Đại học Harvard: 4 khoảnh khắc tưởng như vô hại nhưng nếu cha mẹ vắng mặt, con sẽ thiệt thòi cả đời

Đại học Harvard: 4 khoảnh khắc tưởng như vô hại nhưng nếu cha mẹ vắng mặt, con sẽ thiệt thòi cả đời
2 ngày trướcBài gốc
Một nghiên cứu được công bố bởi các chuyên gia Đại học Harvard chỉ ra: cha mẹ không cần phải ở cạnh con cả ngày, mà chỉ cần hiện diện vào 4 "thời điểm vàng" dưới đây là đủ để tạo nên sự gắn kết sâu sắc, giúp con phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.
1. Buổi sáng ngay sau khi con thức dậy
Một khởi đầu dịu dàng có thể giúp trẻ bước vào ngày mới với tâm trạng tích cực, cảm thấy được yêu thương và an toàn. Ảnh minh họa
Đây là thời điểm khởi đầu cho cả một ngày dài.
Nhiều trẻ nhỏ thường mè nheo, uể oải khi bị đánh thức, nhưng thay vì quát mắng hay giục giã, cha mẹ nên nhẹ nhàng vỗ về, mở rèm cho ánh sáng tràn vào phòng, nói vài lời ngọt ngào.
Một khởi đầu dịu dàng có thể giúp trẻ bước vào ngày mới với tâm trạng tích cực, cảm thấy được yêu thương và an toàn.
Buổi sáng cũng là thời điểm lý tưởng để cha mẹ và con cùng vận động nhẹ, nghe một bản nhạc, thậm chí luyện nghe tiếng Anh.
Dù chỉ vài phút, nhưng thói quen này sẽ gieo vào con những hạt mầm tích cực.
2. Trong bữa ăn sáng và bữa ăn tối
Đây cũng là dịp lý tưởng để cả nhà trò chuyện, lắng nghe nhau. Ảnh minh họa
Bữa cơm gia đình là lúc kết nối tự nhiên nhất.
Hãy để trẻ tham gia: bưng bát, xếp đũa, lau bàn... những hành động nhỏ nhưng giúp trẻ cảm nhận được giá trị của sự chia sẻ và trách nhiệm.
Đây cũng là dịp lý tưởng để cả nhà trò chuyện, lắng nghe nhau.
Tuy nhiên, điều quan trọng là không biến bữa ăn thành "cuộc họp phụ huynh".
Hạn chế nhắc đến điểm số hay những lời chê trách vào lúc này, vì chúng sẽ khiến trẻ dễ nảy sinh cảm giác áp lực, xa cách. Hãy giữ cho bữa ăn là khoảng thời gian vui vẻ, thoải mái.
3. Khi đón trẻ sau giờ tan học
Sự hiện diện tích cực của cha mẹ vào thời điểm này giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng, khơi dậy nhu cầu chia sẻ, kết nối, và cả động lực học tập. Ảnh minh họa
Sau một ngày dài ở trường, trẻ cần nhất là một cái ôm, một câu hỏi nhẹ nhàng: "Hôm nay con có gì vui?"
Đó là cơ hội để cha mẹ lắng nghe những chuyện nhỏ nhặt nhất của con, từ bài kiểm tra, trò chơi, cho đến những khúc mắc với bạn bè.
Nếu có thời gian, hãy cùng con dạo một vòng công viên, ngồi trò chuyện trên ghế đá, hay đơn giản chỉ là cùng đi bộ về nhà.
Sự hiện diện tích cực của cha mẹ vào thời điểm này giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng, khơi dậy nhu cầu chia sẻ, kết nối, và cả động lực học tập.
Trái lại, nếu cha mẹ đón con trong trạng thái vội vàng, cáu bẳn, than phiền, trẻ sẽ dần khép mình và không còn mong chờ giây phút trở về nhà.
4. Trước khi con đi ngủ
Khoảng thời gian trước khi đi ngủ là lúc trẻ dễ mở lòng nhất.
Một lời chúc ngủ ngon, một câu chuyện cổ tích, hay một bài hát ru nhẹ nhàng từ cha mẹ có thể khiến trái tim con tràn ngập yêu thương và yên bình.
Đây cũng là thời điểm quan trọng để cha mẹ "chốt lại" ngày của con bằng năng lượng tích cực.
Một cái ôm, vài câu hỏi nhẹ nhàng như "Hôm nay con thấy điều gì vui nhất?", "Ngày mai con muốn làm gì?" có thể giúp con an tâm hơn, dễ dàng đi vào giấc ngủ và hình thành ký ức đẹp về tuổi thơ.
Dành thời gian đúng lúc, hơn là ở bên cả ngày
Theo triết lý nuôi dạy con của tác giả Ibuka Masaru trong cuốn "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn", điều quan trọng nhất cha mẹ có thể làm là dành thời gian yêu thương con ngay từ hôm nay.
Việc ở bên cạnh con vào 4 thời điểm đặc biệt trong ngày không chỉ giúp trẻ cảm thấy an toàn, mà còn là cách nuôi dưỡng nhân cách, cảm xúc và khả năng kết nối xã hội trong suốt hành trình trưởng thành.
Bởi vì, trong mắt con, thời gian cha mẹ dành cho mình luôn là món quà quý giá nhất.
Tường Vy (t/h)
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/dai-hoc-harvard-4-khoanh-khac-tuong-nhu-vo-hai-nhung-neu-cha-me-vang-mat-con-se-thiet-thoi-ca-doi-17225070216372935.htm