Đắk Lắk dự kiến thu hồi gần 128.000 ha đất rừng bị lấn chiếm

Đắk Lắk dự kiến thu hồi gần 128.000 ha đất rừng bị lấn chiếm
2 tháng trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Văn bản số 188 về kế hoạch xử lý thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn.
Theo báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng 9 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, chặt phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất rừng để canh tác nông nghiệp, làm nhà ở, mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép vẫn còn diễn ra phức tạp. Đặc biệt là tại địa bàn các huyện Ea H'Leo, Ea Súp, Cư M'gar, Krông Nông, Ea Kar...
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 127.784,9 ha đất có nguồn gốc lâm nghiệp bị lấn, chiếm; việc thu hồi diện tích đất này gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn, chiếm đất lâm nghiệp là do công tác quản lý đất đai trên địa bàn còn thiếu chặt chẽ, nhiều hạn chế.
Tại một số địa phương, công tác chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó công tác kiểm tra, xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường bị lấn, chiếm chưa được quan tâm đúng mức, chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa cụ thể, sát sao, nhiều địa phương còn buông lỏng công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Tình trạng đất lâm nghiệp do nhà nước quản lý và của các doanh nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê bị lấn, chiếm trong thời gian dài nhưng chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Người dân canh tác, sản xuất, xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất lấn, chiếm gây nhiều áp lực, khó khăn cho chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, lâm nghiệp...
Trước thực trang trên, ngày 24/10/2024, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch xử lý thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết, tổng diện tích đất lâm nghiệp buộc phải thu hồi gần 128.000 ha. Những trường hợp đất bị thu hồi bao gồm: Diện tích đất lâm nghiệp đã được cấp có thẩm quyền giao cho các cộng đồng dân cư nhưng bị người dân xâm canh, lấn chiếm sử dụng.
Đất bị người dân xâm canh, lấn chiếm sử dụng trái pháp luật đối với diện tích UBND tỉnh giao, cho thuê tại các dự án nông lâm nghiệp, Công ty TNHH MTV, HTX lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia.
Đối với các trường hợp lấn, chiếm đất lâm nghiệp nhưng chưa xác định được đối tượng vi phạm thì cấp xã thông báo công khai về địa điểm, tài sản trên đất (loại cây trồng, công trình trên đất) bị lấn, chiếm lên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, các điểm sinh hoạt cộng đồng, nơi tập trung dân cư.
Sau 30 ngày, nếu không có tổ chức, cá nhân đến nhận là chủ thể vi phạm thì cơ quan chức năng làm thủ tục xử lý vi phạm hành chính thuộc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm theo quy định...
Việc thu hồi đất lấn, chiếm được thực hiện từ quý 1/2025, hoàn thành vào quý 4/2026.
Theo đó, Đắk Lắk sẽ thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo cấp huyện và Tổ công tác cấp xã xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn quản lý.
Trong quý 1/2025: Tổ công tác cấp xã hoàn thành việc kiểm tra thực tế, rà soát phân loại đối tượng…
Trong quý 2/2025: Ban Chỉ đạo cấp huyện thông báo các trường hợp lấn, chiếm đủ điều kiện và không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Từ quý 3 đến quý 4/2025: Tiến hành cưỡng chế thu hồi đất lấn chiếm, phấn đấu thu hồi được 30% diện tích đất lấn, chiếm trên địa bàn.
Từ quý 1/2026 đến quý 2/2026: Thu hồi được 30% diện tích đất lấn, chiếm trên địa bàn.
Từ quý 3/2026 đến quý 4/2026: Thu hồi 40% diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm còn lại trên địa bàn.
Đối với các trường hợp lấn, chiếm phát sinh kể từ ngày Kế hoạch này được ban hành thì UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã phải tổ chức kiểm tra phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay sau khi phát hiện và báo cáo cấp có thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo.
Ban Mai
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/dak-lak-du-kien-thu-hoi-gan-128-000-ha-dat-rung-bi-lan-chiem.htm