Đậm đà văn hóa chợ Việt truyền thống tại phiên chợ nón làng Chuông

Đậm đà văn hóa chợ Việt truyền thống tại phiên chợ nón làng Chuông
6 giờ trướcBài gốc
Theo các cụ cao niên làng Chuông kể lại, nghề làm nón của làng đã có lịch sử hơn 300 năm, nhưng thực sự phát xuất từ đâu thì người làng Chuông hiện giờ không ai biết.
Nghề làm nón làng Chuông có bao nhiêu năm tuổi nghề, thì phiên chợ nón làng Chuông cũng có bấy nhiêu năm tuổi chợ. Chợ nón làng Chuông bởi vậy thấm đẫm nét văn hóa chợ truyền thống xứ Đoài.
Chợ nằm bên dòng sông Đáy, ngay phía trước ngôi đình làng cổ kính.
Chợ nón làng Chuông ngày nay vẫn họp sáu phiên mỗi tháng, vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 âm lịch.
Sắc màu cuộc sống của người dân làng Chuông hội tụ tại phiên chợ nón mộc mạc, đậm đà, mang nét đặc trưng văn hóa chợ của người dân xứ Đoài gắn với cây đa, giếng nước, sân đình.
Nhịp sống thường nhật của người dân làng Chuông không gấp gáp, nhưng mỗi ngày phiên chợ lại đặc biệt đông đúc, nhộn nhịp rất sớm.
Chợ bắt đầu nhộn nhịp từ 5h sáng trên khoảng đất rộng trước sân đình. Khách đi chợ phần lớn đã cao tuổi.
Phiên chợ nón làng Chuông họp sớm, nhưng tan cũng sớm, thường 7h sáng chợ bắt đầu vãn khách, 8h sáng đã không còn kẻ bán người mua.
Khu bán vật liệu như khung, vành nón các kích cỡ nằm hai bên rìa khu chợ chính.
Khu bán nón thành phẩm với những chồng nón, mũ các loại xếp cao ở trung tâm khu chợ.
Ngoài nón, chợ cũng bán các loại mũ lá với nhiều kiểu dáng đa dạng.
Khu bán mua vật liệu cùng công cụ làm nón như vòng nón, cước, kim khâu, sợi tế cũng bày la liệt với nhiều màu sắc.
Khu bán lá mo ở trong sân ngôi đình cổ hàng trăm năm tuổi.
Giá nón thành phẩm tùy theo mũi khâu thưa (đan mỏng) hay khâu mau (đan dày) sẽ tạo nên độ chắc chắn và bền đẹp của sản phẩm, dao động từ 20-70 nghìn đồng.
Khu bán nón thành phẩm luôn là khu vực đông đúc, nhộn nhịp nhất với rất đông kẻ bán, người mua.
Chợ cũng là nơi những người làm nón trao đổi câu chuyện làng nghề, chuyện bán buôn.
Nhiều người dân cho biết, những năm gần đây, phiên chợ nón làng Chuông cũng thường xuyên có du khách tới thăm.
Nhờ sự phát triển của du lịch, những chiếc nón làng Chuông không còn đơn thuần để che nắng, che mưa, làm đẹp cho người phụ nữ, mà còn trở thành những món hàng mỹ nghệ, quà lưu niệm đặc biệt dành cho du khách.
Qua hơn 300 năm tiếp nối, trao truyền nghề quý, ngôi làng nhỏ bé bên dòng sông Đáy vẫn gìn giữ được nghề làm nón của cha ông.
Những phiên chợ nón cứ họp hết ngày này qua tháng khác như để khẳng định làng Chuông vẫn âm thầm gìn giữ những nét truyền thống đặc sắc trong đời sống văn hóa, tình thần người Việt.
Để chiếc nón lá không chỉ vật che nắng, che mưa, che những nhọc nhằn của các bà, các mẹ, các chị trên đồng ruộng, mà còn để làm duyên, làm dáng cho người phụ nữ Việt Nam.
Thư Vũ/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/du-lich/dam-da-van-hoa-cho-viet-truyen-thong-tai-phien-cho-non-lang-chuong-post1212760.vov