Một là, giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo-xây dựng Quân đội là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; quán triệt và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương (QUTƯ) về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại
Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, sự lãnh đạo được tập trung, thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đây là nguyên tắc, có tính quy luật, quyết định những vấn đề cơ bản về xây dựng Quân đội, sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội. Đại thắng mùa Xuân 1975 càng khẳng định Đảng lãnh đạo Quân đội là nguyên tắc bất biến, nhất quán, xuyên suốt, bảo đảm cho Quân đội luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình trước dân tộc.
Tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng, thế và lực của ta ngày càng mạnh. Sau Hiệp định Paris (27-1-1973), Bộ Chính trị đã chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu thành lập Tổ trung tâm triển khai xây dựng Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Đến Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (tháng 10-1973) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975) đã bổ sung, hoàn chỉnh và thông qua kế hoạch chiến lược cơ bản giải phóng miền Nam trong hai năm (1975-1976).
Đại tướng Nguyễn Tân Cương kiểm tra các sáng kiến, cải tiến và vật chất huấn luyện của Lữ đoàn 147, Vùng 1 Hải quân, tháng 3-2025. Ảnh: PHÚ SƠN
Sau thắng lợi của đòn “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên, ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị họp, khẳng định: Thời cơ chiến lược lớn đã đến và hạ quyết tâm thực hiện cuộc tổng tiến công chiến lược, hoàn thành trong năm 1975. Ngay tuần sau, Bộ Chính trị xác định quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa và quyết định thành lập Hội đồng chi viện miền Nam, huy động sức mạnh của cả nước vào trận quyết chiến chiến lược. Sau khi Trị Thiên-Huế, Đà Nẵng được giải phóng, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp, chủ trương: Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, quyết tâm thực hiện tổng công kích-tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng Tư, không để chậm. Khi thông qua quyết tâm và kế hoạch giải phóng Sài Gòn-Gia Định (mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh), Bộ Chính trị nhấn mạnh: Kế hoạch tiến công toàn diện cần bảo đảm một khi đã phát động thì phải tiến công thật nhanh và liên tục, dồn dập đến toàn thắng.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và QUTƯ, các cánh quân bằng sức mạnh hiệp đồng quân, binh chủng lần lượt phá vỡ hệ thống phòng ngự xung quanh Sài Gòn, đánh thẳng vào đầu não và lực lượng quan trọng nhất của ngụy quyền và quân ngụy Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tình hình hiện nay và trong thời gian tới đặt ra những yêu cầu cao đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, BVTQ; giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội để xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và BVTQ trong tình hình mới. QUTƯ, Bộ Quốc phòng tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, phát huy kết quả xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; Nghị quyết 18 ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới; Nghị quyết 05 ngày 17-1-2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 230 ngày 2-4-2022 của QUTƯ về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở những chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng, triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; từng cấp chủ động xây dựng kế hoạch, có lộ trình và bước đi cụ thể trong điều chỉnh tổ chức, biên chế từng khối theo hướng tinh, gọn, mạnh, với cơ cấu hợp lý, đồng bộ, giảm khâu trung gian, tiến lên hiện đại. Trong quá trình thực hiện phải quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là một tất yếu khách quan trong xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại, bảo đảm cho Quân đội luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, xứng đáng là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới.
Hai là, giữ vững nguyên tắc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ
Xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị là vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng LLVT cách mạng của Đảng, được thực hiện xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội. Thành công của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là đã xây dựng được hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, huy động được sức mạnh chính trị-tinh thần của toàn quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Cuối tháng 1-1973, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam ra Chỉ thị 01: “Tăng cường công tác chính trị trong LLVT trước tình hình, nhiệm vụ mới” nhằm phát huy cao độ sức mạnh công tác chính trị ở tất cả các cấp, giữ vững và nêu cao tinh thần cách mạng, thống nhất tư tưởng, hành động, LLVT thực sự là đội quân chiến đấu cách mạng của Đảng. Đầu tháng 1-1975, Tổng cục Chính trị triển khai thực hiện Đề án “Công tác chính trị”, trong đó có nội dung: “Động viên chính trị làm cho cán bộ, chiến sĩ đánh giá đúng tình hình địch-ta, nhận rõ thời cơ thuận lợi mới và nhiệm vụ mới, nêu cao tư tưởng tiến công, tiến công liên tục, quyết tâm thật cao, giành thắng lợi to lớn hơn nữa”. Chuẩn bị cho toàn quân bước vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy, ngày 7-3-1975, Tổng cục Chính trị ra Chỉ thị 02 về công tác chính trị đối với các đơn vị ở chiến trường, nêu rõ nhiệm vụ chung và yêu cầu chính cần đạt được: Quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ cách mạng, nhất là tình thế mới của cách mạng miền Nam, phát huy mạnh mẽ khí thế chiến thắng, nêu cao quyết tâm chiến đấu của bộ đội, nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, trình độ tổ chức, năng lực, tác phong, nâng cao chất lượng tổ chức đảng, tổ chức đoàn, trong đó chú trọng các cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần giành chiến thắng lớn nhất.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, QUTƯ, Bộ Quốc phòng, các binh đoàn chủ lực, binh chủng chiến đấu, bảo đảm, lực lượng đặc nhiệm, LLVT địa phương vào trận với ý chí quyết tâm cao nhất, “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” xông lên, giành thắng lợi cho trận quyết chiến chiến lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Vận dụng và phát huy bài học đó trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, đáp ứng yêu cầu tiến lên hiện đại, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị khóa IX, Nghị quyết 513 ngày 17-11-2005 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là QUTƯ). Đồng thời, thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ Quân đội thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước, QUTƯ, Bộ Quốc phòng về quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Tiếp tục quán triệt và thực hiện Kết luận 01 ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết 847 ngày 28-12-2021 của QUTƯ về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; Quy định 144 ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới...
Toàn quân tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 2423-CT/QUTW ngày 9-11-2023 của Thường vụ QUTƯ về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới; Quy chế công tác quản lý tư tưởng quân nhân, nắm và định hướng dư luận trong QĐND Việt Nam. Chủ động đấu tranh bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng, văn hóa của Đảng trong Quân đội, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn "phi chính trị hóa" Quân đội của các thế lực phản động. Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, chiến dịch có cơ cấu và số lượng hợp lý, giữ vai trò nòng cốt, tiền phong, gương mẫu trong lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt hoạt động của cơ quan, đơn vị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có nhận thức đầy đủ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, bảo đảm toàn quân một ý chí, thực hiện xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.
Ba là, xây dựng, hoàn thiện về tổ chức lực lượng, biên chế các cơ quan, đơn vị, có cơ cấu hợp lý, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Để có được Đại thắng mùa Xuân 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là QUTƯ, Bộ Quốc phòng-Bộ Tổng Tư lệnh, Quân đội ta đã có sự chuẩn bị chu đáo, toàn diện từ tổ chức, biên chế đến nhân lực, hậu cần... Tháng 7-1973, Thường vụ QUTƯ đã quyết định một số vấn đề về tổ chức LLVT trong tình hình mới, xác định xây dựng LLVT ba thứ quân, quân đội thường trực có chất lượng chiến đấu cao, phát triển dân quân tự vệ mạnh, lực lượng hậu bị hùng hậu; trên cơ sở đó cần chấn chỉnh tổ chức một bước, nâng cao chất lượng Quân đội theo phương châm QĐND chính quy và hiện đại. Từ đây, các quân đoàn chủ lực lần lượt được thành lập: Quân đoàn 1 (24-10-1973), Quân đoàn 2 (17-5-1974), Quân đoàn 4 (20-7-1974), Đoàn 232 (tương đương quân đoàn, tháng 2-1975), Quân đoàn 3 (26-3-1975). Khi thời cơ đến, thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và QUTƯ, Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã sử dụng 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 tiến công trên 5 hướng, đánh vào các mục tiêu then chốt trung tâm đầu não của địch, giành thắng lợi quyết định cho trận quyết chiến chiến lược.
Bên cạnh đó, ngay sau khi Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, Bộ Tổng Tham mưu vừa khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch, vừa triển khai các phương án nắm địch, nắm tình hình; hoàn thiện, bổ sung kế hoạch tác chiến cho từng chiến trường và kế hoạch bảo vệ miền Bắc... Công tác bảo đảm cho kế hoạch tiến công chiến lược được chuẩn bị rất chu đáo và triển khai trên các chiến trường. Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo động viên tuyển quân; chỉ đạo phát triển đồng bộ ba thứ quân, nhất là các đơn vị binh chủng hợp thành, vừa chiến đấu, vừa củng cố tổ chức để tiến hành các chiến dịch lớn. Đây là những yếu tố góp phần quan trọng cho thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Từ thực tiễn xây dựng, tổ chức sử dụng lực lượng tác chiến trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, để xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại cần xây dựng, hoàn thiện về tổ chức lực lượng, biên chế các cơ quan, đơn vị, có cơ cấu hợp lý, đồng bộ ở tất cả các khâu. Trên cơ sở biểu biên chế mới, các cơ quan, đơn vị nhanh chóng điều chỉnh, kiện toàn, ổn định về tổ chức theo hướng tinh, gọn, mạnh, bảo đảm thực hiện tốt mọi nhiệm vụ trong điều kiện mới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của Bộ Quốc phòng về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo, đặc biệt là Kết luận 126 ngày 14-2-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025; Kết luận số 127-KL/TW ngày 28-2-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Từ cấp chiến lược đến cơ sở phải điều chỉnh tổ chức, biên chế từng khối theo chức năng, nhiệm vụ phù hợp với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân. Cùng với đó, xây dựng và ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác đối với các cơ quan, đơn vị được điều chỉnh tổ chức, biên chế mới; xây dựng biểu tổ chức, biên chế thời bình và thời chiến; kế hoạch động viên lực lượng và tổ chức một số đơn vị dự bị chiến lược sẵn sàng chiến đấu cao, phù hợp với quyết tâm BVTQ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến trong mọi tình huống.
Bốn là, tiến hành có hiệu quả công tác hậu cần, kỹ thuật (HC-KT) và phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
Chuẩn bị cho kế hoạch chiến lược, Bộ Tổng Tham mưu đã hiệp đồng với các đầu mối của Bộ Quốc phòng và các ngành, các cơ quan Đảng, Nhà nước, tính toán, bổ sung kế hoạch chuẩn bị lực lượng, trang bị kỹ thuật; đôn đốc việc mở rộng và nâng cấp mạng lưới đường chiến lược, chiến dịch; làm đường dây thông tin, đường ống dẫn dầu vào Nam Bộ; xây dựng các căn cứ, tổ chức hệ thống kho, trạm tại chỗ... Bộ Quốc phòng giao Tổng cục Hậu cần trực tiếp khảo sát các chiến trường, xây dựng kế hoạch chi viện 3 năm (1973-1975); chỉ đạo các chiến trường xây dựng cơ sở hậu cần tại chỗ, phát triển sản xuất, củng cố hệ thống kho tàng, bến bãi, nâng cao khả năng tiếp nhận và vận chuyển hàng hóa phục vụ yêu cầu chiến đấu trong tình hình mới. Để thực hiện tốt công tác bảo đảm trang bị, quản lý kỹ thuật, nghiên cứu kỹ thuật quân sự và trực tiếp quản lý các xí nghiệp sản xuất quốc phòng, ngày 5-4-1974, QUTƯ ra Nghị quyết 39 về việc thành lập Tổng cục Kỹ thuật.
Để chắc thắng trong trận quyết chiến chiến lược, cùng với việc tập trung lực lượng lớn chủ lực và binh khí kỹ thuật, Bộ Chính trị, QUTƯ chỉ đạo huy động hàng hóa, phương tiện vận chuyển từ miền Bắc, Tây Nguyên, Khu 5 vào cung cấp đủ cho chiến dịch. Cùng với tuyến vận tải chiến lược trên biển, trên bộ, hậu cần chiến dịch và chiến lược mở thêm 2 tuyến vận tải vào Lộc Ninh và Long Khánh, 6 tuyến vận tải chiến dịch xuống các cánh kho hậu cần B2 phụ trách, đường ống xăng dầu kéo dài từ Bù Đốp vào Lộc Ninh, kết hợp với khai thác hậu cần tại chỗ... Thành công của công tác bảo đảm HC-KT cho các lực lượng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Từ bài học bảo đảm HC-KT trong Đại thắng mùa Xuân 1975, vận dụng vào xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, cần tiến hành có hiệu quả công tác HC-KT và phát triển CNQP, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới. Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, QUTƯ, Bộ Quốc phòng về việc nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng đất nước, toàn quân tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 1658 ngày 20-12-2022 của QUTƯ về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết 1656 ngày 20-12-2022 của QUTƯ về lãnh đạo công tác kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp... Toàn quân triển khai thực hiện đồng bộ các đề án, dự án (nhất là các dự án trọng điểm) về CNQP.
Bên cạnh đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các nguồn lực, hoàn thiện cơ chế, phương thức bảo đảm vật chất hậu cần, xây dựng lực lượng HC-KT dự bị động viên vững mạnh; tiềm lực, thế trận HC-KT các khu vực phòng thủ vững chắc, nhất là ở các địa bàn chiến lược, trọng điểm, sẵn sàng huy động, bảo đảm cho các tình huống quốc phòng. Xây dựng nền CNQP chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại; CNQP phải làm chủ được công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm tự sửa chữa, cải tiến, sản xuất được vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật tương đối hiện đại và hiện đại.
Xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại cần kết hợp nguồn nội lực và ngoại lực, trong đó nội lực là chủ yếu và quyết định, đồng thời tranh thủ nguồn ngoại lực để phát triển.
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần tạo thế và lực để xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ, cổ vũ, giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của bạn bè quốc tế, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa, cùng với đó là liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào-Campuchia. Từ đó đã làm tăng thêm sức mạnh của Việt Nam để làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.
Vận dụng bài học đó trong xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại, cần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại quốc phòng, hợp tác quân sự theo đường lối đối ngoại của Đảng, trên cơ sở luật pháp quốc tế, theo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, hợp tác cùng có lợi, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, theo phương châm “thêm bạn, bớt thù”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Kiên định chính sách quốc phòng “4 không” (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế), giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển đất nước, củng cố quốc phòng, an ninh; không để bị động, bất ngờ; ngăn ngừa nguy cơ xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, lệ thuộc.
Theo đó, tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới; Kết luận 53 ngày 28-4-2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 2662 ngày 26-2-2024 của QUTƯ về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. QUTƯ, Bộ Quốc phòng xác định: Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, mở rộng hợp tác quân sự và xử lý tốt quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược. Để BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy, bằng biện pháp hòa bình, trong quan hệ hợp tác quốc tế cần nâng tầm đối ngoại quốc phòng đa phương, chủ động tham gia và có trách nhiệm vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu hộ, cứu nạn, các diễn đàn hợp tác quốc phòng, quân sự, an ninh trong khu vực và quốc tế. Đối ngoại quốc phòng là một trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai tích cực, chủ động, linh hoạt, thực chất, hiệu quả, góp phần xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế và hình ảnh đất nước, uy tín của QĐND Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp trực tiếp và quan trọng vào thành công của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, BVTQ.
QĐND Việt Nam là đội quân cách mạng do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện; là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng, Nhà nước, bảo đảm cho Quân đội có đủ sức mạnh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ứng phó kịp thời, hiệu quả trước các thách thức an ninh phi truyền thống; đồng thời hoàn thành tốt vai trò là lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. 50 năm đã trôi qua, những bài học từ Đại thắng mùa Xuân 1975 đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát huy trong xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại.
Đại tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng