lực của xã hội, trong đó có nguồn lực về đất đai. Dường như từ trước đến nay, khi mình thành lập các khu, cụm công nghiệp thì mình quan tâm nhiều hơn tới các nhà đầu tư nước ngoài mà bỏ qua nhà đầu tư trong nước. Vậy thì tới đây, sẽ phải xác định là nền kinh tế chúng ta là nền kinh tế phồn vinh, thịnh vượng nhưng là độc lập, tự chủ.
Có nghĩa là chúng ta phải tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam tiếp cận các nguồn lực của quốc gia một cách thuận lợi nhất và ưu đãi nhất, thì lúc đó mới có thể thực hiện được Nghị quyết 68 của Trung ương, giúp khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất vào năm 2030.
PV: Nhưng để thực thi được thì cần phải có con người, yếu tố con người ở đây ông đánh giá như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Yếu tố con người trong thực hiện kinh tế tư nhân thì không lo. Bởi vì người ta được tự chủ, tự quyết và tuyển chọn nhân tài theo nhu cầu, theo cách sử dụng.
Về Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, lần đầu tiên xác định rõ kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Đây là quan điểm xuyên suốt và mang tính chiến lược.
PV: Xin cảm ơn đại biểu!
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Lúc nào cũng chỉ là doanh nghiệp nhỏ thì sao mà dẫn dắt được?